Sau 2 thành phố trực thuộc, Hà Nội quy hoạch 3 trục phát triển quan trọng nào?
Sau 2 thành phố trực thuộc, Hà Nội quy hoạch 3 trục phát triển quan trọng nào?
Thái Nguyễn
Thứ năm, ngày 16/02/2023 06:10 AM (GMT+7)
Theo quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có 2 thành phố trực thuộc ở phía Bắc và phía Tây. Cùng với đó, Hà Nội quy hoạch 3 trục phát triển quan trọng gồm: Sông Hồng, Hồ Tây - Ba Vì, Nhật Tân - Nội Bài.
Theo định hướng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Hà Minh Hải cho biết quy hoạch Thủ đô sẽ chú trọng 3 nội dung quan trọng về không gian. Trong đó, Hà Nội sẽ có 2 thành phố trực thuộc và 3 khu vực không gian (ngầm, xanh và công cộng).
Ngoài 2 thành phố trực thuộc, Hà Nội dự kiến xác định 3 trục phát triển quan trọng gồm: Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh...
Tính đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị triển khai 13 bước xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã mời các chuyên gia tham vấn, tổ chức học tập kinh nghiệm và triển khai các bước xây dựng Đề cương định hướng. Từ nay đến trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ chỉ đạo thực hiện 8 bước hoàn thiện quy hoạch quan trọng.
Đối với Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết, Đề cương gồm 3 nội dung: Phạm vi quy hoạch, sự cần thiết xây dựng đề cương và định hướng cụ thể. Đáng chú ý, về quan điểm tổ chức không gian, đề cương nêu rõ, quy hoạch phải bảo đảm hài hòa, hợp lý, có bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến; đồng thời mở rộng không gian đô thị xanh, hiện đại, thông minh, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của nông thôn Bắc Bộ.
Nhận định về quy hoạch 2 thành phố trực thuộc và 3 trục phát triển, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Việt Nam hoàn toàn đồng ý với tầm nhìn quy hoạch mà Hà Nội đã nêu trong đề cương quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Trước hết phải làm trục sông Hồng, vì có lấy sông Hồng làm trục thì Hà Nội mới văn hiến được, kết hợp với làm trục Ba Vì – Hồ Tây thành trục văn hóa để làm nổi rõ đặc trưng Hà Nội. Cần lưu ý thành phố phải rất quan tâm giải quyết tường tận các vấn đề rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường, nghĩa trang... ngay trong các quy hoạch quan trọng lần này. Đây là vấn đề có tính mấu chốt để có Hà Nội "Văn hiến – Văn minh – Hiện đại", ông Chính nhận định.
Còn PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Hà Nội phải xác định rõ tầm nhìn chiến lược, coi những tiềm năng, lợi thế mà mình có là của thế giới, từ đó có giải pháp thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng. Đặc biệt, PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định, để hiện thực hóa được các quy hoạch lớn này, Hà Nội cần có cơ chế vượt trội, mang tính mở đường.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng xác định mục tiêu tiến độ thành phố đề ra là trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2023 đồng thời 3 nội dung, đó là: Luật Thủ đô (sửa đổi), điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, đây là hai quy hoạch rất quan trọng, sẽ định hình chân dung, con đường phát triển của Thủ đô trong những năm tới. Do đó, dù tiến độ gấp, phải làm nhanh, nhưng chất lượng vẫn phải là hàng đầu. Hai quy hoạch và Luật Thủ đô (sửa đổi) có quan hệ chặt chẽ, cái này là cơ sở của cái kia, do đó, quá trình xây dựng phải bảo đảm khớp nhau mới có tính khả thi.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng quy hoạch lần này phải tạo nguồn lực mới nhằm xây dựng và phát triển thủ đô. Hà Nội sẽ tạo ra những cực tăng trưởng mới, trong đó có 2 thành phố trực thuộc.
Cụ thể, thành phố phía Bắc (gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) được định hướng phát triển dịch vụ, thông minh và hội nhập. Với công nghiệp, khu vực này chủ yếu phát triển dịch vụ như logistics, công nghiệp phụ trợ phục vụ các chuỗi sản xuất công nghiệp xung quanh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...
Với thành phố phía Tây (gồm Hòa Lạc, Xuân Mai), ông Dũng cho biết khu vực này vốn có sẵn. Thủ tướng cũng chỉ đạo bàn giao khu công nghệ cao Hòa Lạc trong quý I/2023, đồng thời thành phố đã khởi công tuyến cao tốc Hà Đông - Xuân Mai. Tới đây, UBND thành phố cần chỉ đạo nhanh chóng làm đường sắt trên cao đoạn này; đồng thời nghiên cứu cải tạo Quốc lộ 21 (từ Sơn Tây đi Xuân Mai), qua đó tạo ra hạ tầng khung để hút dân ra.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý, trong tính toán không gian phải nghĩ rộng ra, đặt ra Hà Nội trong liên kết Vùng Thủ đô. Do đó, phải nghiên cứu thêm về hạ tầng, kết nối được Hà Nội với các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc bằng đường sắt. Đây chính là lý do khi đề xuất xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Hà Nội đã đề nghị kết hợp giải phóng mặt bằng luôn phần đất để tích hợp đường sắt quốc gia vào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.