Sau cơm tấm, bánh mì Sài Gòn lọt top 10 kỷ lục châu Á về ẩm thực

M.T Thứ năm, ngày 07/12/2023 08:45 AM (GMT+7)
Cùng với cơm hến, lẩu thả, bún nước lèo..., bánh mì Sài Gòn vừa được công nhận là kỷ lục châu Á. Đây là lần thứ tư Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố các kỷ lục mới cho ẩm thực, đặc sản Việt Nam với sự đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings).
Bình luận 0

Sau cơm tấm, đến lượt bánh mì Sài Gòn được công nhận là kỷ lục châu Á về ẩm thực

Sau cơm tấm, bánh mì Sài Gòn lọt top 10 kỷ lục châu Á về ẩm thực  - Ảnh 1.

Lẩu thả Phan Thiết cũng được xác lập kỷ lục châu Á lần này. Nồi lẩu là sự kết hợp tài tình giữa các nguyên liệu tươi ngon và cách trình bày đẹp mắt. Ảnh: V.K

Sau quá trình chọn lọc, 10 đề cử đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á quyết định công bố xác lập, theo Bộ tiêu chí Kỷ lục ẩm thực và đặc sản châu Á, nâng số lượng các kỷ lục về ẩm thực và quà tặng đặc sản Việt Nam đạt Kỷ lục châu Á lên số lượng 60 món từ năm 2012 đến năm 2023 (gồm 38 món ăn đặc sản và 22 đặc sản thiên nhiên và đặc sản quà tặng của các địa phương).

Theo đó, 5 món ăn đặc sản được Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố xác lập lần 4, năm 2023-2024, gồm: Bánh mì Sài Gòn (TP.HCM), cơm hến (Thừa Thiên Huế), lẩu thả Phan Thiết (Bình Thuận), nem nướng Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), bún nước lèo (Sóc Trăng). 5 đặc sản thiên nhiên gồm: Cốm làng Vòng (Thành phố Hà Nội), khoai deo (tỉnh Quảng Bình), mè xửng (Thừa Thiên Huế), dâu Đà Lạt (Lâm Đồng) và bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh).

Sau cơm tấm, bánh mì Sài Gòn lọt top 10 kỷ lục châu Á về ẩm thực  - Ảnh 2.

Điểm hấp dẫn của bánh mì Sài Gòn không phải là vỏ bánh, ruột bánh hay nhân bánh mà là sự kết hợp, hòa phối tuyệt vời giữa các thành phần đó. Ảnh: VietKings

Sách báo viết về bánh mì và ẩm thực Việt đều cho rằng chiếc bánh baguette đặc trưng đã "theo chân" đoàn quân viễn chinh Pháp đến Việt Nam để thỏa cái thú ẩm thực phong lưu của họ. Vào khoảng cuối thập niên 1850, mà cụ thể là năm 1859, khi quân đội Pháp tấn công và xâm chiếm Sài Gòn - Gia Định, người Gia Định, và sau đó là cả Nam Kỳ lục tỉnh, gọi chiếc bánh ba-gét (baguette) mà người Pháp ăn hằng ngày ấy là "bánh mì" - đơn giản là bánh làm bằng bột mì. 

Nếu baguette chú trọng phần ruột rất đặc thì bánh mì Sài Gòn lại thiên về ruột đặc vừa phải, để khoảng trống cho việc nhận vào các loại thức ăn kèm theo. Như vậy khi ăn, sẽ không gây cảm giác ngồn ngộn, quá ngán và mất ngon. Có thể thấy từ chiếc baguette, chiếc bánh mì đã có những biến hóa, vừa giữ được nét truyền thống của bánh mì Pháp, lại vừa mang một màu sắc rất riêng biệt của con người và vùng đất Sài Gòn xưa. 

Theo thời gian, bánh mì Sài Gòn được phổ biến khắp các vùng miền của Việt Nam. Với mỗi vùng, ổ bánh mì Sài Gòn lại được cộng hưởng thêm nét đặc sắc trong ẩm thực của vùng đó. Hình thức dùng phổ biến nhất của bánh mì Sài Gòn là thêm phần nhân vào bên trong. 

Phần nhân bánh mì được chia làm ba loại thành phần. Thứ nhất, nguyên liệu chính thường là các thực phẩm chế biến từ thịt như thịt heo quay, thịt nguội, chả, chà bông, xúc xích… Phần nhân này sẽ tạo hương vị chính, đặc trưng cho ổ bánh mì Sài Gòn. 

Thứ hai, nguyên liệu rau ăn kèm. Vì đa phần nguyên liệu chính là thịt, nên để tránh cảm giác ngán, giảm bớt lượng dầu mỡ và tăng thêm sự hấp dẫn, bánh mì Sài Gòn thường được nhận thêm một số loại rau ăn kèm như dưa leo, ngò, đồ chua, hành lá… thái mỏng. 

Thứ ba, phụ liệu không thể thiếu, đóng vai trò tạo nên hương vị thơm ngon, đậm đà đặc sắc cho bánh mì Sài Gòn đó là nước xốt cùng một số phụ gia. Nhiều người cho rằng, bánh mì Sài Gòn sẽ kém hấp dẫn hẳn nếu thiếu loại nước xốt ngon. Không có công thức hay quy định chung về nước xốt, tùy mỗi người bán mà có công thức chế biến nước xốt khác nhau. Một số cửa hàng bánh mì nổi danh là do loại nước xốt riêng của họ. Nước xốt có thể pha chế từ nước tương, nước mắm, nước cá mòi…

Ngoài ra, bánh mì Sài Gòn còn được thêm các phụ gia giúp làm dậy thêm vị giác như bơ, pate, muối tiêu, tương ớt, ớt tươi thái nhỏ… Khi dùng bánh mì, người ăn sẽ cảm nhận được lớp vỏ ngoài giòn rụm của vỏ bánh, vị thơm ngon của thịt, thanh mát của rau bên trong cùng vị đậm đà của nước xốt và một chút cay nồng của ớt… Tất cả như quyện vào nhau tạo nên một món ăn vừa ngon lại vô cùng gần gũi và bình dị. 

Sau cơm tấm, bánh mì Sài Gòn lọt top 10 kỷ lục châu Á về ẩm thực  - Ảnh 4.

Bát cơm hến được trộn từ tất cả các thành phần trên rồi chan nước hến. Ảnh: V.K

Nhiều món ngon được xác lập kỷ lục ẩm thực

Trước đó, VietKings đề xuất và được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục những món ăn, đặc sản quà tặng của Việt Nam.

12 món ăn Việt được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập lần đầu tiên năm 2012 gồm: Phở (Hà Nội), bún chả (Hà Nội), bún thang (Hà Nội), bánh đa cua (Hải Phòng), bún bò (Huế), cơm tấm (TP.HCM), gỏi cuốn (TP.HCM), cơm cháy (Ninh Bình), cháo lươn (Nghệ An), phở khô (Gia Lai), bánh khọt (Bà Rịa - Vũng Tàu), mì Quảng (Quảng Nam).

Sau cơm tấm, bánh mì Sài Gòn lọt top 10 kỷ lục châu Á về ẩm thực  - Ảnh 5.

Cốm làng Vòng là một trong những món ăn đặc sản của Hà Nội, được nhiều người yêu thích - Ảnh: Vietkings cung cấp

Đến năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập thêm 10 món ăn, 8 đặc sản gồm: Chả cá Lã Vọng (Hà Nội), bún cá rô đồng (Hải Dương), chả mực Hạ Long (Quảng Ninh), cao lầu Hội An (Quảng Nam), bánh canh chả cá Quy Nhơn (Bình Định), gỏi lá (Kon Tum), bánh bèo bì (Bình Dương), bún suông (Trà Vinh), hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang), bún cá Châu Đốc (An Giang), bánh đậu xanh (Hải Dương), chè (Thái Nguyên), quế Trà Bồng (Quảng Ngãi), sâm Ngọc Linh (Kon Tum), cà phê Buôn Mê (Đắk Lắk), bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh), bánh phồng sữa dừa (Bến Tre), tiêu Phú Quốc (Kiên Giang).

Sau cơm tấm, bánh mì Sài Gòn lọt top 10 kỷ lục châu Á về ẩm thực  - Ảnh 6.

Bún nước lèo cũng nhận kỷ lục ẩm thực châu Á

Năm 2022, 7 món ăn và 4 đặc sản được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập gồm: Gỏi sầu đâu (An Giang), gỏi cá trích Phú Quốc (Kiên Giang), lẩu mắm U Minh (Cà Mau), các món ăn từ sen (Đồng Tháp), các món ăn từ cá thát lát (Hậu Giang), các món ăn từ cá ngừ đại dương (Phú Yên), các món ăn từ dừa (Bến Tre), tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), yến sào (Khánh Hòa), rượu sim Phú Quốc (Kiên Giang).

Dự kiến, 10 món ăn đặc sản, quà tặng đạt kỷ lục châu Á sẽ được trao bằng Kỷ lục châu Á tại sự kiện Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 53 ở TP.HCM vào ngày 6/1/2024.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem