Bánh mì Sài Gòn - ký ức và đặc trưng cho tính cách người Sài Gòn

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 02/04/2023 11:29 AM (GMT+7)
Bánh mì Sài Gòn má mua ở bến xe An Sương, Chợ Lớn, Văn Thánh thơm nứt mùi bơ, mang về làm quà chưa bao giờ khiến lũ trẻ thôi trông ngóng... Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi, TP.HCM xứng đáng được mệnh danh là thủ phủ của bánh mì Việt Nam.
Bình luận 0
Bánh mì Sài Gòn - ký ức và đặc trưng cho tính cách người Sài Gòn  - Ảnh 1.

Bánh mì Sài Gòn - Ký ức và đặc trưng cho tính cách người Sài Gòn. Ảnh: Hồng Phúc

Bánh mì ở Sài Gòn có mặt khắp nơi, từ đầu hẻm, trước trường học, bến xe, siêu thị, cửa hàng tiện lợi cho đến nhà hàng sang trọng. Bánh mì phục vụ mọi tầng lớp, từ người lao động bình dân tới giới trung lưu nhiều tiền. Muốn bánh mì nhân gì, giá bán ra sao, phân khúc thế nào cũng đều được đáp ứng.

Tuy nhiên, với nhiều người, nhất là người dân miền Nam nói chung và nhiều tỉnh thành ven TP.HCM nói riêng, nhắc đến “bánh mì Sài Gòn”, nó còn là một-cái-gì-đó thật đẹp, gắn liền với ký ức tuổi thơ, là món quà quý giá không thể thiếu của ba má, cô bác, người thân mỗi lần từ Sài Gòn về.

Chờ bánh mì Sài Gòn của má

“Hồi đó, má mỗi lần có dịp vào Sài Gòn, khi về, lúc nào cũng có bánh mì làm quà. Ổ bánh mì vàng ruộm, thơm một mùi rất riêng, rất đặc biệt. Má nói mua ở bến xe còn nóng mà ngồi xe đò 1-2 tiếng mới về tới nhà, bánh nguội hết, móp lại. Vậy mà vẫn ngon. Cứ mỗi lần má đi Sài Gòn, đứa nào ở nhà cũng ngóng, cũng chắc chắn là má về sẽ được ăn bánh mì Sài Gòn”, anh Huy Vũ, 36 tuổi, ngụ quận Bình Tân nhớ lại.

Cái thời anh Huy còn chờ bánh mì Sài Gòn của má là lúc gia đình còn sống ở Long An. Cách TP.HCM không xa. Nhưng theo anh, thời điểm đó, không phải cứ muốn đi Sài Gòn là đi được, vì gia đình khó khăn.

“Phải lâu lắm, má đi công chuyện, đi thăm người thân, hoặc đi khám bệnh. Chúng tôi lúc đó chỉ nghe nói đến Sài Gòn, chứ đã làm gì được đi, và bánh mì má mang về là thứ quà tượng trưng rõ nhất cho Sài Gòn trong ý nghĩ của anh em tôi”, anh Huy cười, nói.

Bánh mì Sài Gòn - Ký ức và đặc trưng cho tính cách người Sài Gòn - Ảnh 1.

Những cần xé bánh mì trong Chợ Cũ (đường Tôn Thất Đạm, quận 1 ngày nay) . Ảnh: Life

Bánh mì Sài Gòn trong ký ức của anh Huy là những ổ “bánh mì không”, tức chỉ là bánh mì được làm từ bột, nướng lên mà không đi kèm với bất cứ thứ gì. Ổ bánh mì chừng 20-30cm, lớp vỏ bên ngoài vàng ươm, bên trong mềm xốp. Khi đó, người ta hay đựng trong giỏ cần xe, có lót lốp bao bố để giữ cho bánh mì nóng, giòn. Người bán thường chở xe đạp, cũng có người đội lên đầu bán dạo ở bến xe. 

Những năm 1990-2000 về trước, quanh Hàng Xanh, dọc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ lối gần Bến xe Miền Đông (cũ) người ta bán "bánh mì không" rất nhiều, vì hầu như ai đi Sài Gòn về cũng mang thứ bánh đặc trưng Sài Gòn về làm quà. Người bán dựng rất nhiều giá gỗ và bánh mì được treo lên giá chào mời. Dọc những con đường này, mùi bánh mì bơ sực nức. Trên xe khách về quê, gần như không ai là không mang theo bánh mì. Không chỉ để làm quà cho trẻ nhỏ, người thân ở quê, "bánh mì không" cũng là món ăn lót dạ, chống đói dọc đường của khách đi xe đò. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi cho biết đối với người dân quê ở các tỉnh ven TP.HCM, kể cả ngoại ô thành phố, thì bánh mì Sài Gòn luôn là một thứ quà “đắt giá”.

“Dọc đường xa lộ (đường Điện Biên Phủ hiện nay), đoạn từ cổng chào gần ngã tư Hàng Xanh (lúc đó chưa có vòng xoay như bây giờ) đến cầu Văn Thánh (quận Bình Thạnh), tôi vẫn nhớ như in, nhiều giá bày những ổ bánh mì to dọc đường (chỗ cây xăng đối diện Trường Đại học HUTECH ngày nay) để bán cho khách đi xe ra miền Đông (Bà Rịa, Ngãi Giao, Cẩm Mỹ, Vũng Tàu), miền Trung. Người bán bánh cặp cái giỏ cần xé đựng bánh nhảy lên xe rao bán và nhiều người mua về làm quà cho người thân mỗi khi xe dừng bắt khách”, ông Lợi nhớ lại.

Ông Lợi kể chị Ba của ông lấy chồng tại Thủ Đức. Mỗi khi có người lên nội thành mua về mấy ổ bánh mì, bà mẹ chồng nấu nồi vịt kho chao, hai ba nhà trong xóm, chủ yếu là họ hàng xúm lại ăn. Mấy đứa nhỏ bẻ miếng bánh mì quét sạch chảo mà vẫn còn thèm.

Bánh mì cởi mở, nghĩa tình như tính cách người Sài Gòn

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi, TP.HCM xứng đáng được mệnh danh là thủ phủ của bánh mì Việt Nam, vì đây là mảnh đất hội tụ đủ các dòng bánh mì khắp cả nước, bánh mì du nhập từ các nước, với đủ loại biến tấu, từ bình dân đến cao cấp. 

Và có lẽ, không nơi nào tại Việt Nam giống TP.HCM, bánh mì có mặt ở khắp nẻo đường, mà người dân lại chuộng, lại "thương" bánh mì đến như vậy.

Bánh mì Sài Gòn - Ký ức và đặc trưng cho tính cách người Sài Gòn - Ảnh 3.

Nhân viên bánh mì Huynh Hoa, quận 1, TP.HCM luôn tay làm bánh cho khách từ khi cửa hàng mở bán. Ảnh: Hồng Phúc

Việc biến tấu bánh mì và ăn bánh mì của người Sài Gòn còn thể hiện rõ tính cách của người dân tại đô thị này, nơi được đánh giá mang đầy tính mở, năng động và sáng tạo.

“Do điều kiện lịch sử, cộng với đầu óc sáng tạo, cư dân Sài Gòn đã tạo ra một thế ứng xử hết sức hài hòa, với một loại thực phẩm để làm nên sự đa dạng, tinh tế trong việc thưởng thức, đáp ứng nhu cầu của nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội, đáp ứng gu ẩm thực của nhiều đối tượng khác nhau. Sự tiện lợi (“cơm tay cầm”), nhanh chóng, giá cả bình dân, dễ kết hợp trong việc “phối” các nhân bánh. Với giới trẻ, bánh mì cũng thể hiện trào lưu trong việc tiếp nhận các giá trị ẩm thực mới”, ông Lợi nói.

Bánh mì Sài Gòn - Ký ức và đặc trưng cho tính cách người Sài Gòn - Ảnh 4.

Việc biến tấu bánh mì và ăn bánh mì của người Sài Gòn còn thể hiện rõ tính cách của người dân tại đô thị Sài Gòn - TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Dành nhiều tâm huyết nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, văn hóa Sài Gòn - TP.HCM, ông Lợi nhận định chiếc bánh mì còn thể hiện rõ tính cách nhân ái, nghĩa tình của người dân thành phố.

Tại nhiều góc đường ở TP.HCM, người ta vẫn hay thấy những tủ bánh mì từ thiện, có thể là bánh mì không, hoặc kèm chai nước tương làm nước chấm. Ai đói đến lấy và những chiếc tủ bánh mì ấy khi vơi là được làm đầy. Những bữa tối, rất nhiều nhóm người từ trẻ đến có tuổi, cùng nhau đi xe máy, phát bánh mì thịt, bánh mì chay cho người cơ nhỡ khắp đường phố. Từ đại dịch Covid-19 đến nay, bánh mì từ thiện càng nhiều hơn.

“Người tổ chức tủ bánh hay phát bánh, phần nhiều cũng là người lao động, không phải giàu có gì, nhưng tấm lòng của họ luôn rộng mở trong việc chia sẻ với cộng đồng. Bánh mì là món ăn tiện lợi, dễ chế biến, lại không đắt, mà đủ ấm lòng người nhận. Điều nhỏ này cũng thấy rõ tính nghĩa tình của người Sài Gòn”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi nói với Dân Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem