Sau gần nột năm ATIGA có hiệu lực: Khó khăn kép khiến ngành mía đường “hụt hơi”

Minh Lê Thứ ba, ngày 01/12/2020 06:00 AM (GMT+7)
Năm 2020, ngành mía đường Việt Nam chịu tác động kép bởi dịch Covid-19 khiến giá đường thế giới giảm mạnh và đặc biệt là một lượng lớn đường nhập khẩu từ Thái Lan theo cam kết thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) tràn vào.
Bình luận 0

Nhiều nhà máy đường đã phải đóng cửa, hàng nghìn ha đất trồng mía bị bỏ hoang do giá đường và mía xuống thấp...

Nếu không có giải pháp kiểm soát dòng đường giá rẻ do được bảo hộ, trợ giá từ các nước vào thị trường nội địa, thì ngành mía đường Việt Nam khó tránh được tình trạng xóa sổ.

Đường ngoại ồ ạt chiếm lĩnh thị trường nội địa

Sau gần nột năm ATIGA có hiệu lực:  Khó khăn kép khiến ngành mía đường “hụt hơi” - Ảnh 1.

Sản lượng mía và đường vụ mía 2019-2020 của nhiều nhà máy đường giảm mạnh. Ảnh: P.V

Hiệp hội Mía đường cho biết, nếu như trước đó, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì vụ sản xuất 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía. Niên vụ 2020-2021 dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ 1/1/2020 bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và mức thuế chỉ 5%. Ngay lập tức một khối lượng đường kỷ lục đã tràn vào thị trường Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến. Sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884,285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (87,67%).

Cần tiếp cận chính sách thực tế, sòng phẳng

"Chính phủ, Bộ Công Thương đang khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp chống trợ cấp và tự vệ với đường nhập khẩu từ Thái Lan phần nào mang lại niềm tin của ngành mía đường. Nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại vấn đề lớn hơn đó lợi ích của bên tiêu dùng mía đường trong nước. Đây cũng là vấn đề mà ngành mía đường luôn bị "định kiến" vì cho rằng họ đang trục lợi từ người tiêu dùng trong nước nhờ chính sách bảo hộ.

Đã đến lúc, ngành đường cần có một cách tiếp cận chính sách thực tế, sòng phẳng và nhất là phù hợp với luật lệ, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia có trách nhiệm".

Ông Đặng Việt Anh - Chủ tịch HĐQT

Công ty CP Mía đường Sơn La

img

Đóng gói đường tại Nhà máy KCP Việt Nam tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: Đ.T

Chỉ thị 28 có nhiều giải pháp hiệu quả

"Trước những khó khăn của ngành mía đường, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường. Gần đây nhất là ngày 14/7/2020, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó đã đề cập nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực - nếu triển khai đồng bộ, kịp thời sẽ có tác động rất lớn, góp phần phục hồi và phát triển ngành mía đường trong nước.

Để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch, góp phần phát triển bền vững ngành sản xuất mía đường trong nước..., xin kiến nghị các bộ ngành, địa phương, Hiệp hội Mía đường nghiêm túc và kịp thời triển khai các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020. Đồng thời, Chính phủ có biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy và kiểm soát tình hình triển khai các nội dung trọng tâm đã được xác định".

Ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch HĐQT 

Công ty CP Đường Quảng Ngãi

P.V (ghi)

Thực tế từ nhiều thập kỷ qua, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh nhằm mở rộng sản xuất và xuất khẩu đường. Cụ thể, Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ cho ngành đường ít nhất là 1,3 tỷ USD mỗi năm. Trong đó khoảng trên 775 triệu USD được sử dụng cho khoản trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua hệ thống bình ổn giá đường (Price Pooling System), tức là tăng trợ giá để bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm. Khoảng 500 - 525 triệu USD được dùng để thanh toán trực tiếp cho người trồng mía. Đó là chưa kể đến việc các nhà sản xuất mía đường trong nước được hưởng lợi đầy đủ từ các khoản vay có lãi suất thấp và các khoản trợ cấp đầu vào như tất cả các ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, đường Thái Lan "tự tin" vươn ra thị trường các nước trong khu vực với giá cạnh tranh dù năng suất đường niên vụ 2019-2020 chỉ đạt 4,76 tấn đường/ha (thấp hơn Việt Nam). Hiệp hội Mía đường Việt Nam phân tích: "Theo dữ liệu trên, giá xuất khẩu bình quân đường thô và luyện chỉ có 334 USD/tấn. Giá bán đường xuất khẩu nêu trên rõ ràng không chỉ cao hơn hẳn giá đường bán trong thị trường nội địa Thái Lan mà còn thấp hơn cả chi phí mía trong đường (niên vụ 2019-2020 chỉ tiêu chế biến của ngành đường Thái Lan là 9,13 mía/đường - chi phí mía trong đường là 410 USD/tấn). Điều này càng làm nổi rõ hơn tính chất phá giá của loại đường Thái Lan khi tràn vào thị trường Việt Nam".

Doanh nghiệp đứng trước hai sự lựa chọn

Năm 2020, ngành mía đường Việt Nam chịu tác động kép bởi giá đường thế giới giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm sút vì dịch Covid-19. Có thời điểm trong tháng 4/2020, giá đường thô trên thế giới đã xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Đặc biệt, tác động lớn nhất là một lượng lớn đường nhập khẩu (chủ yếu từ Thái Lan) theo cam kết của Hiệp định ATIGA tràn vào thị trường nội địa. "Dòng thác" đường giá rẻ tràn vào khiến giá đường bị "dìm" xuống mức thấp nhất trong khu vực, từ đó khiến giá mía của Việt Nam cũng ở mức thấp nhất. Nông dân trồng mía ở Việt Nam không có cách nào ngoài từ bỏ cây mía để tìm cây trồng khác, dẫn đến diện tích mía nguyên liệu suy giảm trầm trọng.

Theo lãnh đạo Công ty CP Đường Quảng Ngãi, niên vụ 2019-2020, diện tích vùng nguyên liệu mía của công ty giảm còn 72% so vụ 2018-2019; sản lượng đường sản xuất chỉ đạt 42% so với vụ 2018-2019.

Còn theo đại diện Công ty cổ phần Mía đường Đăk Lăk, niên vụ 2019-2020, nhà máy cạn kiệt vốn đầu tư do thua lỗ, ngân hàng "đóng băng" tín dụng, nông dân không còn mặn mà với cây mía nên phá bỏ gốc mía, giảm đầu tư chăm sóc nên diện tích mía chỉ còn 2.004ha, năng suất bình quân 45 tấn/ha. Theo đó, sản lượng mía ép chỉ đạt 78.000 tấn (12.000 tấn mía dùng để làm giống), sản lượng đường đạt 7.900 tấn – là mức thấp nhất trong 15 năm qua của công ty.

Hiệp hội Mía đường cho biết, nếu như trước đó, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì vụ sản xuất 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía. Niên vụ 2020-2021 dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. So với niên vụ 2019-2020, dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường (Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong) tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.

Trong bối cảnh trên, các nhà máy mía đường cho biết, họ chỉ có hai sự lựa chọn. Một là tiếp tục tồn kho đường để đối mặt với tình trạng cạn kiệt dòng tiền hoạt động (hệ quả là ngân sách sửa chữa bảo dưỡng bị thu hẹp, quỹ lương công nhân bị cắt xén phải nợ lương, thậm chí một số nơi còn chưa thanh toán hết tiền mía cho nông dân dù vụ ép đã kết thúc 3 - 4 tháng). Hai là, chấp nhận bán lỗ một số lượng đường để duy trì dòng tiền hoạt động và chấp nhận đối mặt với một viễn cảnh còn tồi tệ hơn là sự giảm sút doanh thu và lợi nhuận trong báo cáo tài chính dẫn đến phản ứng tất nhiên từ các ngân hàng: Thu hẹp hạn mức tín dụng, thắt chặt điều kiện giải ngân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem