Eximbank vừa "bắt tay" với Minato Bank phát hành thư bảo lãnh bằng điện tử Swift để bảo lãnh cho khoản vay của khách hàng (Ảnh: IT)
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (HoSE: EIB) vừa công bố trên trang thông tin điện tử của HoSE nghị quyết của HĐQT về việc thông qua giao dịch giữa ngân hàng này và đối tác đến từ Nhật Bản.
“Mất bò mới lo làm chuồng?”
Theo thông tin được công bố, HĐQT Eximbank đã thông qua giao dịch giữa ngân hàng này và Minato Bank (Sumitomo Mitsui Banking Corporation là cổ đông lớn của cả Eximbank và Minato Bank). Theo đó, từ ngày 3/4/2018 Minato Bank phát hành thư bảo lãnh bằng điện tử Swift để bảo lãnh cho khoản vay của khách hàng tại Eximbank, chi nhánh TP.HCM.
Việc bắt tay với Ngân hàng Nhật nhằm bảo lãnh khoản vay của khách hàng diễn ra trong bối cảnh Eximbank liên tiếp xảy ra các bê bối làm mất tiền khách hàng.
Cụ thể, vụ việc được dư luận chú ý gần đây là trường hợp khách hàng Chu Thị Bình gửi tiền và bị mất hơn 245 tỷ đồng. Theo bà Chu Thị Bình, từ năm 2013 bà mở hàng chục tài khoản tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank, chi nhánh TP.HCM với tổng số tiền hơn 301 tỷ đồng nhưng bị ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc chi nhánh này làm giả giấy ủy quyền của bà cho người khác rút tiền, chiếm đoạt 245 tỷ đồng của ngân hàng này.
Đến nay, giữa bà Bình và Eximbank đã tiến hành 2 lần gặp gỡ để tìm hướng giải quyết nhưng bất thành. Phía ngân hàng giữ quan điểm là chờ phán quyết của tòa án và tạm ứng 14,8 tỷ đồng chứ không trả lại tiền như kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra. Trong khi đó, phía bà Bình cũng không chấp thuận với phương án mà ngân hàng đưa ra.
Không chỉ có bà Chu Thị Bình, thời gian gần đây Eximbank cũng liên tục “dính” án làm mất tiền, vàng của khách hàng như vụ làm mất 3 lượng vàng của khách hàng ở Hà Nội, làm mất 50 tỷ đồng của 6 khách hàng ở chi nhánh Đô Lương (Nghệ An).
Tuy nhiên, các vụ việc này đều được Eximbank trả lời ngắn gọn: “Chờ ra tòa, sau khi có phán quyết của tòa thì mới tiến hành thực hiện các thủ tục theo phán quyết”.
Bên cạnh việc “bắt tay” với Ngân hàng Nhật Bản, Eximbank cũng liên tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại tất cả các chi nhánh của nhà băng này, chẳng hạn như: Thực hiện kiểm tra, rà soát lại công tác huy động vốn trong toàn hệ thống, kiểm tra toàn bộ các khoản rút tiền gửi tiết kiệm có giá trị lớn từ 2 tỷ đồng trở lên, đặc biệt là việc rà soát đối với các khách hàng có tiền gửi lớn, rút tiền từng phần và rút tiền theo ủy quyền để đảm bảo các đơn vị thực hiện đúng quy định về tiền gửi tiết kiệm; Tổ chức tập huấn đào tạo về các rủi ro hoạt động cho lãnh đạo phòng dịch vụ khách hàng và lãnh đạo phòng giao dịch trong toàn hệ thống; Nâng cao vai trò của cấp kiểm soát trực tiếp giao dịch để hạn chế rủi ro hoạt động;...
“Siết” các quy định về rút, gửi tiền
Ngoài rà soát công tác huy động vốn trong toàn hệ thống, ngày 29.3, Eximbank đã ban hành công văn số 2191/2018/EIB/TB-TGĐ về việc bổ sung quy định đăng ký xác thực bằng vân tay khi lập văn bản ủy quyền, áp dụng đối với khách hàng cá nhân, theo đó khi khách hàng lập văn bản ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản, bên cạnh việc thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về ủy quyền thì chi nhánh, phòng giao dịch phải yêu cầu người ủy quyền và người được ủy quyền đăng ký xác thực bằng vân tay của Eximbank.
Đặc biệt, Eximbank cũng quy định về việc luân chuyển cán bộ phụ trách hồ sơ khách hàng, theo đó Eximbank sẽ luân chuyển cán bộ quản lý hồ sơ khách hàng, kiểm soát viên phê duyệt trong cùng chi nhánh, phòng giao dịch. Thậm chí, Eximbank đã có chủ trương xem xét luân chuyển kiểm soát viên giữa các chi nhánh, phòng giao dịch trên cùng địa bàn; luân chuyển cán bộ lãnh đạo tại các đơn vị kinh doanh. Đồng thời cũng triển khai cơ chế Giám đốc lưu động để điều hành thay Giám đốc chi nhánh hiện hữu trong một thời gian nhất định nhằm kiểm tra, phát hiện các sai sót trong quá trình hoạt động của chi nhánh để chấn chỉnh kịp thời;
“Eximbank cũng ban hành chế tài thật nghiêm để đủ sức răn đe đối với cán bộ công nhân viên để hạn chế sai sót trong quá trình tác nghiệp”, đại diện ngân hàng thông tin thêm.
Về phía khách hàng, khi đăng ký, sử dụng ủy quyền sẽ phải đăng ký dịch vụ SMS thông báo biến động của tài khoản có ủy quyền để khách hàng quản lý, theo dõi kịp thời các giao dịch được thực hiện bởi người được ủy quyền. Đối với công tác xác nhận số dư cho khách hàng lớn sẽ do Hội sở Eximbank thực hiện (khi khách hàng có yêu cầu) bằng văn bản hoặc qua email, tin nhắn SMS; Bổ sung quy định scan và lưu giấy ủy quyền trên hệ thống corebanking;...
“Chúng tôi sẽ xây dựng ứng dụng truy vấn số dư tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn trên website của Eximbank. Cụ thể: Khách hàng sẽ đăng ký dịch vụ với Eximbank 1 lần duy nhất, sau đó, khách hàng có thể vào website để tra cứu thông tin tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn sau khi hoàn tất việc điền các thông tin do Eximbank quy định”, đại diện Eximbank thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.