Sau khi chết 90 phút, rắn lục đuôi đỏ vẫn có thể cắn người

Chủ nhật, ngày 07/12/2014 19:36 PM (GMT+7)
Một con rắn lục đuôi đỏ đã chết, thậm chí đầu rắn bị cắt rời vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ đến 90 phút sau khi nó chết - tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, cho biết.
Bình luận 0

Trong hai ngày 5 - 6.12, các chuyên gia của Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) đã đến các tỉnh miền Trung để tìm hiểu nguyên nhân vì sao rắn lục đuôi đỏ lại xuất hiện và cắn người hàng loạt trong thời gian qua.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, đoàn công tác đã đến điều tra thực địa, tìm hiểu nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ xuất hiện tại huyện Mộ Đức. Theo thống kê sơ bộ của địa phương này, trong 2 tháng qua, hơn hơn 60 người dân bị rắn cắn phải cấp cứu tại các cơ sở y tế. 

Đặc biệt, từ tháng 10 đến nay rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện. Người dân đã phát hiện và diệt trên gần 400 con rắn lục đuôi đỏ.

img
Một con rắn lục đuôi đỏ được người dân phát hiện và đập chết.

Các chuyên gia đã đến tận nhà nạn nhân bị rắn cắn để ghi nhận thông tin, thu thập mẫu vật để phân tích nguyên nhân loài rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường ở khu dân cư. Theo đoàn công tác, sau chuyến công tác, các chuyên gia tập trung phân tích, nghiên cứu để đề xuất giải pháp phù hợp cho người dân ứng phó với loài rắn lục đuôi đỏ.

Tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, cho rằng muốn biết rõ nguyên nhân vì sao rắn lục đuôi đỏ xuất hiện bất thường trong thời gian gần đây cần phải có nghiên cứu cụ thể. Theo ông, giả thuyết được đặt ra là nguồn thức ăn dồi dào và sinh cảnh sống phù hợp đã kích thích sự phát triển của rắn lục, đặc biệt là ở các khu dân cư ven rừng, khu vườn rậm rạp.

“Có thể đợt mưa lũ lịch sử năm 2013 đã đưa loài rắn này từ các đồi cao về khu vực đồng bằng trú ngụ. Đến mùa mưa năm nay, thời tiết thuận lợi giúp chúng sinh sản nhanh nên đã xuống các khu dân cư để tìm thức ăn và khi gặp người dân nó cắn", ông Trường nói và cho biết thêm, nọc độc của rắn lục không tác động lên hệ thần kinh mà thường tác động lên hệ tuần hoàn, gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử.

"Đáng ngại hơn là một con rắn chết, thậm chí đầu rắn bị cắt rời vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ đến 90 phút sau khi nó chết. Khi bị rắn cắn, cần hạn chế vận động để tránh làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể, không nên rạch vết thương vì có thể làm mất máu cấp", ông Trường khuyến cáo.
(Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem