Sau khi Lã Bố chết thảm, ai xứng tầm là chiến thần mạnh nhất Tam Quốc?

Thứ năm, ngày 12/09/2024 20:03 PM (GMT+7)
Sau cái chết của chiến thần mạnh nhất Tam Quốc - Lã Bố, ai là người đủ mạnh để thay thế vị trí độc tôn này?
Bình luận 0

Chiến thần mạnh nhất Tam Quốc: Đơn đả độc đấu với Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi

Xuất hiện khá sớm trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lã Bố được mệnh danh là Chiến tướng dũng mãnh nhất thời Tam Quốc dưới ngòi bút của La Quán Trung.

img

Hình ảnh nhân vật Lã Bố trên phim ảnh.

Hình ảnh mãnh tướng cuối thời Đông Hán (25–220 CN, kinh đô tại Lạc Dương) thân mặc áo giáp, tay cầm phương thiên họa kích, cưỡi ngựa Xích Thố băng ngàn dặm, tả xung hữu đột khiến vạn người không địch nổi đã ấn tượng đến mức nhân gian thời đó phải nói "Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố" để ca ngợi vẻ oai phong, lẫm liệt của cả người lẫn ngựa trên chiến trường.

Tháng 9 năm 198, Tào - Lưu liên minh đánh Lã Bố tại Từ châu. Một tháng sau khi cố thủ trong thành Hạ Bì, Lã Bố hay tin quân Tào kéo đến sát thành liền mang kỵ binh ra nghênh chiến. Sau vài trận thua liên tiếp, Lã Bố buộc phải thoái lui vào thành.

Một năm sau, vào năm 199, quân Tào lợi dụng dòng nước lớn của hai con sông Nghi Thủy và Tứ Thủy để làm ngập thành Hạ Bì. Kế sách này khiến Lã Bố thế cùng lực kiệt buộc phải chạy lên lầu Bạch Môn (sâu trong thành Hạ Bì) cố thủ. Dù Lã Bố lên tiếng xin hàng Tào Tháo nhưng cuối cùng vẫn bị người đứng đầu nhà Tào Ngụy sai quân treo cổ tại Bạch Môn rồi lấy thủ cấp đem bêu.

Nếu chỉ xét riêng về sức mạnh chiến đấu của Lã Bố thì hổ tướng này xứng đáng là chiến tướng số một trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Đây là minh chứng.

Trong trận Hổ Lao Quan, Lã Bố đã thể hiện khí chất bất khả chiến bại của mình: Đánh bại Công Tôn Toản trong 5 hiệp; sau 10 hiệp có thể chém đứt tay Vũ An Quốc bằng phương thiên họa kích; 5 hiệp hạ Phương Duyệt; và chỉ 1 cú vung kích có thể giết chết Mục Thuận.

Tuy nhiên những chiến công đỉnh cao này mới chỉ là màn mở đầu cho chuỗi trận đánh kinh điển lừng danh của Lã Bố.

Tại Hổ Lao Quan, La Quán Trung đã mô tả rất sinh động trận đọ sức Tam anh chiến Lã Bố vang danh thiên hạ khi Lã Bố một mình đánh nhau với 3 huynh đệ kết nghĩa Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi.

img

Hình minh họa màn đấu Tam anh chiến Lã Bố.

Đứng trước tam huynh đệ võ nghệ phi phàm, Lã Bố không một phút nao núng. Chiến tướng này đã đơn đả độc đấu với Trương Phi trong 50 hiệp bất phân thắng bại. Rồi sau đó lại cưỡi ngựa Xích Thố xông thẳng vào Trương Phi và Quan Vũ khi cả hai liên thủ đánh Lã Bố trong 30 hiệp mà thắng thua không thể phân định.

Khi Lưu Bị phi ngựa lên ứng chiến cùng hai huynh đệ, Lã Bố tiếp tục tả xung hữu đột rồi phá thành công vòng vây của "Tam anh".

Màn trình diễn võ công trong gần 100 hiệp đấu của Lã Bố với 3 huynh đệ Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi trở thành điển cố khiến người trong nhân gian thêm phần bội phục Lã Bố. Chính trận đọ sức 3 đánh 1 này đã đưa Lã Bố trở thành vị chiến tướng mạnh nhất Tam Quốc.

Ở chiến trường, Lã Bố cùng ngựa Xích Thố như hổ mọc thêm cánh. Uy lực. Dũng mãnh là thế nhưng sinh thời, để đạt được lợi ích cá nhân, Lã Bố trước đó đã quay lưng với 5 người để rồi lại bị chính thuộc hạ của mình làm phản, dẫn đến kết cục bi thảm ở lầu Bạch Môn, thành Hạ Bì năm 199.

Ai đủ mạnh để "thay thế" vị trí số 1 của Lã Bố?

Một bài viết trên Sohu (của Trung Quốc) đã nêu tình huống thế này: Vậy, sau cái chết của chiến tướng dũng mãnh Lã Bố, ai trong số Quan Vũ, Triệu Vân, Trương Phi, Mã Siêu và Nhan Lương là dũng tướng mạnh nhất thời Tam Quốc?

Trước tiên hãy nói về Quan Vũ. Là một chiến tướng góp công lớn trong việc thành lập nhà Thục Hán, Quan Vũ chính là hổ tướng đứng đầu trong Ngũ hổ tướng nhà Thục. Điểm yếu lớn nhất của hổ tướng tài-dũng song toàn này chính là kiêu ngạo, xốc nổi.

Khi Lã Bố còn sống, Quan Vũ luôn rất khiêm tốn, không bao giờ dễ dàng coi thường người khác. Nhưng khi Lã Bố chết, điều trái ngược đã xảy ra. Tính cách này là một trong những nguyên nhân khiến Quan Vũ nhận thất bại cay đắng khi còn đóng giữ Kinh Châu - gián tiếp khiến nhà Thục Hán bị suy yếu về sau.

img

Hình ảnh nhân vật Quan Vũ trên phim ảnh.

Khi bàn về những chiến tích lừng danh của Quan Vũ không thể không nhắc đến trận đánh ở thành Bạch Mã khi tay cầm Thanh Long Yển Nguyệt Đao thúc ngựa đột kích tại thành, một đao giết chết mãnh tướng Nhan Lương của Viên Thiệu. Trong trận đánh tại bến Diên Tân, một mãnh tướng khác của Viên Thiệu là Văn Xú cũng bị Quan Vũ thúc ngựa truy sát, vung đao chém chết.

Người thứ hai Sohu đánh giá là Nhan Lương - danh tướng dưới trướng Viên Thiệu. Mặc dù Nhan Lương chết dưới lưỡi đao sắc bén của Quan Vũ nhưng nhiều người vẫn cho rằng sức mạnh của người này chỉ sau Lã Bố.

Mãnh tướng này từng khiến các tướng của Tào Tháo phải run sợ sau khi khiến một trong những võ tướng giỏi nhất của Tào Tháo - là Từ Hoảng - bị đánh bại sau 20 hiệp đấu. Đây là điều mà chỉ có Lã Bố mới có thể làm được.

Người thứ ba bàn đến là Triệu Vân - một trong Ngũ hổ tướng của Thục Hán. Là một trong những công thần khai quốc của nhà Thục Hán, Triệu Vân trong Tam Quốc Diễn Nghĩa là một chiến tướng vừa dũng mãnh vừa giỏi tài mưu lược.

Khi đối đầu với các danh tướng khác, Triệu Vân dù đánh hàng chục hiệp đấu cũng không một phút nao núng. Hổ tướng nhà Thục Hán từng đấu 30 hiệp với tướng lĩnh nhà Tào Ngụy; rồi một mình đột phá vòng vây của 3 chiến tướng nhà Tào Ngụy là Hứa Chử, Lý Điển và Vu Cấm.

img

Hình ảnh minh họa.

Trận Trường Bản giữa quân của Lưu Bị và Tào Tháo năm 208 được La Quán Trung "họa" chiến công của Triệu Vân rất rõ nét và gay cấn. Hổ tướng này có thể dễ dàng giết chết 50 tướng Tào Ngụy, cướp được gươm Thanh Công của Tào Tháo và phá vòng vây giải cứu ấu chúa Lưu Thiện (con trai Lưu Bị, sau này trở thành hoàng đế thứ 2 và cũng là cuối cùng của nhà Thục Hán) mà không hề hấn gì.

Người thứ tư bàn đến là Mã Siêu . Tào Tháo từng nói Mã Siêu có "lòng dũng cảm của Lã Bố". Tuy không có nhiều "đất diễn" trong Tam Quốc Diễn Nghĩa nhưng những lần danh tướng nhà Thục Hán xuất hiện đều rất ấn tượng.

Thuộc dòng dõi võ tướng song toàn thời đầu Đông Hán (cháu nhiều đời của Mã Viện), tài năng vang danh khắp thiên hạ của Mã Siêu chính là lối đánh tiên phong và thần tốc khiến rất nhiều tướng địch sợ hãi bỏ chạy. Sở hữu khả năng cưỡi ngựa phi phàm cùng tài năng dùng giáo và cung tên vô địch thiên hạ, Mã Siêu cả đời bất bại trong các trận đấu một chọi một.

img

Hình ảnh nhân vật Mã Siêu trên phim ảnh.

Dưới ngòi bút của La Quán Trung, Mã Siêu khiến thiên hạ nể phục bội phần khi khiến Tào Tháo phải vứt bỏ trường bào và cắt đi bộ râu dài của mình (để quân Mã Siêu không thể nhận ra bản thân) hòng thoát khỏi sự truy sát của Mã Siêu. Sau đó, Mã Siêu giết chết tướng Tào Ngụy là Lý Thông và đánh bại Trương Cáp sau 20 hiệp đấu.

Trương Phi là người thứ năm bàn đến trong danh sách này. Hổ tướng nhà Thục Hán thậm chí còn trực tiếp giao đấu với Lã Bố nhiều lần. Trong trận chiến ở Hổ Lao Quan, Trương Phi đấu 50 hiệp bất phân thắng bại với Lã Bố. Về sau cả hai tái đấu trong 100 hiệp cũng không thể phân định thắng thua.

Tại cầu Trường Bản trong trận đánh cùng tên năm 208, Trương Phi dũng mãnh một mình đứng chặn ở đầu cầu, tay cầm xà mâu chờ nghênh địch.

La Quán Trung mô tả rằng, tiếng hét nghênh địch của Trương Phi to tới mức khiến tướng Hạ Hầu Kiệt của Tào Tháo nội thương, ngã ngựa chết ngay cả khi chưa xông lên chiến đấu. Tào Tháo thấy vậy cũng thúc ngựa bỏ chạy, lui binh.

Sohu kết luận: Như vậy, nếu nhìn vào các chiến công thực lực của 5 chiến tướng Quan Vũ, Triệu Vân, Trương Phi, Mã Siêu và Nhan Lương thì Triệu Vân, Trương Phi và Mã Siêu là những "ứng cử viên" mạnh nhất sau khi Lã Bố chết. Vì cả ba đều bất bại và không có thương tích khi giao đấu với quân địch. Quan Vũ và Nhan Lương đều tử trận.



Trang Ly (Theo Phụ Nữ Số)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem