Ta thà phụ người chứ không để người phụ ta" - là triết lý sống cả đời của Tào Tháo, người lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Vì triết lý này mà Tào Tháo đã không ít lần "đao kiếm vô tình" với rất nhiều thuộc hạ thân tín vì bản tính đa nghi của mình.
Đại thần Tuân Úc - một trong những mưu sĩ tài giỏi nhất của Tào Tháo, từng được Tào Tháo phá lệ phong tước hầu (Vạn Tuế định hầu) dù không có công lao trên chiến trường - cũng phải hứng chịu cái chết đầy oan uổng vì khiến chủ công bực tức.
Lã Bá Sa - một người bà con của Tào Tháo, có thể nói là ân nhân khi cho Tào Tháo nương nhờ trong lúc bị quân lính triều đình truy đuổi sau vụ ám sát hụt Đổng Trác - cũng không thể thoát chết sau cú vung kiếm oan nghiệt của Tào. Sự kiện này chính là nguồn gốc của câu nói "Đa nghi như Tào Tháo" mà nhân gian truyền tai nhau.
Cũng vì đa nghi và đa mưu mà sinh thời Tào Tháo còn ra lệnh quần thần xây dựng 72 lăng mộ ở nhiều vị trí khác nhau hòng không cho bất cứ kẻ phá hoại nào biết được đâu là mộ thật để trả thù ông.
Thế nhưng, vẫn có một ngoại lệ.
Trong số những cận thần thân tín của Tào Tháo, có một người được Tào đối đãi hết mực cẩn thận, trân trọng. Đó là Hạ Hầu Đôn.
Là công thần khai quốc của nhà Tào Ngụy, Hạ Hầu Đôn được Tào Tháo xem là hữu tướng quân của mình. Người này thậm chí còn được phép ngồi chung xe ngựa với Tào Tháo; hay tùy ý ra vào tư gia của chủ công mỗi khi có việc cần - một đặc ân mà ngay cả các tướng như Hứa Chử và Điển Vi cũng không được nhận.
Tuy là chiến tướng có sức mạnh hơn người nhưng vì bản tính hay nôn nóng lập công nên Hạ Hầu Đôn thường rơi vào bẫy của địch, tuy không bỏ mạng nhưng hiếm lần lập được công lớn cho Tào Tháo.
Không những vậy, nếu so sánh với các chiến tướng khác của Tào Tháo, Hạ Hầu Đôn đều "không có cửa". Về sức mạnh quân sự, Hạ Hầu Đôn được cho là thua kém cả Hứa Chử lẫn Điển Vi. Về mặt chiến tích, cả Trương Liêu và Từ Hoảng đều "trên trướng" Hạ Hầu Đôn. Về mặt chỉ huy quân đội, Hạ Hầu Đôn thua cả Tào Nhân và Hạ Hầu Uyên.
Vậy mà "chiến tướng thường hay bại trận" này lại giữ vững vị trí số một trong lòng Tào Tháo, được Tào Tháo hết mực tin cậy.
Vì sao Tào Tháo tin dùng Hạ Hầu Đôn đến thế?
1. Xuất thân dòng dõi hiển hách
Hạ Hầu Đôn là người huyện Bái - đồng hương với Tào Tháo (nay là An Huy, Trung Quốc), thuộc dòng dõi Hạ Hầu nức tiếng trong lịch sử bởi những công lao rất lớn cho triều đình. Ông là hậu duệ nhiều đời của Hạ Hầu Anh - công thần khai quốc nhà Hán, người hết mực trung thành đi theo phò tá Hán Cao Tổ Lưu Bang (trị vì từ 202 TCN – 195 TCN). Là anh trai của Hạ Hầu Uyên - chiến tướng phò tá Tào Tháo, chồng của em vợ Tào Tháo.
Thủa nhỏ, Hạ Hầu Đôn nổi tiếng là người có tính cách bộc trực không kém phần hung dữ. Chuyện kể rằng, năm 14 tuổi, khi đang nghe thầy giảng bài, có người vô cớ xúc phạm thầy. Hạ Hầu Đôn không nói không rằng một tay giết chết người đó.
2. Dũng cảm hơn người
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung từng mô tả một đoạn rất sinh động thể hiện sự dũng cảm phi phàm của Hạ Hầu Đôn. Khi Hạ Hầu Đôn theo Tào Tháo tấn công Lã Bố, ông bị trúng mũi tên của viên tướng dưới trướng Lã Bố (là Tào Tính). Mũi tên cắm vào mắt trái.
Vì một mực cho rằng, thân thể này do cha mẹ sinh ra, cần phải bảo toàn nguyên vẹn nên Hạ Hầu Đôn không ngần ngại rút tên khỏi hốc mắt, nuốt luôn con ngươi rồi thúc ngựa xông thẳng vào phe địch, giết chết Tào Tính, khiến cho quân của Lã Bố một phen sợ hãi tột cùng. Đó là năm 198. Sau sự kiện này, Hạ Hầu Đôn có biệt danh là Manh Hạ Hầu (Hạ Hầu mù).
Chưa kể, Hạ Hầu Đôn còn khiêu chiến với cả Lã Bố và Quan Vũ, những chiến tướng võ công xuất quỷ nhập thần của phe địch.
3. Nhất mực trung thành với Tào Tháo
Năm 190, Tào Tháo chiêu binh chống Đổng Trác, Hạ Hầu Đôn cùng em họ Hạ Hầu Uyên theo sau phò tá, vào sinh ra tử cùng chủ công. Không chỉ là đồng hương, Hạ Hầu Đôn còn là bạn chí cốt của Tào Tháo.
Thời kỳ đầu, Tào Tháo thường gặp khó khăn về lương thực. Nghe kế sách của Hạ Hầu Đôn, Tào Tháo sai quân thực hiện việc trồng trọt. Đích thân Hạ Hầu Đôn chỉ huy quân dẫn nước, xây hồ chứa rồi thuyết phục quân lính và người dân trồng lúa, cây lương thực. Ông thậm chí còn tự tay gánh đất đá, trồng lúa cùng thuộc hạ. Những việc làm này khiến Tào Tháo và dân chúng hết sức ca ngợi.
4. Không ngừng cải thiện bản thân
Nhờ những chiến công trên chiến trường, năm 204, Hạ Hầu Đôn được Tào Tháo phong chức Đại đô đốc.
Năm 207, quyền lực của Tào Tháo lên đến đỉnh cao, Hạ Hầu Đôn nhờ đó được ban thưởng hậu hĩnh.
Năm 219, Tào Tháo và Hạ Hầu Đôn cùng trở về thành Lạc Dương để Tào Tháo chữa bệnh đau đầu. Trong suốt chuyến đi dài ngày, Tào Tháo cho phép Hạ Hầu Đôn ngồi chung xe ngựa, ăn cùng bàn. Khi đến Lạc Dương, Tào còn cho phép viên tướng này ra vào phủ tùy ý mà không cần xin phép.
Hạ Hầu Đôn tiếp tục phò tá Tào Tháo hết mực trung thành. Nhờ điều đó, người này lại được Tào phong cho chức Xa Kị tướng quân.
Thậm chí, sau khi Tào Tháo qua đời (năm 220), Tào Phi (con trai của Tào Tháo, lên nối ngôi cha) còn phong cho Hạ Hầu Đôn chức Đại tướng quân.
3 tháng sau khi Tào Tháo mất, Hạ Hầu Đôn cũng "đi theo" chủ công. Hiểu được lòng trung thành hết mực cho nhà Tào Ngụy, Tào Phi tiếp tục phong tước Trung hầu cho Hạ Hầu Đôn năm 220 để ghi nhớ những đóng góp của ông.
Hạ Hầu Đôn tuy nóng tính, hung dữ nhưng lại là người rất khiêm nhường, dũng cảm và khỏe mạnh hơn người. Lòng trung thành tuyệt đối của ông đã "cảm hóa" được tính đa nghi của Tào Tháo khiến bản thân được tin tưởng, trọng dụng và không ngừng thăng tiến.
Nếu Lưu Bị lấy lòng nhân, trung thành là gốc - thì Tào Tháo lấy người dựa vào tài để chiêu mộ chiến tướng tâm phúc phò tá cho mình. Hay thay, ở Hạ Hầu Đôn hội đủ cả trung lẫn tài.
Có thể ở chiến trường, Hạ Hầu Đôn từng bị rơi vào ổ phục kích ở đồi Bác Vọng của Lưu Bị năm 202 do bản tính nôn nóng lập công, nhưng nếu bàn đến khả năng đôn đốc quân đội thì Hạ Hầu Đôn là số một. Ông có thể quản lý và giám sát mọi việc trôi chảy (tạo nên hậu phương vững chắc cho Tào Tháo yên tâm chinh chiến), chính điều này đã khiến Tào Tháo hết mực tin tưởng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.