Sau lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thu nhập tăng cao rõ rệt

Văn Long Thứ năm, ngày 07/11/2019 06:00 AM (GMT+7)
Việc được học lý thuyết, các quy trình cũng như kỹ thuật canh tác tại các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp cho người dân tham gia nâng cao được trình độ và thu nhập khi áp dụng thực tế tại vườn.
Bình luận 0

img

Sau khi học các lớp đào tạo nghề trồng chanh leo, người dân tại huyện Đức Trọng áp dụng vào sản xuất và tăng được thu nhập. Ảnh: V.L

Cuối tháng 10 là thời gian tổng kết nhiều lớp học đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Từ giới thiệu của  Hội Nông dân huyện Đức Trọng, chúng tôi tìm đến nhà của ông Ya Lương (49 tuổi, thôn Ma Bó, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng).

Ông Niên cho biết: “Tôi tham gia lớp học trồng chanh leo từ tháng 5/2019. Trước đó, gia đình tôi đã trồng loại cây này. Tuy nhiên, khi đến lớp, tôi được các giáo viên giảng dạy về cách chăm sóc, kỹ thuật, cách nhận biết sâu bệnh rồi sử dụng loại thuốc, phân bón phù hợp. Từ đó năng suất cây chanh leo tăng lên hẳn, được giá nên thu nhập của gia đình cũng tăng theo”.

Với 2.000m2 cà chua, 2.000m2 ớt cùng hơn 2.000m2 chanh leo, ông Niên cho biết, sau khóa học nghề, ông làm vườn  dễ dàng hơn, chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật hơn. Ông đánh giá lớp học rất bổ ích cho người nông dân và mong các cấp Hội sẽ mở thêm nhiều lớp học với nhiều đối tượng cây trồng hơn để người dân có thêm kiến thức bổ ích.

Cũng học lớp trồng chanh leo từ 2017, ông Ya Thuyên (49 tuổi, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng) chia sẻ: “Sau khi học, tôi bắt tay vào trồng 1,5ha chanh leo theo như các giảng viên đã hướng dẫn. Một cây chanh leo từ lúc cho thu hoạch đến lúc tàn khoảng 2 năm. Năm 2017, tôi chăm sóc cây tốt, sai quả mà lại được giá 30.000 – 40.000 đồng/kg nên thu được khoảng 600 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí cũng lời 200 triệu đồng”.

Bà Nguyễn Thị Tường Vi – Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những năm qua, Trung tâm đã trực tiếp và phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố, các ban ngành liên quan mở 186 lớp dạy nghề ngắn hạn với hơn 14.000 học viên tham gia. Trong đó, đơn vị đã trực tiếp cấp chứng chỉ cho 182 học viên, cấp chứng nhận cho hơn 1.700 học viên chủ yếu là các nghề sửa chữa máy nông nghiệp, cách ủ phân, bón phân, trồng dâu nuôi tằm, trống nấm… Trong số đó có hơn 2.000 học viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 17% tổng số học viên). Sau các khóa học, các học viên tăng được thu nhập, tạo việc làm, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hóa ở khu vực nông thôn phát triển.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem