Sau một động thái của Trung Quốc, thanh long, chuối lại ùn ùn thông quan qua cửa khẩu Lạng Sơn

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 06/02/2022 16:59 PM (GMT+7)
Việc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chính thức mở cửa thông quan trở lại vào ngày 3/2 (tức mùng 3 Tết Nhâm Dần) đã giúp nhiều container chuối, thanh long xuất khẩu thành công sang Trung Quốc.
Bình luận 0

Trung Quốc chính thức thông quan trở lại, thanh long, chuối ùn ùn xuất khẩu

Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sáng 3/2 (tức mùng 3 Tết Nhâm Dần), cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) đã chính thức mở cửa thông quan trở lại, nhờ đó, nhiều loại nông sản tiếp tục nối lại hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo đó, đã có nhiều container chuối, thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc sau một thời gian gián đoạn. Thống kê cho thấy, đã có 115 container trái cây được thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ trong ngày mùng 3 Tết.

Thực tế, đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ trái cây của Trung Quốc rất lớn, trong khi sản phẩm nội địa không đáp ứng được nhu cầu của người dân, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu trái cây với số lượng lớn, trong đó có trái thanh long.

Đơn cử như trong quý I/2021, xuất khẩu thanh long chiếm 46,7% tổng trị giá xuất khẩu nhóm quả và hạt của cả nước. 

Thanh long các loại của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu chủng loại quả này, đạt 301,8 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Sau một động thái của Trung Quốc, thanh long, chuối lại ùn ùn thông quan qua cửa khẩu Lạng Sơn - Ảnh 1.

Đầu xuân Nhâm Dần, đã có nhiều container chuối, thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc sau một thời gian gián đoạn. Trong ảnh: Vùng trồng thanh long tại huyện Châu Thành (Long An). Ảnh: Báo Long An.

Gặp khó ở thị trường Trung Quốc, xuất khẩu trái cây vẫn đạt 301 triệu USD trong tháng 1/2022

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dù Trung Quốc "siết" các hoạt động kiểm soát nhập khẩu do phòng dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu rau quả trong tháng 1/2022 vẫn đạt 301 triệu USD, tăng 0,3% với tháng 12-2021, tháng cao điểm xuất khẩu của năm.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, mặc dù chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trong quý III/2021, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả ở mức cao trong nửa đầu năm 2021 đã góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khá trong năm 2021. 

Cụ thể, quả tươi chiếm 66,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong 11 tháng năm 2021, đạt 2,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, thanh long là chủng loại quả xuất khẩu chính, tuy nhiên trị giá xuất khẩu chủng loại quả này giảm trong 11 tháng năm 2021. 

Xuất khẩu thanh long chủ yếu sang Trung Quốc, chiếm 89,7% tổng trị giá, đạt 837 triệu USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong khi đó, trị giá xuất khẩu quả thanh long sang các thị trường như Mỹ, Ấn Độ, Hà Lan, Hàn Quốc đều tăng. 

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 3 trên thế giới, với trị giá nhập khẩu trong 10 tháng năm 2021 đạt 15,8 tỷ USD, tăng 37,6% so với năm 2020. 

Tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam chiếm 6,8% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2021. 

Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc từ Việt Nam giảm, nhưng đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam. 

Phía Trung Quốc đã đề nghị Việt Nam giảm xuất tiểu ngạch, thay thế bằng hoạt động chính ngạch và đáp ứng đầy đủ giấy tờ về kiểm dịch. 

"Những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Vì thế, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu của Trung Quốc để tránh bị gián đoạn hoạt động xuất khẩu" - Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem