Sau Nghị định 100, vì sao Grab cắt mọi khuyến mại?

Phạm Ngọc Tiến Thứ tư, ngày 22/01/2020 09:50 AM (GMT+7)
Đằng sau một chế tài xử phạt, dù mới chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng đã tạo ra nhiều thay đổi trong tham gia giao thông và những gì nó kéo theo.
Bình luận 0

Tôi hay thuận miệng gọi Nghị định 100/2019/NĐ-CP là một chế tài xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bia rượu. Một chế tài quá khốc liệt với những ma men khi quy định từ mốc 0 trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hắt lên. Mức xử phạt đến ngưỡng khủng khiếp khiến bất kỳ một tay lái nào cũng phải run sợ. Hiển nhiên tôi là người ủng hộ chế tài này dù còn đó những vân vi này khác.

Tính ra Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020 cùng với Nghị định 100 đã đưa vào thực hiện được hơn nửa tháng. Có lẽ từ xưa đến nay chưa có một luật nào được thực thi một cách triệt để như luật này. Rất dễ giải thích bởi mức xử phạt đánh vào kinh tế ở trần cao ngất ngưởng và ngưỡng vi phạm lại quyết liệt ở mức cứ có nồng độ cồn trong hơi thở hoặc máu là xin mời xùy tiền nộp phạt. Đấy là chưa kể biện pháp thu giữ bằng lái đến tận 2 năm. Nếu là nghề kiếm cơm thì 2 năm không được hành nghề hiển nhiên là kinh tế của lái xe đó và gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng. Chả ai dại mà vi phạm để dẫn đến treo nồi cơm của mình.

img

Các quán nhậu vắng khách sau khi Nghị định 100 được thực thi.

Người Việt vốn nhờn luật ở chỗ do chế tài không đủ nghiêm khắc răn đe và sự thực thi bị buông lỏng. Thế nên lần này, với những gì tôi vừa dẫn cho thấy, việc thực hiện là khá suôn sẻ. Bằng chứng là các tửu đồ đã biết sợ và di chuyển bằng những phương tiện công cộng như xe taxi và các ứng dụng gọi xe công nghệ, thậm chí bằng cả xe buýt. Điều trước đó chưa từng.

Thấy gì sau chỉ một khoảng thời gian ngắn thực hiện Nghị định 100? Theo báo chí, “Từ ngày 1 đến 15/1/2020, cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm 249 người chết, 158 người bị thương. So với 2 tuần trước đó, đã giảm 31 vụ (giảm 8,8%), giảm 38 người chết (giảm 13,2%), giảm 57 người bị thương (giảm 26,5%). Lực lượng chức năng đã xử phạt 6.279 người lái xe vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỉ đồng”.

Rõ ràng con số từ cơ quan chức năng thông báo tai nạn giảm hẳn. Đã dễ dàng nhận ra các hàng quán bia rượu sụt giảm lớn lượng thực khách. Người Hà Nội có thú uống bia hơi kể cả tiết trời lạnh, đặc biệt thời gian áp Tết là thời điểm dân nhậu nhộn nhịp liên hoan tổng kết, nhưng hầu như tất cả các quán bia đều vắng một cách bất thường.

Tôi đã khảo sát một số khách hàng nghiện bia hơi, họ nói chỉ uống vài cốc bia nhưng phải thuê xe ôm hoặc taxi thì họ ngại, và thực tế với mức thu nhập bình dân thì đó là một khoản chi vượt quá mức không kham nổi. Các nhà hàng bia hơi nổi tiếng ở Hà Nội, các chủ quán phàn nàn doanh thu sụt giảm mấy chục phần trăm. Các nhà hàng nhỏ lẻ thì đứng trước nguy cơ thất bát hơn nhiều.

Tôi tham gia bơi sông Hồng. Những người ra đây bơi chủ yếu là do nhu cầu sức khỏe, trong đó có nhiều thanh niên. Thông thường sau mỗi lần bơi họ tụ thành từng nhóm giải khát vài cốc bia trên tinh thần thưởng thức, nhưng từ khi có Nghị định 100 các nhóm này tự giải tán. Nguyên nhân cũng là lo sợ bị phạt. Thay vì đi uống bia ở cửa hàng họ về uống tại nhà.

Các quán ăn cũng vậy, dân nhậu sợ CSGT phục kích để kiểm tra nồng độ cồn nên cũng giảm việc ăn nhậu ngoài quán. Tất nhiên nếu đi thì họ sẽ chọn giải pháp không lái xe. Không biết có phải là trùng hợp hay không mà dịp này tôi được mời dự một số cuộc liên hoan tổng kết và các cơ quan này đều tổ chức tại trụ sở của mình, không ra hội trường hay quán ăn như thông lệ.

Tôi là người thích bia rượu và thực tế cũng đã trải nghiệm những lần tai nạn từ ô tô, xe máy đến cả xe đạp, trong đó có lần phải phẫu thuật đầu gối. Trong tất cả những lần này, nguyên nhân đều do đã sử dụng bia rượu. Việc lựa chọn không lái xe khi đi uống bia rượu với tôi bây giờ là điều bắt buộc. Chính thế mà phương tiện tôi chọn là các hãng taxi truyền thống và những ứng dụng gọi xe công nghệ, trong đó chủ yếu là Grab. Trời nắng ráo khi đi uống tôi chọn Grab bike và nếu trời mưa hoặc sau khi uống thì tôi đi taxi.

img

Grab được hưởng lợi sau khi Nghị định 100 đi vào đời sống.

Có một thực tế là từ ngày Nghị định 100 đi vào đời sống thì ngành vận tải công cộng được hưởng lợi trực tiếp. Grab nằm trong nhóm hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, thay vì có những động thái khuyến khích khách hàng, Grab đã cắt mọi khuyến mại. Từ 1/1/2020, ứng dụng đặt xe Grab của tôi khi mở ra đều có dòng chữ không có khuyến mại nào, điều trước đó chưa bao giờ xảy ra. Có lẽ vì đông khách hàng nên Grab có động thái của sự độc quyền chăng?

Bài đọc nhiều

Hà Nội vẫn có những ứng dụng vận tải công nghệ như Go Viet và mới đây nhất là Be, nhưng có cảm giác những ứng dụng thuần Việt này chưa đủ mạnh để cạnh tranh với Grab. Không phải dân kinh doanh nhưng tôi nghĩ đây chính là thời điểm rất tốt cho những ứng dụng gọi xe của người Việt. Tại sao họ không liên kết lại để sòng phẳng cạnh tranh với Grab? Nếu làm được thế, Grab sẽ buộc phải nhìn lại sự kinh doanh của mình để có phương thức tốt hơn dành cho khách hàng.

Đằng sau một chế tài xử phạt, dù mới chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng đã tạo ra nhiều thay đổi trong tham gia giao thông và những gì nó kéo theo. Tôi tin nếu Nghị định 100 điều chỉnh cho hợp lý hơn với đời sống, như nâng mức nồng độ cồn trong máu hay hơi thở lên trên mức 0 chút ít, vẫn đủ đảm bảo an toàn thì xã hội sẽ còn đón nhận tích cực hơn. Và nữa, người dân vẫn mong muốn có chế tài giám sát chính những người thực thi công vụ để Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP thật sự đi vào cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem