Sau những cơn mưa lớn, măng tre mọc lên tua tủa, một hợp tác xã của Bình Phước thu 20 tấn/ngày

Thứ ba, ngày 04/07/2023 07:47 AM (GMT+7)
Sau nhiều tháng nắng nóng, những cơn mưa lớn đã làm không khí oi bức dịu đi. Thời điểm này, các thành viên Hợp tác xã (HTX) măng tre Thành Tâm, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành (Bình Phước) bước vào thu hoạch chính vụ.
Bình luận 0

Đưa măng tre về phố

Khoảng 5 giờ sáng mỗi ngày, gia đình ông Lê Tuấn Anh ở khu phố 2, phường Thành Tâm đã có mặt tại vườn tre để thu hoạch măng. Do có kinh nghiệm nhiều năm nên ông Tuấn Anh nhận biết măng đủ tiêu chuẩn hay chưa rất nhanh, việc thu hoạch không mất quá nhiều thời gian. 

Ông Tuấn Anh chân đi ủng, tay cầm dao chuyên dùng nhanh nhẹn đốn từng khóm măng vui vẻ cho biết: “Mùa mưa là thời điểm thu hoạch chính vụ. Mưa liên tục khiến đất mềm ra, từng khóm măng đua nhau mọc lên. Hiện giá măng tươi chỉ 5.000 đồng/kg, không cao như mùa khô, nhưng bù lại sản lượng thu về gấp đôi. Loại tre gia đình tôi và thành viên HTX trồng là điền trúc, rất thích hợp với chất đất pha cát ở Chơn Thành. Tre cho măng to, đặc ruột, nặng ký, năng suất cao. Mùa mưa, năng suất bình quân khoảng 1.000kg/ha/ngày. Tre trồng theo từng hàng, việc thu hoạch dễ dàng, không bị sót. Khi gom măng vào bãi tập kết, chủ nhà phải làm măng sạch gốc, phân loại rồi mới định giá từng loại”.

HTX măng tre Thành Tâm thành lập từ tháng 4/2017, với 15 thành viên. Tổng diện tích canh tác gần 20 ha. Hiện HTX đã liên kết với tiểu thương ở chợ đầu mối TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ sản phẩm. Việc tiêu thụ thuận lợi, hằng ngày tiểu thương đều lên lấy măng về bán sỉ tại chợ với số lượng lớn.

Sau những cơn mưa lớn, măng tre mọc lên tua tủa, một hợp tác xã của Bình Phước thu 20 tấn/ngày - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc HTX măng tre Thành Tâm (bìa trái) giới thiệu mô hình kinh tế măng tre

Ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc HTX măng tre Thành Tâm cho biết: “Mùa mưa, lượng măng thu về mỗi ngày của cả HTX khoảng 20 tấn. Nếu tiểu thương vận chuyển về TP. Hồ Chí Minh không kịp, chúng tôi có phương án riêng. HTX đã mua máy sấy, công suất sấy 1 tấn/30 tiếng đồng hồ, có nhà xưởng chứa và sơ chế măng. Nếu sấy không hết, gia đình các thành viên luộc hoặc muối chua bán trực tiếp tại chợ Chơn Thành và các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh.

Hướng tới xuất khẩu măng tre 

Ông Lê Tuấn Anh chia sẻ: Kinh phí đầu tư ban đầu trồng tre lấy măng khoảng 60 triệu đồng/ha. Từ lúc trồng tới khi được thu hoạch chỉ 12 tháng. Năm thứ 2 trở đi, lượng măng cho nhiều. Mùa khô, người trồng cần tưới ẩm liên tục để cây sinh trưởng mạnh, cho măng đều. Từ năm thứ 4 trở đi, nông dân phải cải tạo đất bằng cách bón phân hữu cơ, phù hợp nhất là phân chuồng.

Mùa mưa, gia đình có điều kiện bổ sung phân urê, năng suất sẽ rất cao. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, người trồng thu lời khoảng 150 triệu đồng/ha. 

“Vốn đầu tư ít, nhanh cho thu hoạch, đầu ra sản phẩm ổn định, nếu gia đình có đất, không phải thuê thì đời sống người trồng măng rất ổn định” - ông Tuấn Anh khẳng định.

Hầu hết người trồng tre lấy măng cho biết, việc chăm sóc tre không khó, bởi tre không bị sâu bệnh, không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn cho sức khỏe con người, trong khi vòng đời của tre lâu, có thể lên tới 15 năm. HTX măng tre Thành Tâm đang tiếp tục mở rộng diện tích, xây dựng vùng nguyên liệu để có đủ sản lượng xuất khẩu măng ra thị trường nước ngoài.


Quang Minh (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem