Ông Hun Sen nói trên trang Facebook của mình rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đưa ra khoản viện trợ trong cuộc gặp ở Ulaanbaatar, Mông Cổ, nơi họ đang tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM). “Thủ tướng Trung Quốc đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ cung cấp 3.600 triệu Nhân dân tệ, khoảng 600 triệu USD cho Campuchia, trong giai đoạn từ 2016-2018. Theo yêu cầu của tôi, những người bạn Trung Quốc đã đồng ý cung cấp viện trợ cho tiến trình bầu cử, y tế, giáo dục và chương trình nước sạch, như đào giếng, những dự án đem lại lợi ích cho nhân dân chúng ta”.
Giới chức Campuchia cho rằng, khoản viện trợ đến với Campuchia ở thời điểm này là “hoàn toàn ngẫu nhiên”.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Mông Cổ được đăng kèm thông báo Trung Quốc viện trợ cho Campuchia trên facebook của ông Hun Sen ngày 15.7.
Tuyên bố về việc rót viện trợ được đưa ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi Bộ Ngoại giao Campuchia ra tuyên bố tái khẳng định quan điểm của Chính phủ Hoàng gia nước này rằng Trung Quốc và Phillipines nên giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng đàm phán song phương.
Trong tuyên bố ngày 9.7, Bộ Ngoại giao Campuchia cũng ra tuyên bố cho rằng phán quyết của PCA “không liên quan đến tất cả các thành viên ASEAN” nên Campuchia sẽ không tham gia vào “bất kỳ việc bày tỏ quan điểm chung nào khi phán quyết được đưa ra”.
Trước đó, Toà Trọng tài được thành lập dưới sự bảo hộ của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đã ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc.
Trung Quốc từ chối công nhận thẩm quyền của Tòa án Trọng tài. Tuy nhiên, theo Điều 296 cũng như Điều 11 của Phụ lục VII của UNCLOS, phán quyết của Toà Trọng tài là cuối cùng và có tính ràng buộc.
Trước ngày phán xét, Trung Quốc sử dụng tất cả các loại chiến thuật để làm cho Philippines thất bại. Bắc Kinh cố gắng để đe dọa Tòa án Trọng tài bằng cách thông báo, Bắc Kinh sẽ thành lập cơ quan trọng tài quốc tế riêng của Trung Quốc như là một thay thế cho chế độ pháp lý toàn cầu hiện có. Trung Quốc cũng tìm cách bôi nhọ các thủ tục tố tụng pháp lý, vận động cán bộ tòa án quốc tế để bỏ qua những trường hợp, và xa hơn nữa là đe dọa rút khỏi UNCLOS.
Nhưng những tính toán của Bắc Kinh đã không thể làm thay đổi luật pháp quốc tế. Công lý đã được thực thi và phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài là cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp về biển một cách hoà bình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.