Được biết, phía siêu thị Co.op Mart cũng đã về làm việc với nông dân ở Long Thành để đưa sản phẩm sầu riêng VietGAP vào siêu thị.
Ông Trần Anh Tùng – một nông dân trồng sầu riêng VietGAP tại xã Bình Sơn (huyện Long Thành) cho biết, bắt đầu từ tháng 6.2016, ông tổ chức quầy giới thiệu và bán sản phẩm sầu riêng VietGAP tại siêu thị Co.op Mart Biên Hòa. “Rất mừng khi sầu riêng của chúng tôi được siêu thị tiếp nhận giới thiệu với khách hàng. Việc được vào siêu thị đã chứng minh chất lượng sầu riêng của chúng tôi đạt chuẩn VietGAP và đảm bảo giá bán sẽ tốt hơn so với hàng chợ” - ông Tùng nói.
Ông Trần Anh Tùng (xã Bình Sơn, Long Thành, Đồng Nai) thu hoạch sầu riêng VietGAP. ảnh: T.Đ
Được biết, phía siêu thị Co.op Mart cũng đã về làm việc với nông dân ở Long Thành để đưa sản phẩm sầu riêng VietGAP vào siêu thị. Với diện tích 15ha sầu riêng được cấp chứng nhận VietGAP, nông dân địa phương có thể cung cấp khoảng 130 tấn sầu riêng an toàn/vụ cho Co.op Mart.
Trước đó, đơn vị thực hiện dự án là Trung tâm Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ đã thực hiện mô hình trồng cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP trong thời gian 24 tháng. Mục tiêu của mô hình là nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho trái sầu riêng, nâng cao năng suất cây trồng, trong đó có ít nhất 10% diện tích đạt chuẩn VietGAP và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật khác.
Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP được thực hiện tại 2 xã Bình Sơn và Bình An (huyện Long Thành). Theo đó, bà con tham gia mô hình được cán bộ Trung tâm Cây ăn quả miền Đông hướng dẫn tuân thủ các quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Việc lấy mẫu đất trồng, nước tưới cho vườn sầu riêng được thực hiện tại Trung tâm Đo lường chất lượng Tiêu chuẩn 3; nông dân được hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên việc ghi chép nhật ký sản xuất, được tham gia tập huấn quy trình sản xuất sầu riêng theo VietGAP, quy trình canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn, biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, nhận định tình hình sâu bệnh gây hại và biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp theo phương pháp IPM, quy trình thu hoạch và sơ chế sầu riêng đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm...
Các hộ tham gia dự án chủ yếu trồng 2 giống sầu riêng phổ biến là Ri6 và Monthon. Theo đánh giá, năng suất của sầu riêng trong mô hình tăng 16,35%, hiệu quả kinh tế tăng 41,12% so với cách trồng truyền thống, lợi nhuận trung bình đạt 395 triệu đồng/ha/năm. Từ chỗ dự án chỉ có 9 hộ tham gia với diện tích 15ha, nay các nhà vườn trên địa bàn đã nhân rộng lên 60ha.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Long Thành, dự án trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp bà con nông dân thay đổi tư duy chăm sóc cây sầu riêng thông qua các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, các mô hình trình diễn, xây dựng hợp tác xã trên cơ sở liên kết giữa các nông hộ với đơn vị thu mua, phân phối sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ phân bón và thuốc BVTV...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.