Đài Phát Thanh - Truyền hình Vĩnh Long tuyên bố ngừng phát sóng hình ảnh của nghệ sĩ hài Trấn Thành trong game show "Tuyệt đỉnh song ca nhí" với lý do: chương trình có sự góp mặt của nghệ sỹ này không phù hợp với chức năng giáo dục, giải trí thẩm mỹ và các nguyên tắc cơ bản của Đài. Được xem như lời cảnh báo, yêu cầu các nghệ sĩ hài nghiêm túc hơn trong hoạt động nghệ thuật, biểu diễn.
Vài năm trở lại đây,các chương trình gameshow hài ngày càng nở rộ và sôi động trên các kênh truyền hình cũng như các sân khấu lớn nhỏ. Trào lưu gây cười với yếu tố khai thác đời tư, hình thể, giới tính và các nghệ sĩ lao vào những màn tung hứng, dẫn dắt hài hước bằng chính câu chuyện tình yêu, hôn nhân sáo mòn.
Việc lạm dụng quá nhiều yếu tố giả gái hoặc mang đời tư của nghệ sĩ, chuyện tình cảm cá nhân lên sân khấu...thể hiện nghệ thuật gây cười thiếu tính chuyên nghiệp, tính sáng tạo cũng như năng lực của nghệ sĩ. Điều đó còn tạo ra cho khán giả những tiếng cười dễ dãi, không mang lại cảm xúc thật sự.
Ngoài ra, một gương mặt nghệ sĩ hài xuất hiện đến gần 5 chương trình hài, kênh phát sóng khác nhau, khiến khán giả cảm thấy nhàm chán, bản thân người nghệ sĩ thì mất đi năng lượng sáng tạo khi bị làm việc quá tải.
Nghệ sĩ hài Vượng râu đã chia sẻ, là người theo dõi các chương trình truyền hình phát sóng gần đây thấy có quá nhiều chương trình được sản xuất chộp giật, có quá nhiều nghệ sỹ được mời ngồi “ghế nóng”. Có những lần, mở kênh này ra cũng thấy người này, chuyển sang kênh khác cũng thấy gương mặt đó, kênh khác nữa vẫn bóng dáng và giọng nói quen thuộc.
Theo nghệ sĩ hài Vượng râu, cái gì cũng có hai mặt, được mời tham gia nhiều chương trình nghĩa là người ta muốn dùng tên tuổi và tài năng của cá nhân nghệ sỹ đó để tăng độ hấp dẫn cho chương trình. Nhưng nếu mình xuất hiện quá nhiều, gương mặt của mình sẽ trở nên nhàm chán với khán giả.
Chúng ta thừa biết, nghệ thuật là lĩnh vực của sự sáng tạo. Nghệ sỹ mà làm việc dày đặc quá sẽ không có thời gian để làm mới mình, để sáng tạo cái mới của riêng mình vì thế cứ đánh mất dần đi cái "duyên" làm nghề và dễ rơi vào những tình huống "dở dở ương ương" trên sóng.
Còn với khán giả Hoàng Thanh Bình, trú tại cầu Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội thì cho hay, kịch bản hài hiện nay tại các chương trình gameshow đang né tránh những vấn đề mang tính xã hội, những câu chuyện từ thực tế cuộc sống, chỉ quanh quẩn trong những câu chuyện không ra chuyện, lặp đi lặp lại một kiểu diễn, một mảng miếng, lạm dụng kiểu đối đáp ngẫu hứng. Nghệ sỹ hài bị cuốn vào dòng xoáy đó, không tự định hình mình thì vướng vào sự cố, hành động phản cảm hoặc tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong khi xã hội đang cần, đòi hỏi hài cần mang tính giáo dục, đặc biệt cho giới trẻ, thế hệ xây dựng đất nước tương lai.
Không chỉ riêng nghệ sĩ hài Trấn Thành đã từng bị phạt 32,5 triệu đồng vì xuyên tạc bóp méo vở cải lương “Tô Ánh Nguyệt”, thời gian gần đây cũng có nhiều nghệ sĩ hài bị cảnh báo và xử phạt trước sự quá lố trong cách diễn xuất của họ.
Tháng 5.2016, Sở VHTT TP Hồ Chí Minh đã xử phạt nghệ sĩ Ngọc Giàu và diễn viên Anh Đức 15 triệu đồng, Ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài Phát thanh –Truyền hình Vĩnh Long, người vừa có quyết định ngừng phát sóng hình ảnh của nghệ sĩ hài Trấn Thành trong gameshow "Tuyệt đỉnh song ca nhí" cho biết: “Làm nghệ thuật hài phải vươn tới một giá trị văn minh, ít nhất đó phải là hài thật. Làm truyền hình phải hướng đến khán giả và sự trong sáng trong nghệ thuật. Dù anh là ai cũng không thể mượn cái nhảm, cái tào lao để câu khán giả”.
Đây được xem là một trong những động thái kịp thời của những người làm quản lý về công tác kiểm duyệt và phát sóng các chương trình biểu diễn nghệ thuật nhằm hạn chế hài nhảm, hài tục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.