Sau vụ “xin vía học giỏi” từ Kumanthong: Phụ huynh cần theo sát con hơn

Tuệ Nguyên Thứ năm, ngày 11/03/2021 17:55 PM (GMT+7)
Từ clip “xin vía học giỏi từ Kumanthong” của Youtuber Thơ Nguyễn lên mạng xã hội cho thấy, các bậc phụ huynh cần phải tỉnh táo và theo sát con mình hơn, tránh để xảy ra những hệ lụy đáng tiếc.
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội về các tác động của những nội dung phản cảm trên Youtube với trẻ em, nhất là sau khi clip về Kumanthong của Thơ Nguyễn được đăng tải gây phản ứng dư luận thời gian qua.

Sau vụ “xin vía học giỏi” từ Kumanthong: Phụ huynh cần theo sát con hơn - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Tuệ Nguyên.

Những hệ lụy nhãn tiền

Mặt trái của Youtube đã từng được đề cập rất nhiều. Người ta đã tổng kết rằng Youtube là một kênh phát tán các video lạm dụng trẻ - những kẻ ấu dâm xem để mua. Có nhiều nội dung quảng cáo không phù hợp trong nội dung phim trẻ em hay các hành vi nguy hiểm dụ trẻ bắt chước.

Điều này có thể khiến trẻ em vướng vào các mặt tối của thể giới ảo như bắt nạt trên mạng, quấy rối trên mạng; dạy chửi bậy, dạy hút thuốc (do xem các clip nhả khói thuốc điện tử). Thậm chí có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người xem youtube hút thuốc lá điện tử và thuốc smokeless nhiều hơn. Các nghiên cứu nước ngoài cũng cho thấy, rất nhiều quảng cáo rượu đã được chiếu cho các em trong tuổi vị thành niên…

Theo ông Nam, trẻ em học các hành vi ứng xử qua việc bắt chước. Ý thức của các em cũng chưa đủ phát triển phân biệt được lời nói đùa. Không thể hiểu theo cách nói ẩn ý của người lớn nên các em dễ tin vào những gì nghe thấy, nhìn thấy. Trẻ hành động theo cảm xúc nhiều hơn nên tất cả những người trẻ thích nói gì, các em đều nghe và tin hết. Đầu óc của trẻ cũng như tờ giấy thấm thẩm thấu tất cả những gì diễn ra trong môi trường xung quanh.

Đó là lý do tại sao tất cả các nội dung hướng đến trẻ em mới phải bị kiểm duyệt gắt gao như vậy. Đó cũng là lý do tại sao công tác bảo vệ trẻ em đang phải tìm mọi chiến lược để bảo vệ trẻ em khỏi các trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực gây lo lắng, sợ hãi.

Từ vụ Kumanthong, cha mẹ hãy đồng hành cùng con trên mạng

Chúng ta đều biết giáo dục trẻ em hiện nay bên cạnh kiến thức thì quan trọng hơn phải là giáo dục phẩm chất. Vì vậy, các nội dung hướng đến trẻ em ít nhiều đều ảnh hưởng đến việc hình thành thế giới quan, cách nhìn nhận của trẻ về bản thân mình, về người khác và thế giới.

Sau vụ “xin vía học giỏi” từ Kumanthong: Phụ huynh cần theo sát con hơn - Ảnh 2.

Sau khi đăng clip "xin vía học giỏi" từ búp bê Kumanthong, Youtuber Thơ Nguyễn đã bị nhiều người chỉ trích. Ảnh chụp màn hình.

"Chúng ta không thể để trẻ tuyệt giao với công nghệ. Tuy nhiên, cha mẹ sẽ cần dành thời gian để cùng xem với trẻ. Cha mẹ nên thiết lập nguyên tắc chỉ cho phép xem nội dung trên các nền tảng mạng xã hội ở những không gian mở - nơi người lớn có thể quan sát thấy trẻ đang làm gì", TS Trần Thành Nam nói.

Đồng thời, cha mẹ nên dạy trẻ biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ về các vấn đề an toàn trên mạng, giúp con nhận diện những nội dung không phù hợp và động viên con báo cho cha mẹ biết.

Cha mẹ cũng cần giải thích cho con hiểu tại sao những nội dung đó không tốt, quy định mức thời gian sử dụng mạng tương ứng với lứa tuổi và nhận diện sớm các dấu hiệu nghiện internet.

Phụ huynh cũng cần được khuyến khích tự cập nhật về công nghệ để giỏi hơn trẻ. Ví dụ, phụ huynh phải sử dụng được những bộ lọc, các ứng dụng cảnh báo. Cha mẹ cũng cần được hướng dẫn cách nói chuyện với con về những nguy cơ, những vấn đề mà trẻ sẽ phải đối mặt trên thế giới ảo.

Các tài liệu giáo dục an toàn trong sử dụng mạng đã được thẩm định cũng cần được giới thiệu đến các cha mẹ như một tài liệu phải đọc để đồng hành với con trên mạng.

Cần quản lý bằng các bộ quy tắc

Những nội dung như clip Kumathong vừa qua đằng sau đó có thể mang lại cảm giác sợ hãi với hình ảnh búp bê ma. Hay việc từ chối không làm theo một việc không đúng do người lớn bắt sẽ bị dọa đánh hoặc lan truyền niềm tin dùng bùa ngải để không phải cố gắng học tập, lao động.

Nếu việc sáng tạo nội dung trên youtube hiện đã trở thành một nghề thì có lẽ cũng sẽ cần những "chứng chỉ hành nghề", bộ quy tắc "đạo đức hành nghề" để đảm bảo những người sáng tạo những nội dung trên youtube cho trẻ em có đủ kiến thức chuyên môn và năng lực để giáo dục trẻ em, phải biết tôn trọng các nguyên tắc đạo đức để bảo vệ cộng đồng.

Cha mẹ và con luôn học hỏi nâng cao năng lực số, phấn đấu trở thành digital native. Luôn lưu ý về khoảng cách số giữa cha mẹ và con cái để có ý thức định hướng và bảo vệ con. Luôn tự vấn phần mềm/công cụ/thiết bị nào có thể giúp đỡ hỗ trợ con.

Ví dụ như các ứng dụng screen time, phần mềm cảnh báo truy cập nội dung xấu. Thay đổi tư duy cho phù hợp một môi trường giao tiếp số, tương tác số là điều bắt buộc để học tập trong kỷ nguyên số nhưng cũng rất nhiều những nguy cơ.

Chia sẻ với PV Dân Việt chiều 11/3, ông Lê Quang Tự Do – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho hay: Hiện tại, đơn vị đang phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an mời chủ kênh Youtube Thơ Nguyễn lên làm việc do có những dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan như tuyên truyền bùa ngải, búp bê Kumanthong. Quan điểm là sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Những clip có dấu hiệu vi phạm phải bị gỡ bỏ.

Ông Lê Quang Tự Do cũng nhấn mạnh, nếu chủ tài khoản Thơ Nguyễn không hợp tác, Cục sẽ đề nghị Google chặn kênh. Thực tế cho thấy, giống với Việt Nam, phía Google ủng hộ việc chặn những kênh YouTube có nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan. Các kênh YouTube này thậm chí có thể bị đưa vào danh sách không được nhận tiền quảng cáo.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem