Từ vụ YouTuber Thơ Nguyễn: Clip “bẩn” bủa vây con trẻ

Võ Hồng Nhân Thứ bảy, ngày 13/03/2021 06:00 AM (GMT+7)
Sau khi đăng đoạn clip có tính chất truyền bá mê tín dị đoan gây tranh cãi lên kênh YouTube và TikTok, YouTuber Thơ Nguyễn đã bị Bộ TTTT cùng Bộ Công an mời lên làm việc. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những clip độc hại đang ngày ngày “tấn công” trẻ nhỏ trên mạng xã hội.
Bình luận 0

Video rác "vấy bẩn" tâm hồn trẻ nhỏ

Trước đó, trên kênh TikTok hơn 900.000 lượt theo dõi của mình, YouTuber Thơ Nguyễn đã đăng một đoạn clip dài gần 1 phút về việc xin vía học giỏi cho các em học sinh. Trong đoạn clip này, Thơ Nguyễn ôm 1 con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng "mẹ" và gọi búp bê là "con". Video có phần mê tín dị đoan, nội dung không tốt đối với các em nhỏ được đăng tải đã gây phẫn nộ. Trước đó, kênh youtube Thơ Nguyễn này còn đăng tải những video dạy trẻ tắm trong bồn chứa đầy thạch, làm thí nghiệm nấu lon nước ngọt kín trong phòng, hay gọi điện trêu đùa vào số máy cảnh sát 113…

Clip “bẩn” bủa vây con  trẻ - Ảnh 1.

Clip “bẩn” bủa vây con  trẻ - Ảnh 2.

YouTuber Thơ Nguyễn đăng clip "xin vía học giỏi". Ảnh: I.T

img

"Tôi quan tâm đến việc cơ quan quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ nhưng không hoàn thành nhiệm vụ. Đúng ra phải phòng ngừa, ngăn chặn, luật đã có tại sao không xử lý. Nếu các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, tôi tin những video xấu, độc sẽ không còn đất sống".

Chuyên gia về trẻ em -

ông Nguyễn Trọng An

Không ít người lên tiếng kêu gọi mọi người tẩy chay kênh Thơ Nguyễn và không cho các em nhỏ tiếp cận những video như vậy bởi nó mang tính chất định hướng tiêu cực, lệch lạc, không phù hợp với độ tuổi.

img

Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe?

Luật sư Diệp Năng Bình (ảnh) - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện tượng "Búp bê Kuman Thong" là một hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Nếu việc sản xuất, buôn bán, hoặc đưa lên về bùa ngải lên không gian mạng nhưng không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân, đặc biệt là trẻ em.

Khi đó sẽ dẫn đến suy nghĩ lệch lạc, những nguy cơ xấu đối với xã hội như gia tăng các hoạt động mua, bán thi thể thai nhi, các hình thức lừa đảo để trục lợi phi pháp, hình thức mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị xã hội"- ông Bình phân tích.

Theo vị luật sư, từ 15/4/ 2020, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thực hiện theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ ràng việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử với một số trường hợp.

Theo đó, căn cứ vào khoản 2 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm quy định xử lý vi phạm hành chính. Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Cá nhân vi phạm thì chỉ áp dụng 1/2 mức tiền phạt nêu trên. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn. "Như vậy, việc sử dụng mạng xã hội để cung cấp chia sẻ thông tin mê tín sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Nếu người này đã từng bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có khả năng bị truy tố hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan" - vị luật sư thông tin.

Theo ông Bình, thông tin về mê tín dị đoan là vi phạm pháp luật, là một biểu hiện của suy thoái và gây tác động tiêu cực đối với sự phát triển của xã hội, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của xã hội vẩn đục, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

"Tuy nhiên có thể thấy hiện nay việc xử phạt đối với hành vi này còn quá nhẹ, chưa có tác dụng giáo dục và phòng ngừa và ngăn chặn. Theo tôi, cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc hơn nữa, xử lý nghiêm minh để ngăn chặn tình trạng trên"- ông Bình nói.

Hiếu Đam (ghi)

Điều đáng nói, trên mạng internet không hiếm những kênh YouTube chứa nội dung không phù hợp với trẻ nhỏ và đã từng bị xử phạt. Trước đó, "Hưng Vlog" - con trai "Bà Tân Vlog" cũng từng bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì đăng nội dung nấu cháo gà nguyên con hay những clip có nội dung không tốt với trẻ nhỏ như: Dạy cách đập lợn đất lấy trộm tiền của em gái đi chơi.

Xa hơn nữa, vào năm 2017 một nhóm khoảng 20 bạn trẻ từ 18-20 tuổi do Trà Ngọc Hải (SN 1996) làm trưởng nhóm chuyên xây dựng các clip dành cho trẻ em. Nhóm này đăng nội dung trên kênh YouTube "Spiderman Frozen Marvel Superhero in Real Life". Tuy nhiên, nội dung sản xuất của nhóm ngày càng xa rời định hướng giáo dục trẻ nhỏ, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nhóm nói rằng họ sản xuất nội dung theo phiên bản Mỹ, nhưng trẻ nhỏ Việt Nam thường xuyên theo dõi kênh.

Với việc đăng tải những nội dung "rác", Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã xử phạt vi phạm hành chính nhóm nay với mức cao nhất là 30 triệu đồng do có hành vi "chủ động cung cấp thông tin miêu tả hành động không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong các video clip phát tại kênh YouTube "Spiderman Frozen Marvel Superhero in Real Life", theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Tẩy chay liệu đã đủ?

Chia sẻ với phóng viên, chị Mai Thanh Loan (Hà Nội) có con 3 tuổi cho biết: "Trước đó, mình có đăng ký kênh Thơ Nguyễn trên YouTube cho con trai xem, nhưng cũng chú ý xem nội dung clip của kênh này thế nào. Hôm nay thấy video "xin vía học giỏi" của Thơ không thể chấp nhận được. Ngay sau đó mình bỏ theo dõi và tìm kiếm kênh khác tốt hơn cho con để học tập".

Không chỉ chị Loan, nhiều phụ huynh khẳng định video gây ảnh hưởng không tốt đến con trẻ, suy nghĩ lệch lạc, đồng thời đã tẩy chay những kênh YouTube có nội dung không phù hợp với trẻ nhỏ. "Là phụ huynh, mình xem còn thấy nhảm nhí, mê tín, nếu trẻ em xem được chắc chắn sẽ có suy nghĩ không tốt. Bọn trẻ chỉ biết xem và xem, sau đó làm theo, không hề biết đúng sai. Dù có nhiều clip hay đến mấy nhưng vì một vài clip tiêu cực như này nên từ giờ tôi cũng sẽ không cho con xem kênh như thế nữa"- phụ huynh Đoàn Văn Dự (Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc.

Tiền phạt như "gãi ngứa"

Liên quan đến việc Thơ Nguyễn đăng nội dung gây tranh cãi trên YouTube, ông Lê Quang Tự Do - Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết Cục đang phối hợp với Bộ Công an mời YouTuber này lên làm việc. Đồng thời, yêu cầu YouTube, TikTok gỡ hoặc chặn các nội dung có dấu hiệu vi phạm.

Liên quan đến việc này, chuyên gia trẻ em Nguyễn Trọng An cho biết: "Không thể để trường hợp xã hội văn minh hiện nay mà có người đưa bùa ngải ra hướng dẫn trẻ như thế. Trước đó đã có nhiều video không tốt, trẻ em xem có thể bị ám ảnh về bùa ngải, điều này gieo rắc những văn hóa phẩm nguy hại đến với trẻ em. Chỉ cần một lời nói, một hình ảnh vào đầu các em đã gây ảnh hưởng rất xấu. Tôi cảm thấy rất buồn khi có luật an ninh mạng, nhưng tại sao những trường hợp như thế này vẫn còn tồn tại. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết về Luật Trẻ em cũng đã giao cho các cơ quan từ truyền thông đến phát hành... Các cơ quan này phải có trách nhiệm liên đới đến vấn đề ảnh hưởng từ môi trường mạng đối với con trẻ. Tại sao tình trạng video xấu, độc hại tràn lan trên mạng xã hội như hiện nay?".

Theo ông An, việc phòng ngừa, ngăn chặn từ cơ quan chức năng là cần thiết, bên cạnh đó các bậc phụ huynh quan tâm hơn đối với con nhỏ trước những video có nội dung không tốt. Tuy nhiên, mức xử phạt hiện nay khiến các chuyên gia cũng như các bậc phụ huynh rất băn khoăn. Người vi phạm chỉ bị phạt vài triệu hoặc hơn 30 triệu đồng cho hành vi vi phạm trên môi trường internet, trong khi doanh thu của những YouTuber nổi tiếng có thể lên đến hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/tháng.

"Nếu như ở nước ngoài, việc vi phạm việc đăng tải nội dung không tốt gây ảnh hưởng đến trẻ em sẽ bị phạt số tiền rất lớn. Tôi còn nhớ câu chuyện một người mẹ kiện cô giáo và nhà trường bởi nhồi nhét vào đầu con trẻ suy nghĩ hình tròn là chữ o mà không phải là mặt trời hay bất kể cái gì tương tự. Bên cạnh đó, tôi quan tâm đến việc cơ quan quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ nhưng không hoàn thành nhiệm vụ. Đúng ra phải phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, luật đã có tại sao không xử lý. Nếu các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, tôi tin những video xấu, độc sẽ không còn đất sống" - ông An nói.

"Anh Đoàn Văn Dụ cho biết: "Bọn trẻ chỉ biết xem và xem, sau đó làm theo, không hề biết đúng sai. Dù có nhiều clip hay đến mấy nhưng vì một vài clip tiêu cực như này nên từ giờ tôi cũng sẽ không cho con xem các kênh đó nữa".

Ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết sẽ có những giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu độc trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội cung cấp nội dung thông tin công cộng qua biên giới. "Chúng ta cần phải chung tay xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, an toàn, nhằm giúp cho thế hệ trẻ nước ta không bị phơi nhiễm những nội dung, thông tin xấu độc. Các quy định của pháp luật đều hướng đến bảo vệ công dân, mà đặc biệt là thế hệ trẻ bởi đó là tương lai của đất nước" - ông Lê Quang Tự Do nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem