SCIC vẫn chưa có kế hoạch thoái khỏi 8/10 doanh nghiệp lớn như yêu cầu của Thủ tướng
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa có thông tin về việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, ngày 8/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1787 về 19 doanh nghiệp thuộc diện đầu tư, nắm giữ lâu dài trong đề án Chiến lược của SCIC, trong đó chỉ đạo: SCIC tiếp tục nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp và chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt lợi ích cao nhất.
Mới đây, như đã đưa tin, SCIC đã công bố danh mục triển khai thoái vốn năm 2016, theo đó, SCIC sẽ thoái vốn tại 120 doanh nghiệp. Còn về vấn đề thoái vốn tại 10 doanh nghiệp theo Công văn số 1787, SCIC cho biết, "việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp được SCIC thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, SCIC đã và đang báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ để quyết định".
Đáng chú ý, trong thông báo này, SCIC cũng đặt ra khả năng "trường hợp cần thiết, SCIC sẽ điều chỉnh danh mục thoái vốn năm 2016".
Như đã đưa tin, trong danh mục 120 doanh nghiệp mà SCIC triển khai bán vốn năm 2016 chỉ có có 2 trong tổng số 10 doanh nghiệp lớn mà Chính phủ yêu cầu tổ chức này phải thoái vốn là Công ty cổ phần FPT và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC).
Trong số 8 doanh nghiệp lớn thuộc diện SCIC phải thoái vốn theo yêu cầu của Thủ tướng, hiện SCIC đang sở hữu 51% vốn tại Bảo Minh; 50% vốn tại FPT Telecom; 45% vốn tại Vinamilk; 40% tại Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia; 37% tại CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong; 30% tại CTCP Nhựa Bình Minh, 48% tại Công ty Hạ tầng và BĐS Việt Nam và 47% tại Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang.
Nếu thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn nói trên, dự kiến SCIC có thể thu về 3,5 tỷ USD. Và với kế hoạch thoái khỏi 2 doanh nghiệp là FPT và Sa Giang thì số tiền mà SCIC thu về khoảng trên 1.000 tỷ đồng.
Bích Diệp (Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.