Sẽ có đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ

Ngọc Lương (ghi) Thứ năm, ngày 30/07/2015 07:21 AM (GMT+7)
"Khi phát hiện ra tham nhũng, việc thu hồi tài sản gặp rất nhiều khó khăn kể cả về mặt pháp luật và thực tiễn. Hơn nữa do chúng ta chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội nên việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng gặp khó khăn" - TS Lê Tiến Hào (ảnh) - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Bình luận 0

Thưa ông, việc thu hồi tài sản từ những vụ án tham nhũng hiện rất thấp, có phải bắt nguồn từ việc chúng ta chưa kiểm soát được kê khai tài sản của cán bộ, công chức?

- Việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do những bất cập về quy định pháp luật, không chỉ có pháp luật về phòng chống tham nhũng mà còn nhiều luật khác- như Bộ luật Dân sự... Thứ hai, trong công tác kiểm soát chung về tài sản thu nhập, chúng ta mới kiểm soát được tài sản thu nhập của công chức và người có chức vụ quyền hạn, nhưng lại chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội. Cho nên tài sản tham nhũng bị tẩu tán đi không kiểm soát được.

Khi thảo luận xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi), chúng ta đã bàn về vấn đề này, còn về Luật Phòng chống tham nhũng tới đây được sửa đổi chắc chắn phải có những quy định cụ thể để làm sao thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả nhất.

Ông có thấy rằng việc tiến hành kê khai tài sản đối với cán bộ công chức vẫn mang tính hình thức?

img

 TS Lê Tiến Hào - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ 

- Chúng ta cũng đưa ra việc kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức và nó cũng đã tác dụng nhất định trong việc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, nó chưa đạt như yêu cầu chúng ta đặt ra, vì còn mang tính hình thức. Chắc chắn tới đây khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng, sẽ có những quy định cụ thể về vấn đề kê khai tài sản để làm sao khắc phục được việc làm mang tính hình thức mà hiệu quả không có.

Việc kê khai tài sản cần phải đi đôi với vấn đề kiểm tra, đánh giá và quan trọng là phải công khai bản kê khai tài sản, thưa ông?

- Theo tôi rõ ràng là nên. Việc công khai bản kê khai tài sản hiện nay mới ở mức độ nội bộ là chính nên hiệu quả chưa cao. Tôi cũng chưa biết tới đây sửa luật thì đề xuất đưa vào như nào để giải quyết vấn đề trên? Bởi ta phải có nghiên cứu cụ thể, đưa giải pháp có tính khả thi, chứ đưa ra chỉ theo mong muốn mà không thực hiện được là không nên.

Theo tôi, chúng ta cần tổng kết, đánh giá, nhưng tôi chắc chắn không thể để tình trạng kê khai tài sản vẫn như hiện nay. Thanh tra Chính phủ cũng đã đề xuất một đề án với tên gọi kiểm soát thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn. Đề án này sẽ là một kênh để đưa vào Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Để góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng, có ý kiến cho rằng cần phải đưa tội làm giàu bất chính vào Bộ luật Hình sự. Ông nghĩ sao?

- Vấn đề này không phải là luật pháp của nước nào cũng quy định thế. Còn nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên đưa tội làm giàu bất chính vào nhóm tội danh liên quan đến tham nhũng trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Hiện nay bộ luật này đang được lấy ý kiến nhân dân. Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định có đưa tội làm giàu bất chính vào nhóm tội tham nhũng hay không.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem