Sẽ đầu tư có trọng điểm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lê San Thứ bảy, ngày 14/03/2015 07:14 AM (GMT+7)
“Các chương trình, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có nhiều nội dung chưa triển khai được do thiếu vốn” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử đã trả lời trong phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 13.3.
Bình luận 0

Thiếu nguồn lực, ảnh hưởng tới mục tiêu

img

Bộ trưởng - Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử trả lời chất vấn của các đại biểu.   TTXVN
Liên quan tới các chương trình, chính sách, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) chất vấn, có rất nhiều chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS, chính sách nào cũng đều do Thủ tướng ban hành nhưng chưa được cấp vốn, hoặc cấp vốn rất ít. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử nhìn nhận thiếu vốn là một trong những nguyên nhân làm cho chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS chưa đạt được mục tiêu đề ra. Theo ông Phử, chính sách do UBDT tham mưu là đúng, phản ánh từ thực tế nhu cầu cấp thiết của địa phương, muốn đột phá phải có nguồn lực. Nhưng chưa có nguồn lực nên không thể triển khai. “Việc thiếu vốn làm ảnh hưởng tới hiệu quả của chương trình, chúng tôi chịu trách nhiệm” – ông Phử cho hay.

Quan điểm

Bộ trưởng Giàng Seo Phử
  Chúng ta phải thay đổi phương pháp xây dựng chính sách. Dành 2 – 3% ngân sách trung ương  để tập trung dứt điểm từng chương trình, dự án. Các chương trình này nên có cơ quan chủ trì ở trung ương, nhưng địa phương phải chịu trách nhiệm chính.”  

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Kiên Giang về hiệu quả của Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử đánh giá đây là chương trình thiết thực và hiệu quả. Chương trình đã thực hiện phân cấp, trao quyền mạnh cho cơ sở. Đến nay có gần 100% xã làm chủ đầu tư dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng và trên 50% số xã làm chủ đầu tư dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do các xã đặc biệt khó khăn tập trung số hộ nghèo, cận nghèo cao, cần hỗ trợ lớn, nguồn vốn được cấp mới chỉ đạt hơn 64%, việc lồng ghép với các chương trình, chính sách trên địa bàn còn hạn chế nên kết quả đạt được chưa như mong muốn. “Cần bổ sung nguồn lực và đề nghị giữ nguyên Chương trình 135 theo Quyết định 551/QĐ-TTg và bổ sung thêm các nội dung cho phù hợp với thực tế” – Bộ trưởng đề nghị.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) nêu lên thực trạng là hiện nay có quá nhiều chính sách dành cho vùng dân tộc miền núi dẫn đến chồng chéo, khó lồng ghép ở địa phương, cũng như khó đánh giá được hiệu quả thực hiện. “Vậy thay đổi quan điểm về đầu tư vùng này như thế nào để mang lại hiệu quả như mong muốn?”– ông Nam đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử, các chính sách dành cho đồng bào DTTS thường phải mất 3 năm để triển khai, đồng bào thụ hưởng chỉ được 1 năm. “Chúng ta phải thay đổi phương pháp xây dựng chính sách. Dành 2 – 3% ngân sách trung ương để tập trung dứt điểm từng chương trình, dự án. Các chương trình này nên có cơ quan chủ trì ở trung ương, nhưng địa phương phải chịu trách nhiệm chính, dứt điểm từng dự án một, lồng ghép, có thể giao cho chủ tịch tỉnh được quyền điều hành tổng vốn, cuốn chiếu theo từng đề án, có như thế mới nhìn thấy được kết quả. Đồng thời xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng DTTS” – Bộ trưởng Giàng Seo Phử nói.

Mới giải quyết được phần ngọn

Quan điểm

Đại biểu Lê Nam - Thanh Hoá
  Hiện nay có quá nhiều chính sách dành cho vùng dân tộc miền núi dẫn đến chồng chéo, khó lồng ghép ở địa phương, cũng như khó đánh giá được hiệu quả thực hiện. Vậy thay đổi quan điểm về đầu tư vùng này như thế nào để mang lại hiệu quả như mong muốn?
 

Thực trạng về thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS, di cư tự do là vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn ông Giàng Seo Phử. Theo báo cáo, đến nay vẫn còn hơn 300.000 hộ DTTS thiếu đất, nhiều địa phương không còn quỹ đất. Tổng ngân sách trung ương hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ DTTS từ năm 2002 – 2014 khoảng hơn 9.509 tỷ đồng so với nhu cầu gần 30.000 tỷ đồng. Con số vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử đề nghị Quốc hội cần ưu tiên ngân sách để bố trí cho các chính sách đang thực hiện. Tạo quỹ đất từ việc thu hồi đất của các dự án, doanh nghiệp, nông, lâm trường kém hiệu quả, sử dụng chưa đúng mục đích để cấp cho các hộ nghèo thiếu đất đạt kết quả thấp, chuyển đổi ngành nghề lao động.

Với việc di cư tự do, theo Bộ trưởng, mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Di dân của đồng bào DTTS theo hướng đông sang tây, thường tập trung vào vùng đất màu mỡ, còn nhiều rừng. Di cư tự do ngoại tỉnh chủ yếu đến các tỉnh Tây Nguyên. “70% những người di cư tự do vì lý do kinh tế, bao gồm di cư tìm việc làm và cải thiện điều kiện sống. Phải nhìn rõ nguyên nhân. Quy hoạch dân cư của chúng ta vẫn còn yếu, do đó tập trung nguồn lực như thế nào, trung ương chỉ đạo, địa phương phải chủ động, còn cần có sự phối hợp của các bộ, ngành. Để giải quyết tận gốc vấn đề, phải tập trung đầu tư cho họ, có thể cấp gạo để họ không còn phải lo cái ăn, hỗ trợ sinh kế. Với những hộ đã di cư cũng phải xử lý, hỗ trợ như thế nào để họ yên tâm sinh sống” – Bộ trưởng đề xuất.


Bộ trưởng Bộ GtVT Đinh La Thăng:Sẽ hoàn thành xây dựng 4.145 cầu treo dân sinh

Đối với chương trình cầu dân sinh thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến 2020, Bộ đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc miền núi xây dựng kế hoạch hành động và thực hiện rà soát lại toàn bộ các nhu cầu, các cầu dân sinh, cầu treo cần phải làm. Hiện, giai đoạn 1 làm 187 cầu treo tại 28 tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, chương trình này dự kiến đến 30.6 năm nay sẽ hoàn thành. Giai đoạn 2 hoàn thành gàn 300 cây cầu treo, dự kiến là sẽ hoành thành vào 31.3.2016, số cầu còn lại sẽ được hoàn thành dự kiến vào năm 2017.


Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam:Đã bố trí đất ở, đất sản xuất cho hơn 166.000 hộ

 Về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện Chương trình 135 và 30a của Chính phủ, Bộ đã ra 2 hướng dẫn để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, trong năm 2014, Bộ đã hỗ trợ 539 tỷ đồng, chủ yếu là hỗ trợ về giống, công cụ sản xuất, mô hình khuyến nông, và hiện nay vẫn đang thực hiện và phát triển tốt. Đối với dân di cư tự do, đến thời điểm hiện tại, Bộ phối hợp cùng các địa phương rà soát đang có 189.846 hộ. Đến nay, cũng đã ổn định được, bố trí được theo quy hoạch, giao đất ở, đất sản xuất được khoảng 166.280 hộ, còn lại 23.566 hộ cần được tiếp tục sắp xếp các vùng quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thế Phương: Thế giới đánh giá cao kết quả của Chương trình 135

Trong các chương trình hỗ trợ thì 135 là một chương trình đầu tư có hiệu quả thiết thực, kể cả các nhà tài trợ quốc tế cũng đánh giá như thế. Theo quan điểm của Bộ, để đầu tư có hiệu quả nhất, chúng ta phải thực sự quan tâm đến việc xây dựng chính sách, các chương trình cụ thể...  Trong thời gian tới, khi xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu kết quả của các chương trình, trong đó có 135 thì phải căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực cho sát. Khi nguồn lực hạn chế   thì chúng ta làm sao phải cân đối, đầu tư tập trung, tránh dàn trải, và đầu tư nội dung gì phải làm dứt điểm.

Trần Quang (Ghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem