Sẽ kiểm toán nguồn vốn xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, ngày 19/02/2014 11:05 AM (GMT+7)
“Hiện Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đang xây dựng đề cương cho kế hoạch kiểm toán Chương trình xây dựng nông thôn mới, làm sao để đánh giá cơ chế của chương trình này có phù hợp hay không, có những tồn tại bất cập gì” - Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái thông tin sáng 18.2.
Bình luận 0
Kiến nghị xử lý tài chính gần 23.000 tỷ đồng

Sáng 18.2, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2014. Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết, năm 2013, tổng hợp kết quả kiểm toán từ 150 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 22.778,1 tỷ đồng, trong đó: Các khoản tăng thu là 4.014,4 tỷ đồng; các khoản giảm chi là 5.290,8 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu NSNN là 2.587,5 tỷ đồng; các khoản phải nộp hoàn trả và quản lý qua NSNN là 9.817,5 tỷ đồng.

Trong năm nay, KTNN sẽ tập trung kiểm toán việc huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.  (ảnh minh họa).
Trong năm nay, KTNN sẽ tập trung kiểm toán việc huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. (ảnh minh họa).

Về kế hoạch kiểm toán trong năm 2014, ông Lê Minh Khái cho biết, KTNN tập trung kiểm toán các dự án, công trình đầu tư xây dựng, công tác mua sắm, sửa chữa tài sản..., trong đó chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng các dự án sử dụng vốn trái phiếu (trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương), nhất là nguồn trái phiếu Chính phủ; tập trung kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, đặc biệt là quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Ngoài ra, với mục tiêu tập trung vào các hoạt động tài chính, bảo hiểm, KTNN cũng đưa vào danh sách kiểm toán năm nay hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này như: Ngân hàng MHB, Công ty Mua bán nợ (DATC), Tổng Công ty Bảo hiểm Petrolimex, Bảo hiểm xã hội, Tổng Công ty Bảo Minh… Cùng với đó, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, giao thông như: HUD, Viglacera, Tổng Công ty Sông Hồng, Handico, Cienco 4, Sabeco, VEAM, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, Tổng Công ty Chè, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam… cũng vào tầm ngắm của KTNN.

Một nội dung đáng chú ý là trong năm 2014, KTNN sẽ tập trung kiểm toán việc huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý và sử dụng nguồn thu lệ phí, học phí, viện phí, thu dịch vụ và liên doanh, liên kết tại các ngành y tế, giáo dục, giao thông đang được dư luận xã hội quan tâm...

Trả lời phóng viên NTNN về kế hoạch kiểm toán đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết thêm: “KTNN đang xây dựng đề cương cho chương trình kiểm toán, làm sao để đánh giá cơ chế của chương trình này có phù hợp hay không, có những tồn tại bất cập gì, việc tổ chức thực hiện các cơ chế như thế nào, đặc biệt là chú trọng vào vấn đề nguồn vốn chương trình này có được sử dụng hợp lý hay không?” - ông Khái nhấn mạnh.

“Vụ Huyền Như cũng là một bài học với KTNN”


KTNN đã lên kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước 2013 của một số tập đoàn, tổng công ty lớn trong năm nay như: Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bảo Việt, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt… Năm nay KTNN sẽ tiến hành kiểm toán Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Bộ TNMT…

Trả lời báo giới về trách nhiệm của KTNN trong việc thực hiện kiểm toán đối với Ngân hàng Vietinbank, nơi vừa để xảy ra vụ đại án Huỳnh Thị Huyền Như, Phó Tổng KTNN chia sẻ: Việc lừa đảo có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, có thể do chúng tôi chọn kiểm toán không đúng chỗ, hoặc do lừa đảo quá tinh vi không phát hiện ra.

Trong vụ việc này, ngay cả lãnh đạo của Vietinbank cả năm trời cũng không phát hiện. Nhưng cũng cần nhắc lại là chính KTNN đã phát hiện ra vụ việc này vào năm ngoái và đưa sang Cơ quan cảnh sát điều tra để truy tố, xét xử. “Đây cũng là một bài học với ngành kiểm toán chúng tôi, cần phải tăng cường năng lực, tránh những rủi ro xảy ra” - ông Khái đánh giá.

Để minh chứng cho những nỗ lực của ngành mình, Phó Tổng KTNN thông tin, trong năm 2013, KTNN đã làm thủ tục chuyển 4 vụ việc chuyển cho Cơ quan CSĐT và 1 vụ việc cho cơ quan thanh tra NHNN để điều tra, thanh tra, xử lý. “Vụ việc chuyển sang Thanh tra NHNN để thanh tra liên quan tới dấu hiệu sai phạm trong nghiệp vụ bán ngoại tệ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đối với 3 ngân hàng khác.

Còn lại, trong số 4 vụ việc chuyển sang CQĐT (Bộ Công an) để điều tra, có vụ quản lý làm thất thoát vốn tại Công ty CP tài chính Sông Đà, vụ việc thất thoát vốn tại Tổng Công ty Thủy sản VN (Seaprodex), vụ cho vay một số dự án BĐS không thu hồi được do thực hiện sai quy định của Nhà nước, liên quan tới 2 chi nhánh của Agribank”- ông Khái cho biết.
Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem