Chuyện ở một cơ quan nào đó trong bộ máy hành chính của nước ta có thể để mất tài liệu, tôi nghĩ cũng có thể xảy ra bởi nói cho thật nghiêm túc, công tác văn thư lưu trữ của chúng ta mới đang từng bước số hóa, cũng chưa thật đảm bảo và an toàn tuyệt đối. Song, câu chuyện UBND TP.HCM chính thức nói rằng đã không tìm thấy bản đồ quy hoạch huyện Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 năm 1996 ở những đơn vị có liên quan thuộc thành phố thì quả là kỳ quặc.
Tôi dùng từ "kỳ quặc" là bởi sau đó, ngay tại nơi lưu trữ của Văn phòng Chính phủ (VPCP), nơi mà Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký phê duyệt nó cũng như Trung tâm lưu trữ Quốc gia rồi bộ Xây dựng cũng đồng loạt báo không thấy trong hồ sơ lưu trữ của mình theo chức năng (!?)
Từ hiện tượng không bình thường này đã cho thấy một mối quan ngại về sự nguy hại cho quốc gia nếu cái bị "mất tích", "thất lạc" là những gì đặc biệt quan trọng hơn thế nữa thì sao? (nhưng lại vẫn chưa phải là thứ cơ mật để được bảo quản nghiêm cẩn theo quy định lưu trữ khác).
Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm (Ảnh: IT)
Hồi năm 2016- 2017, hẳn nhiều người còn nhớ vụ lình xình trong khâu bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC), nguyên Vụ trưởng, thường trực Ban đổi mới doanh nghiệp bộ Công Thương được tổ chức đưa vào "nguồn thứ trưởng" bộ này trong tương lai. Ông Thanh được một số vị ở Bộ Công Thương, Ban Tổ chức Trung ương, bộ Nội vụ và cả địa phương tiếp sức, xác nhận một hồ sơ đẹp như mơ rồi đưa xuống làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Thế nhưng, khi truy xét quy trình quy hoạch bổ nhiệm thì đã phát hiện "có gì sai sai" về mặt quy trình. Hoá ra cái" quy trình" để ra được quyết định bổ nhiệm này cho ông Trịnh Xuân Thanh lại đi theo "đường tiểu ngạch", không giống một loạt cán bộ nguồn thứ thiệt mà Đảng ta đã làm trước đó ít tháng.
Để quy trách nhiệm và sẽ kỷ luật những ai có liên quan trong vụ này, lúc đó chúng ta mới tá hoả ra việc bộ Nội vụ để thất lạc tài liệu hồ sơ nói trên. Cái sự mất này là vô tình hay hữu ý? Chắc chẳng ai tin được rằng nó là..."vô tình".
Hôm qua, nhà báo Hoàng Hải Vân, bạn đồng nghiệp của tôi ở báo Thanh niên năm nào đã gọi cho tôi và tỏ rõ bất bình: "Việc mất tấm bản đồ quy hoạch 1/5000 khu đô thị Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ở những nơi khác còn có thể hiểu, nhưng mất luôn cả cái bản lưu trữ tại chính VPCP thì quả là chuyện khó hiểu và quả là tày đình."
Chúng tôi cùng nhau trao đổi về một chuyện cũ từng cùng "dính đòn", nhưng qua đó càng chứng minh rằng sự chặt chẽ trong quản lý tài liệu tại VPCP đâu có thể nói chơi như vậy được. Nơi đây, không thể có chuyện con voi chui lọt lỗ kim!
Vào khoảng năm 2000, việc giảm nhẹ gánh nặng cho nông dân được dư luận rất quan tâm. Báo Thanh Niên chúng tôi có nhiều tin, bài tham gia với mong muốn được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Một hôm, anh Nguyễn Sỹ Hùng, chuyên viên báo chí của Vụ Thông tin báo chí, VPCP gửi qua tôi cho anh Hoàng Hải Vân một bản kiến nghị của VPCP trình Thủ tướng, đề nghị miễn giảm thuế nông nghiệp cho nông dân. Anh Hoàng Hải Vân đã viết ngay một bản tin đăng trên Thanh Niên vào ngày hôm sau.
Sáng hôm đó, Thủ tướng Phan Văn Khải trên đường đến cơ quan. Ông ngồi xe và nghe sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam họ đọc bản tin này dẫn nguồn từ báo Thanh niên. Thủ tướng rất không hài lòng vì bản kiến nghị vừa gửi đến ông mà ông thì chưa đọc, vậy mà báo chí đã đưa tin. Lập tức, VPCP tiến hành điều tra xem ai đã cung cấp văn bản này cho báo chí.
Ông Nguyễn Công Sự, ngày đó là Phó Chủ nhiệm VPCP đã xuống tòa soạn báo Thanh Niên ở Hà Nội gặp tôi, khi đó là phó Tổng biên tập và anh Hoàng Hải Vân khi đó là phó Tổng thư ký toà soạn. Do anh Hùng đã báo trước có chuyện không lành và anh đang gặp rắc rối, tôi và anh Hoàng Hải Vân đã thống nhất sẽ bảo vệ nguồn tin, tức là bảo vệ anh Hùng đến cùng. Ông Nguyễn Công Sự động viên chúng tôi nên thành thật cung cấp. Ông bảo: Báo Thanh Niên không có sai gì khi đăng bản tin này. Thủ tướng không phải không ủng hộ nông dân. Chỉ do đăng sớm quá nên muốn các đồng chí nói cho biết ai đã cung cấp văn bản để VPCP rút kinh nghiệm nội bộ thôi.
Động viên chúng tôi không xong, ông "doạ" nửa đùa nửa thực: Nếu không được báo giúp, chúng tôi sẽ mời an ninh nội bộ nhập cuộc. Khi đó sẽ phức tạp tình hình ra và người liên đới cũng rất mệt...
Và rồi anh Sỹ Hùng vẫn không thoát nạn. VPCP đã yêu cầu từng cán bộ, nhân viên có liên quan tường trình. Do văn bản gửi Thủ tướng đồng thời còn gửi hơn chục vụ chức năng trong Văn phòng nên người ta đã dùng nghiệp vụ để soi nơi nào đã photocopy văn bản đó khớp y trang bản dấu đỏ với chữ ký (thường thì con dấu đóng lên chữ ký sẽ không thể khớp nhau 100% được). Cuối cùng, họ phát hiện nó đã được photocopy tại văn bản gửi Vụ Thông tin báo chí. Họ khoanh đối tượng lại chỉ còn 6 người là có thể có liên quan và làm được chuyện này, trong đó có anh Sỹ Hùng.
Lúc ấy anh Sỹ Hùng đã chủ động tự nhận mà không hề nói cho chúng tôi biết trước. Tôi thì cũng đã bàn trong Ban biên tập đến cả phương án xấu nhất xảy ra, nếu như anh Hùng mà bị mất việc thì báo sẽ chấp nhận để anh ấy về báo làm việc nếu không thì cũng rất ân hận.
Anh Sỹ Hùng giải thích rằng nếu không tự nhận thì sẽ gây rắc rối phiền hà nghi kỵ cho các đồng nghiệp của anh. Anh đã bị kỷ luật, chuyển xuống làm nhân viên trực lễ tân của cổng Trung tâm Hội nghị quốc tế (phố Lê Hồng Phong, Hà Nội) .
Cũng do Thủ tướng Phan Văn Khải đã tán thành bản kiến nghị đó, kết quả là Chính phủ đã giảm thuế nông nghiệp, cuối cùng thì miễn hẳn cho nông dân, nên anh Sỹ Hùng cũng dần “nhẹ tội”, chỉ bị khiển trách và chuyển khỏi vụ Thông tin báo chí. Thế nhưng, cũng phải đến dăm năm sau anh mới được khôi phục lại vị trí công tác. Ngồi trực ở cổng dăm năm, anh tranh thủ học hành và làm luôn luận án thạc sỹ, rồi nghe đâu làm luôn tiến sỹ báo chí, mà vẫn chưa được quay về chốn cũ để được làm đúng nghề của anh ...
Tôi nhắc chuyện cũ để thấy việc lưu trữ tài liệu ở VPCP nó chặt chẽ như vậy đó! Một văn bản dù chỉ là photocopy lại, bằng nghiệp vụ, họ vẫn có thể xác minh nguồn gốc từ đâu có được, huống hồ là mang bản gốc ra ngoài VPCP như chuyện bản đồ quy hoạch huyện Thủ Thiêm bị thất lạc ở tất cả mọi nơi mà nó lẽ ra phải lưu.
Nên chăng, trong công tác bảo quản hồ sơ lưu trữ tài liệu của các cơ quan nhà nước cần có những chế tài đặc biệt để sau này, khi xảy ra chuyện còn quy trách nhiệm nếu để mất, hoặc do sơ xuất, hoặc do cố tình thủ tiêu hoặc được ai đó chỉ đạo, ai đó nhờ vả rút khỏi hồ sơ lưu trữ.
Chuyện người dân Thủ Thiêm có người dân còn lưu giữ được cả bản quy hoạch có dấu đỏ xác nhận ở phía dưới bản đồ đã cho thấy quá nhiều chuyện phải chỉnh đốn lại. Quyền lợi của người dân khi họ bị thu hồi đất chắc chắn rằng nó thiết thực đến thế nào cho nên họ đã giữ gìn nó cũng vô cùng cẩn thận. Rõ ràng, với những ai có ý đồ tiêu cực trong vụ việc này, dù bàn tay họ có to mấy cũng không che được cả bầu trời!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.