Tạm trữ tới mức tối đa
Phương án đề xuất của Vicofa đưa ra sẽ là, Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp để thu mua tạm trữ tối thiểu 300.000 tấn cà phê ngay từ đầu vụ, tuỳ tình hình thực tế, sản lượng sẽ mua đến mức tối đa, đảm bảo không để giá cà phê xuống thấp.
Ông Lương Văn Tự- Chủ tịch Vicofa cho biết: "Rút kinh nghiệm lần trước, lần này chúng tôi đã đi đến thống nhất và quyết định coi thu mua tạm trữ cà phê là việc cần thực hiện ngay từ đầu vụ để điều tiết thị trường. Bởi đặc thù của ngành cà phê là thu hoạch một vài tháng, tiêu thụ cả năm, nên không thể cứ đợi đến khi cà phê xuống giá, bị ế hàng mới mua".
Theo Vicofa, tại thời điểm này do nước ta chưa bước vào thu hoạch cà phê, nên giá cà phê đang tăng và duy trì ở mức cao. Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đang ở mức 29.900-30.000 đồng/kg, còn giá FOB (sàn TP. HCM) tăng 65 USD/tấn, đứng ở mức 1.615 USD/tấn với mức trừ lùi là 100 USD.
Ông Nguyễn Văn An- Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Hoà cho rằng: "Phương án tạm trữ ngay từ đầu vụ là hoàn toàn hợp lý, nhưng việc mua tạm trữ cần phụ thuộc vào giá cả, nếu giá đang ở mức cao như hiện nay, bà con nông dân đã có lãi trên 30%, thì cứ để cho người dân bán, không cần thiết phải mua tạm trữ".
Hiện tại, các doanh nghiệp cũng như Vicofa đang kiến nghị Chính phủ cho thực hiện điều 6 của Quyết định 481 về tiếp tục triển khai thu mua tạm trữ cà phê chủ động. Theo ông An: "Để thực hiện được chủ trương này, cần hình thành một Ban điều phối quốc gia cà phê, đồng thời cần xây dựng Quy chế về tạm trữ, kinh doanh cà phê…
Làm được vậy mới tránh được mâu thuẫn giữa nội bộ các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước với nhau, mặt khác để tránh tình trạng bà con nông dân bán ồ ạt cà phê ngay từ đầu vụ".
Sớm trình Thủ tướng quyết định
Về cơ bản, các bộ, ngành đã đồng ý với đề xuất mua tạm trữ từ đầu vụ và đã giao cho Bộ NN&PTNT xây dựng dự thảo tờ trình để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam
Theo nguồn tin của NTNN, hiện dự thảo tờ trình về chủ trương thu mua tạm trữ cà phê đã được hoàn thành đang chờ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chính thức đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ.
Một điểm mới trong chủ trương tạm trữ cà phê năm nay, theo ông Lương Văn Tự: "Các doanh nghiệp tham gia thu mua tạm trữ cà phê sẽ phải chứng minh được năng lực của mình như về tài chính, kho trữ… mới được chọn, tránh tình trạng như lần trước, nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực nhưng vẫn được tham gia thu mua tạm trữ".
Dự báo của Bộ NN&PTNT cho biết, nhiều khả năng sản lượng cà phê cả nước (chủ yếu tập trung ở Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai) sẽ chỉ tăng nhẹ so với niên vụ trước, dao động quanh ngưỡng 980.000-1.000.000 tấn.
Ông Phan Huy Thông- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Năm nay, do cà phê ra hoa vào đúng thời điểm hạn hán, nên đã ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển. Ngoài ra, do ảnh hưởng của giá cà phê xuống thấp hồi đầu năm, người nông dân đã không đầu tư kịp thời dẫn đến năng suất không tăng.
Tuy nhiên, con số chính thức phải đợi đến hết tháng 10 khi các địa phương gửi thống kê lên mới biết chính xác". Về chủ trương thu mua tạm trữ, ông Thông cho rằng: "Nếu mình không dự trữ, các đại gia khác họ cũng sẽ thu mua tạm trữ, khi đó chúng ta sẽ không có được sự chủ động trong việc điều tiết thị trường. Cho nên, chủ trương tạm trữ là hết sức cần thiết".
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.