Đây là một trong các giải pháp "giải nguy" cho thị trường BĐS trước những ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 đã được Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thống nhất với các chuyên gia mới đây.
Dự báo thị trường bất động sản năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn và tiếp tục suy giảm so với những năm trước
Cảnh báo dư thừa nhà ở cao cấp
Tại Báo cáo của Bộ Xây dựng về số liệu tổng quan về thị trường bất động sản năm 2019 và các tháng đầu năm 2020 đã chỉ rõ về thực trạng thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo Bộ Xây dựng, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục từ 2014 đến 2018, thị trường bất động sản năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm thể hiện qua một số chỉ tiêu.
Cụ thể, lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018, nguồn cung dự án bất động sản giảm 10% so với năm 2018.
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2019, các chỉ tiêu của thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước với lượng giao dịch bất động sản giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ 2018.
Nguyên nhân được Bộ Xây dựng cho biết là do ảnh hưởng của tốc độ phát triển kinh tế vĩ mô, ách tắc trong việc cấp phép mới dự án, tín dụng bất động sản bị siết chặt và sự suy giảm của các ngành dịch vụ - du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020.
“Dự báo thị trường bất động sản năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn và tiếp tục suy giảm so với những năm trước đây, cả về lượng giao dịch lẫn nguồn cung sản phẩm” - Bộ Xây dựng nhận định.
Đáng lưu ý, Bộ Xây dựng cảnh báo tình trạng nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.
Phát triển nhà ở xã hội… kích thích thị trường
Đề xuất giải pháp, Bộ Xây dựng cho biết, các địa phương cần tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định việc cho giãn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc thu hồi dự án.
Tập trung trọng tâm phát triển NƠXH là giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn do tác động tiêu cực từ Covid-19
Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản Nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.
Theo đề nghị của Bộ Xây dựng, các chuyên gia đã tập trung đánh giá khái quát thị trường bất động sản và có những so sánh giai đoạn trước đây và hiện nay; đồng thời đưa ra những nhận định mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đề xuất những giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn trước mắt và về lâu dài.
Các chuyên gia đều đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng khi đưa ra các giải pháp về thể chế, tài khóa và tín dụng đối với phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, đặc biệt là tập trung trọng tâm phát triển nhà ở xã hội - coi đây là giải pháp tạo đà, “kích thích” sự phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn này.
Trước mắt, Bộ Xây dựng cần phối hợp đánh giá kỹ lưỡng tình hình ở 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP. HCM, rà soát việc triển khai các dự án nhà ở, bất động sản lớn ở hai địa phương này bởi đây là thị trường lớn nhất…
Các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Xây dựng sớm đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như: Xem xét cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất; hỗ trợ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay;…
Được biết, hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát thì về cơ bản thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian qua đã có bước phát triển tương đối ổn định. Về cơ chế chính sách pháp luật đã cơ bản hoàn thiện, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngày càng được nâng cao, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; số lượng dự án ngày càng nhiều, quy mô dự án lớn tăng cao, sản phẩm bất động sản ngày càng đa dạng phong phú.
Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới… với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành ngày càng nhiều làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phẩn bảo đảm an sinh xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.