Cụ thể, những mặt hàng quả tươi chủ lực như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn đã được hầu hết các thị trường khó tính và có giá trị cao nhất như Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc… cho phép nhập khẩu.
Kết quả này cũng đã góp phần tạo ra tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu rau quả hơn 40% hàng năm với giá trị kim ngạch từ khoảng 1 tỷ USD năm 2013 lên 3,8 tỷ USD trong năm 2018. Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng tăng.
Riêng thị trường Trung Quốc vốn được coi là thị trường dễ tính ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật. Do vậy yêu cầu nhập khẩu vào nước này sẽ ngày càng khắt khe hơn và xuất khẩu theo hình thức biên mậu sẽ bị hạn chế dần. Tình trạng này sẽ làm tăng giá thành sản phẩm và nguy cơ đánh mất thị trường nếu không tuân thủ theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Trong năm 2018 vừa qua, đã có 11.027,44 tấn quả tươi phải áp dụng giải pháp xử lý hơi nước nóng và xử lý chiếu xạ trước khi xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc.
Nông dân tỉnh Bến Tre trồng bưởi xuất khẩu. (ảnh: Huỳnh Xây)
Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, ngoài vấn đề trên, việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Cụ thể, hiện chưa có nguồn kinh phí phục vụ điều tra thu thập số liệu để xây dựng hồ sơ kỹ thuật theo yêu cầu của nước nhập khẩu, cũng như kinh phí bố trí cho đón tiếp các đoàn chuyên gia về kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu vào kiểm tra thực tế cơ sở trồng trọt, sơ chế, đóng gói và xử lý kiểm dịch thực vật.
Dịch vụ vận tải quốc tế từ Việt Nam đến một số khu vực như Nam Mỹ, châu Phi hiện vẫn chưa thuận lợi, thường phải qua trung chuyển. Giá cước vận chuyển hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn cao và nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ giá cước như một số nước áp dụng dẫn đến chi phí xuất khẩu cao là một yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu…
Còn về an toàn thực phẩm (ATTP), quy định quốc tế về thuốc BVTV trên nông sản hiện nay tương đối phức tạp. Ủy ban Codex thiết lập các tiêu chuẩn về ATTP chung nhưng Mỹ, EU và nhiều nước khác lại xây dựng cho mình những quy định rất cao về ATTP.
Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật đề xuất và kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương rà soát, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, vùng xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng. Tại các vùng này sẽ sản xuất theo quy trình/tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, xác định thị trường xuất khẩu để xây dựng quy trình và tuân thủ nghiêm ngặt theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Chỉ đạo, tổ chức liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với nông dân để cùng tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu và đảm bảo lợi ích của các bên liên quan.
Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan liên quan thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, tăng cường thanh kiểm tra việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là các thuốc không được phép sử dụng trên cây ăn quả; phối hợp các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các vùng trồng và các đại lý thu gom, các siêu thị để tăng giá trị của chuỗi cung ứng…
Sản xuất an toàn tăng sức cạnh tranh
“Việc sản xuất cây ăn trái không đảm bảo an toàn luôn đi song hành với việc không bền vững, làm giảm khả năng tiếp cận thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, vấn đề này phải được người dân lưu ý, thay đổi cách sản xuất theo hướng an toàn. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay mà ngành sản xuất cây ăn quả ở ĐBSCL đang phải đối mặt đó là sự tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Về việc này, Viện Cây ăn quả miền Nam đã nghiên cứu các giống mới có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất, cho giá trị cao”.
Bà Trần Thị Oanh Yến - Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam.
Doanh nghiệp kết hợp nông dân tiêu thụ trái cây
“Người dân trồng cây ăn trái vẫn còn nghèo nên các cơ quan chuyên môn đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu cốt lõi là phải thương mại hóa sản phẩm. Nếu muốn thương mại thì phải chấp nhận thị hiếu của thị trường. Thay vì trồng trước rồi mời gọi doanh nghiệp vào bao tiêu nhưng không phải vậy, chúng ta phải kết hợp với doanh nghiệp làm từ đầu vụ, làm ra sản phẩm sạch theo một quy trình khép kín. Tuy nhiên, doanh nghiệp đó phải có đủ năng lực, kinh nghiệm trong kinh doanh và người dân khi hợp tác phải giữ uy tín, trồng và bán theo hợp đồng đã ký trước đó. Thực tế, thời gian qua, công ty kết hợp với nông dân rất thành công và chúng tôi hiện không đủ hàng để bán chứ không phải là không bán được hàng”.
Ông Nguyễn Hoàng Cung - Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên (Cần Thơ).
Phát triển hội quán xoài
“Tại Đồng Tháp, xoài là 1 trong 5 ngành hàng được chọn để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Từ đó, tỉnh đã thành lập được 4 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác sản xuất xoài liên kết cung cấp cho nhiều công ty để sản xuất xoài theo chuỗi giá trị. Hiện nay, ngoài xoài trái tươi loại 1 xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, New Zealand…, một số công ty còn thu mua xoài loại 2 chế biến dạng gọt đông lạnh và loại 3 để sấy dẻo. Như vậy, nếu sắp xếp liên kết tốt, nhà vườn đều bán được tất cả các loại xoài trong vườn cho các công ty thu mua. Một hình thức liên kết khác ở Đồng Tháp dưới dạng hội quán, trong số 84 hội quán được thành lập ở Đồng Tháp, có 21 hội quán xoài”.
Ông Nguyễn Phước Tuyên - Giám đốc Công ty An Điền (Đồng Tháp).
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.