Trái cây ngoại tấn công
3 nhà trồng nho lớn từ Sunraysia - vùng trồng nho cung cấp đến 99% sản lượng nho xuất khẩu, đại diện cho Hiệp hội Nho tươi Australia cùng với phái đoàn từ Cơ quan Thương mại Australia (Austrade), đã có mặt tại Hà Nội và TP.HCM từ ngày 28.2 đến ngày 1.3.2019 để quảng bá sản phẩm trái cây cao cấp.
Trái cây Việt đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt. Ảnh: Tư liệu
Việt Nam hiện là nhà nhập khẩu nho tươi lớn thứ 7 của Australia. Bà Dianne Phan - Giám đốc Thương mại của Hort Innovation cho biết, Việt Nam là thị trường xuất khẩu quan trọng của Australia và ngành nho tươi Australia đã, đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và quảng bá sản phẩm nho tươi tới người tiêu dùng Việt Nam.
Cũng theo bà Dianne Phan, trong vòng 4 năm qua, xuất khẩu nho tươi của Australia đã tăng trưởng 73%, cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm chất lượng và cao cấp.
Mới đây, trong lễ công bố trái xoài Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đại diện Cục Kiểm dịch động thực vật (Bộ Nông nghiệp Mỹ) cho hay, trái việt quất của Mỹ sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam trong thời gian không xa. Trước đó, đại diện Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đề nghị Việt Nam xem xét nhập khẩu các loại trái cây có múi khác của Mỹ. Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) thông tin, đây là các loại quả phía Mỹ rất muốn xuất khẩu sang thị trường Việt Nam.
Thực tế cho thấy, gần đây những loại hoa quả nhập khẩu như táo Mỹ, cherry, dưa lê Hàn Quốc... dù có mức giá đắt đỏ nhưng vẫn được người tiêu dùng Việt ưa chuộng và lựa chọn sử dụng hơn là những loại hoa quả trong nước.
Xuất khẩu cạnh tranh gay gắt
Sau hơn 10 năm đàm phán, ngày 18.2.2019, đại diện Cục Kiểm dịch thực động vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (APHIS) đã trao giấy thông hành xuất khẩu trái xoài của Việt Nam vào Mỹ. Để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong đó có quả xoài có thêm thông tin về thị trường xoài Mỹ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco tiến hành tổng hợp một số thông tin liên quan. Theo đánh giá, dù có nhiều cơ hội nhưng quả xoài Việt cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt.
Tại Mỹ, nhu cầu trái cây nhiệt đới, bao gồm cả quả xoài đã tăng lên trong vài thập kỷ qua, nếu như năm 2005, Mỹ tiêu thụ ít hơn nửa kg xoài/người/năm thì đến năm 2016, con số này đã tăng lên gần 1,3kg/người/năm.
Mỹ là nước nhập khẩu xoài lớn nhất thế giới. Tổng lượng nhập khẩu xoài của Mỹ (theo APHIS) vào khoảng hơn 400.000 tấn/năm. Phần lớn xoài được bán tại Mỹ nhập khẩu từ 6 nước: Mexico, Peru, Guatemala, Brazil, Haiti, Ecuado. Thời điểm nhập khẩu cao điểm là tháng 4, 5, 6, 7, trung bình mỗi tháng chiếm gần 12% tổng lượng nhập khẩu xoài trong cả năm.
Theo đánh giá của Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, quả xoài Việt Nam hiện nay tuy giá thành xuất khẩu khá cao nhưng nói chung sẽ có khả năng cạnh tranh nhất định so với xoài các nước do có chất lượng ngon, tỷ lệ ngọt cao. Tuy nhiên, thị trường Mỹ lại rất đặc biệt, bởi đây là thị trường có ảnh hưởng rất lớn từ nguồn trái cây tại Mexico - đất nước có sản lượng xoài lớn nhất khu vực châu Mỹ, với tiêu chuẩn chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm thì cần chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Mỹ, đặc biệt là tại các khu vực có cộng đồng người Á châu và Mỹ La tinh một cách mạnh mẽ. Đồng thời, cũng truyền tải các thông điệp theo đó khuyến khích người tiêu dùng tăng cường tiêu thụ xoài, trong đó cần nhấn mạnh hương thơm độc đáo của trái xoài, các giá trị dinh dưỡng và lợi ích về sức khoẻ mà xoài mang lại, song song với đó hướng dẫn cách sử dụng, chế biến quả xoài.
Hy vọng, từ kinh nghiệm xuất khẩu quả xoài sang các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc…, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công trong việc xuất khẩu xoài sang Mỹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.