Siết nhập khẩu rau, củ, quả

Chủ nhật, ngày 10/07/2011 07:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lần đầu tiên, Bộ NNPTNT thực hiện chính sách truy xuất nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ nước ngoài, bắt đầu từ 1.7, nhằm kiên quyết cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp không đăng ký xuất xứ với nước ta.
Bình luận 0

Lo nhất là hàng Trung Quốc

Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, sau thời điểm 1.7, việc nhập khẩu rau, quả từ Trung Quốc (TQ) vẫn không có biến động lớn. Thậm chí, theo ghi nhận, trong những ngày gần đây, lượng nhập khẩu trái cây, quả từ TQ sang nước ta đã giảm rõ rệt, một phần do vụ thu hoạch của nước này chưa tới, một phần do các doanh nghiệp TQ còn đang nghe ngóng tình hình, chưa dám đưa lượng hàng hoá lớn sang nước ta, sợ bị ùn ứ do nước này vẫn chưa thực hiện đăng ký xuất xứ hàng hoá nhập khẩu với Việt Nam.

img
Các loạt rau quả không đăng ký nguồn gốc truy xuất sẽ không được nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Tuân - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 8: “Điều lo ngại nhất là lượng hàng hoá được nhập khẩu vào do cư dân biên giới thực hiện. Đây là những loại hàng hoá chúng ta không thể kiểm soát được chất lượng như hàng chính ngạch”.

Tại Lạng Sơn, theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng khu vực cửa khẩu Tân Thanh, mỗi ngày có từ 15-20 xe, ngày cao điểm có từ 80-100 xe hoa quả nhập khẩu từ TQ vào thị trường nội địa nước ta. Tuy nhiên, theo ghi nhận việc kiểm dịch an toàn thực phẩm (ATTP) do thiếu nhân lực nên quy trình lấy mẫu kiểm tra phức tạp hơn.

Bà Nguyễn Thị Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 7 cho biết: “Hiện chúng tôi đang tập trung tiến hành tập huấn cho cán bộ các trạm kiểm dịch về quy trình lấy mẫu, bảo quản và sẽ gửi mẫu về phân tích tại Cục Bảo vệ thực vật”.

Theo thống kê, TQ là nước xuất khẩu nhiều loại rau, củ, quả tươi vào nước ta nhất, chủ yếu qua các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái với số lượng hàng nghìn tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, chính nước này lại chưa chịu thực hiện đăng ký với Việt Nam về kiểm tra ATTP thực vật nhập khẩu.

Ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản (Bộ NNPTNT) cho biết: “Kể từ cuối tháng 4, chúng tôi đã thông báo cho Đại sứ quán TQ tại Việt Nam về việc, từ 1.7, chúng ta sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra trên, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi. Có thể họ đang vướng lý do gì đó, nhưng nếu họ cố tình không thực hiện, tất nhiên chúng tôi sẽ thực hiện theo quy định là cấm nhập khẩu đối với các loại hàng hoá chưa có đăng ký”.

Theo ông Tiệp, những yêu cầu về kiểm dịch giữa Việt Nam và TQ là yêu cầu tối thiểu, tương đương cần phải thực hiện. Chúng ta chỉ yêu cầu họ ghi xuất xứ hàng hoá trên bao bì xem sản phẩm được sản xuất tại đâu, thời gian thu hoạch… để có thể kiểm soát chất lượng sau này. Đó là những yêu cầu rất đơn giản và hoàn toàn có thể thực hiện được.

Sẽ gia hạn kiểm tra

Tính đến thời điểm đầu tháng 7, mới có 4 nước là Mỹ, Australia, Thái Lan và Canada thực hiện việc đăng ký kiểm tra ATTP thực vật nhập khẩu vào Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết: “Chúng tôi đã gửi thông báo đến tất cả các nước xuất khẩu thực vật vào Việt Nam và sẽ kiên quyết thực hiện theo đúng quy định kiểm dịch đã được ban hành, đối với sản phẩm của các nước chưa có đăng ký, chúng tôi sẽ cho dừng tất cả tại các cửa khẩu”.

Mặc dù mới triển khai thực hiện truy xuất, nhưng Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) là đơn vị đầu tiên đã có công văn (ngày 5.7) gửi Bộ NNPTNT xin gia hạn áp dụng các quy định mới về kiểm tra ATTP hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu. Mặt hàng xin gia hạn là hạt điều, tươi hoặc khô, đã hoặc chưa bóc vỏ hoặc lột vỏ.

Hiện tại cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc có cho phép gia hạn việc kiểm tra này hay không. Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết: “Chúng tôi sẽ không gia hạn cho tất cả các nước, mà sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để quyết định việc có gia hạn kiểm tra hay không. Lý do gia hạn cũng phải chính đáng, như trường hợp của Nhật Bản do họ bị động đất chẳng hạn hoặc có thể do doanh nghiệp, nhà vườn một số nước đó chậm đăng ký với nước họ… Nếu xét thấy có lý do cụ thể, chúng tôi sẽ cho phép gia hạn kiểm tra, nhưng cũng phải có lộ trình và thời hạn để họ thực hiện, chứ không phải gia hạn vô thời hạn”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Luật phải nghiêm minh, các nước khác cũng có nghĩa vụ phải thực hiện quy định của Việt Nam. Nếu nước nào không tuân thủ, kiên quyết không cho nhập vào nước ta. Chúng ta cũng phải thực hiện nghiêm quy định của các nước, phải tiến hành cho xông khói từng quả thanh long trước khi nhập khẩu vào Mỹ, phải để các đoàn kiểm tra của châu Âu đến từng nhà máy chế biến, ao nuôi thuỷ sản thanh kiểm tra, thì không có lý gì họ lại không thực hiện các quy định tương tự của Việt Nam”.

Ông Phát cho biết thêm: “Tới đây, chúng ta cũng sẽ phải cử các đoàn kiểm tra sang các nước xuất khẩu đến tận vườn của họ để kiểm tra, mục tiêu của chúng ta là phải đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng trong nước”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem