Siết quảng cáo từ Nghị định 38: Chuyên gia nói thẳng sự thật

Thế Anh Thứ tư, ngày 02/06/2021 16:17 PM (GMT+7)
Chuyên gia cho rằng, cần phải xem xét lại thời gian quảng cáo, để khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương thức quảng cáo trên báo chí, thay vì quảng cáo trên nền tảng điện tử khác.
Bình luận 0

1,5 giây là quá ngắn

Nghị định 38/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì, xây dựng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6, đang gây ra nhiều tranh cãi từ dư luận.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 38 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử như sau:

Không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định; Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây; Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài.

Như vậy, từ ngày 1/6/2021, nếu các báo điện tử và trang thông tin điện tử có hành vi bố trí, chèn quảng cáo vào nội dung tin, bài thì sẽ bị phạt tối đa lên đến 15.000.000 đồng.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP tác động rất lớn tới các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí tự chủ hoạt động bằng phát triển kinh tế báo chí lại rất quan ngại với một số quy định trong nghị định này. Doanh nghiệp sẽ từ bỏ phương thức trên báo chí nếu nội dung chỉ thể hiện trong khoảng 1,5 giây, và lựa chọn quảng cáo trên các nền tảng điện tử khác.

Siết quảng cáo từ Nghị định 38: Doanh nghiệp sẽ từ bỏ phương thức trên báo chí - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Đại biểu Quốc hội khóa XIII).

Đánh giá về quy định này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng: "Việc quảng cáo phải mang lại lợi ích cho người dân, để người dân khi xem quảng cáo hiểu hết được nội dung, tính hiệu quả của sản phẩm được quảng cáo".

"Việc khống chế tần suất, thời gian quảng cáo là cần thiết, tuy nhiên, nếu đã là quảng cáo thì nội dung cần phải đầy đủ để người dân hiểu. Nếu quảng cáo nhanh quá, người dân nghe "câu được câu chăng" thì lại hiểu sai nội dung quảng cáo, do đó, khi đã quảng cáo thì cần phải có khung thời gian đủ để người xem biết", PGS.TS Bùi Thị An cho hay.

PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh: "Thời gian 1,5 giây sẽ không thể quảng cáo được gì, đây là khoảng thời gian quá ngắn để người đọc báo điện tử nhận biết quảng cáo, vì vậy, cần phải xem xét lại thời gian quảng cáo. Để khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương thức quảng cáo trên báo chí chính thống, thay vì họ quảng cáo trên các nền tảng điện tử khác".

"Hiện nay, đại đa số các cơ quan báo chí đều phải tự chủ về kinh tế và quảng cáo cũng là một nguồn thu của báo chí. Do đó, cần nghiên cứu để khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn báo chí để quảng cáo. Từ đó, nhà nước cũng có thể nguồn thu từ thuế của quảng cáo này", PGS.TS Bùi Thị An cho biết.

Kinh tế báo chí gặp khó

Theo một số chuyên gia quảng cáo nhận định, thế giới đang hướng tới thời đại số 4.0 (kỷ nguyên số) sao các nhà làm luật lại "bóp nghẹt" sự phát triển số của các cơ quan báo chí và các nhà làm quảng cáo.

Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây là không khả thi vì thông thường, quảng cáo đặt tới 5 giây mới đủ để người xem nắm bắt thông điệp. Rút ngắn xuống còn 1,5 giây sẽ khiến các đơn vị quảng cáo không còn mặn mà với báo chí trong nước và chuyển sang các nền tảng xuyên biên giới như Facebook và Google, khi đó, chúng ta sẽ tự đánh mất đi cơ hội làm chủ nền tảng quảng cáo của mình.

Siết quảng cáo từ Nghị định 38: Doanh nghiệp sẽ từ bỏ phương thức trên báo chí - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Invest Corporation).

Bày tỏ quan điểm về nội dung của Nghị định 38/2021/NĐ-CP, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Invest Corporation) đánh giá, đối với những doanh nghiệp làm quảng cáo trực tuyến, thời lượng 1,5 giây là thiếu thực tế, quá ngắn để có thể truyền tải thông điệp.

Báo chí vốn là kênh uy tín để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Nội dung mới trong Nghị định 38 sẽ khiến việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ khó khăn hơn. Đến nay, quảng cáo vẫn là nguồn thu gần như duy nhất đối với hầu hết cơ quan báo chí, để báo chí có thể tiếp tục miễn phí cho bạn đọc.

Ông Vinh cho rằng, các nhà quảng cáo sẵn lòng bỏ tiền vào nơi họ tin rằng có lượng bạn đọc nhất định thuộc phân khúc họ muốn tiếp cận. Họ sẽ trả tiền cao hơn nữa, nếu được đảm bảo xuất hiện ở trang báo có nội dung quan trọng, hấp dẫn mà bạn đọc của họ không bao giờ bỏ qua.

Tuy nhiên, Nghị định 38 có hiệu lực thì các hành vi tưởng như hiển nhiên này sẽ bị coi là vi phạm luật Quảng cáo và sẽ bị phạt rất nặng. Trên báo in, quảng cáo không được phép xuất hiện ở trang nội dung, đồng thời quảng cáo theo ngữ cảnh trên báo điện tử bị cấm.

Ông Vinh cho rằng: "Đối với kinh tế báo chí thì đây sẽ là bước lùi trong tiến trình đổi mới, sáng tạo truyền thông theo xu hướng chung của thế giới".

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lên tiếng

Lý giải về các nội dung trong Nghị định 38, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, Luật Quảng cáo đã có các quy định cụ thể, riêng biệt với từng loại hình báo chí nhất định, phù hợp với tính chất, chức năng, đặc điểm của mỗi loại hình, đặc biệt là quy định về nội dung, diện tích, thời lượng, tỷ lệ quảng cáo.

Tại, Khoản 1 Điều 22 Luật Quảng cáo quy định: Đối với báo in, diện tích quảng cáo không được vượt quá 15/% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu quảng cáo với các nội dung khác.

Đối với báo nói, báo hình, Điều 22 Luật Quảng cáo cũng có các quy định: Thời lượng quảng cáo không vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo; quy định về các chương trình không được phát sóng quảng cáo; quy định về số lần ngắt, thời gian quảng cáo trong chương trình phim truyện, vui chơi giải trí, quy định về vị trí, diện tích quảng cáo bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động sát phía dưới màn hình.

Đối với báo điện tử, Khoản 1 Điều 23 Luật Quảng cáo quy định: "1. Quảng cáo trên báo điện tử phải tuân theo các quy định sau: a) Không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin; b) Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây".

Căn cứ các quy định trên, báo điện tử được bố trí phần quảng cáo ở khu vực cố định, riêng biệt, không lẫn vào nội dung tin bài. Đối với phần quảng cáo này không có quy định hạn chế về thời lượng quảng cáo cũng như không phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định thì phải thiết kế để độc giả hiểu có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây.

Siết quảng cáo từ Nghị định 38: Doanh nghiệp sẽ từ bỏ phương thức trên báo chí - Ảnh 4.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, việc xử lý hành vi vi phạm quy định về quảng cáo không ở vùng cố định này đã được quy định từ năm 2013 tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP chứ không phải đến khi Nghị định 38/2021/NĐ-CP ban hành mới được quy định.

Tại Khoản 3 Điều 55 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định: "3. Phạt tiền từ 10.000.000- 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định; Thời gian chờ tắt quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây

Khoản 2 Điều 38 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định: "2. Phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định: Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây;Thiết kế bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài".

Do đó, việc xử lý trên tại 2 Nghị định là giống hệt nhau, không có sự thay đổi. Về đối tượng và mức xử phạt đều phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Quá trình soạn thảo, có ý kiến cho rằng nếu thực hiện Nghị định 38 về việc quy định thời tắt mở của quảng cáo không ở vùng cố định của báo điện tử là 1,5 giây là giảm doanh thu quảng cáo, ảnh hưởng đến sự phát triển của báo điện tử?

Các loại hình báo chí đều có vùng cố định quảng cáo

Theo bộ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Các loại hình báo chí đề có quy định về những vùng cố định dành riêng cho quảng cáo, nhưng quy định về quảng cáo không ở vùng cố định thì báo hình, báo in không có. Vì vậy việc quy định đối với bảo điện tử hiện nay là vẫn được quảng cáo không ở vùng cố định nhưng phải đảo bảo thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo.

Như vậy, quy định này không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử, mà chỉ cần đáp ứng có hai yêu cầu của người xem: một là có phím để tắt (mở) ; Hai là nếu có thao tác tắt hoặc mở thì phải đáp ứng ngay trong thời gian 1,5 giây, tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, lại không thể xem đầy đủ, liên tục thông tin mà họ muốn tiếp nhận.

Quy định trên đã có trong Luật Quảng cáo, vì vậy các báo điện tử đã phải thực hiện quy định đó trong thời gian gần 10 năm. Hành vi, mức xử phạt cũng được quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP trong suốt thời gian này, vì vậy thực hiện Nghị định số 38/2021 không có tác động đến doanh thu của báo điện tử.

Trước nhiều ý kiến cho rằng các quy định quảng cáo đối với mạng xã hội, trang thông tin điện tử xuyên biên giới quy định đơn giản và thuận lợi hơn so với báo điện tử, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Thông tin-Truyền thông nghiên cứu, tiếp thu và tổng hợp trong quá trình tổng kết tiến tới sửa đổi, bổ sung các nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí tại Luật Quảng cáo.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội. Là cơ quan ngôn luận Đảng, Nhà nước , các tổ chức chính trị - xã hội– nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân theo quy định tại Luật Báo chí.

Với vai trò quan trọng như vậy, việc có các quy định riêng về quảng cáo đối với loại hình báo chí là cần thiết, đúng theo chức năng, cơ cấu, tôn chỉ, mục đích hoạt động của cơ quan báo chí.

"Các mạng xã hội, youtube… không phải là cơ quan báo chí, tiêu chí hoạt động cũng như đối tượng tham gia, tương tác cũng khác, hoạt động của các trang mạng xã hội còn chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Vì vậy, việc quy định và áp dụng đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội không giống như cơ quan báo chí, những vẫn phải nhằm mục tiêu đảm bảo sự trung thực, chính xác của thông tin, bảo vệ quyền lợi cho người tiếp nhận, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo quy địn của Luật Quảng cáo", Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem