Siết tín dụng ngoại tệ: Gửi, vay đều tìm cửa lách

Thứ tư, ngày 20/04/2016 16:34 PM (GMT+7)
Những “liều thuốc đặc trị” nhằm hạn chế tình trạng đô la hoá đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ cả người dân, doanh nghiệp và ngân hàng đều tìm cửa lách.
Bình luận 0

img

Hạ lãi suất tiền gửi USD về 0% nhằm hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, “khép cửa” doanh nghiệp mua USD rồi bán đi hưởng chênh lệch lãi suất VND… Những “liều thuốc đặc trị” nhằm hạn chế tình trạng đô la hoá đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ cả người dân, doanh nghiệp và ngân hàng đều tìm cửa lách.

Đề nghị sửa Thông tư 24

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiến nghị xem xét, sửa đổi Thông tư 24 để doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản có thêm cơ hội vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ.

Theo VASEP, với quy định của NHNN, kể từ tháng 4/2016, DN xuất khẩu mang lại ngoại tệ nhưng không còn được vay ngoại tệ với lãi suất 2-2,5%/năm mà quay trở lại chủ yếu vay vốn bằng VND với lãi suất cao hơn 6 -6,5%/năm.“Điều này không chỉ làm giảm đi sức cạnh tranh của các DN mà đồng thời tạo khoảng cách xa hơn trong lợi thế cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, khi họ có được các khoản vay hoặc nguồn vốn bằng ngoại tệ”, công văn VASEP nêu rõ.

Thực tế trong Quý 1/2016 cho thấy, xu hướng tỷ giá đã ổn định dần, VASEP đã nêu ý kiến của cộng đồng DN thủy sản kiến nghị NHNN xem xét sửa đổi Thông tư 24 để các DN xuất khẩu nói chung và DN xuất khẩu thủy sản nói riêng có cơ hội vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

Trong một diễn biến khác, 4 tháng kể từ ngày lãi suất USD về 0%, nhưng với nhiều người, cầm USD trong tay được xem như biện pháp nắm giữ tài sản an toàn chả kém gì vàng, hay bất động sản. Tại một phòng giao dịch của Vietcombank (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), phóng viên gặp nữ khách hàng tên Hạnh vừa mang ngoại tệ đến gửi và làm hai sổ không kỳ hạn gồm: 7.000 Euro và 10.000 USD.

Chị Hạnh cho hay, cuối tháng 12 khi sổ tiết kiệm ngoại tệ hết hạn, ra ngân hàng đáo hạn, thấy nhân viên báo lãi tiết kiệm USD giờ chỉ 0%, chị  Hạnh bèn rút hết mang về. “Khi đó tôi thấy vô lý vì làm gì có kiểu lãi suất tiền gửi bằng 0% nên lập tức rút ra mang về cất; nhưng để tiền mặt trong nhà ít lâu cũng lo, nên nay tôi đành đem gửi lại coi như nhờ ngân hàng  giữ hộ”, chị Hạnh nói.

Tương tự,  anh Phạm (nhà khu Hoàng Mai) vừa bán được một căn hộ chung cư, quyết định đi một vòng xem lãi suất các nhà băng ra sao. Sau khi tính toán chi tiết với hơn 2 tỷ gửi ngân hàng kỳ hạn 6 tháng,  anh Phạm thấy ít nhất cũng thu lãi ngót 7 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, anh vẫn lo tỷ giá VND/USD nhỡ không may mà điều chỉnh 3-5% như thiên hạ vẫn đồn thổi. Cuối cùng anh Phạm quyết định  “gửi trứng vào nhiều giỏ”. Anh giữ lại một phần ba số tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng; số còn lại mua hết ngoại tệ. Bất ngờ khi anh được cô nhân viên ngân hàng tư vấn: Nếu gửi USD kèm tiền đồng sẽ ưu tiên cộng thêm lãi suất 0,5% vào sổ tiền đồng.

“Chúng em phải làm thế này để còn giữ chân khách hàng gửi ngoại tệ vì ngân hàng cũng cần USD”, anh Phạm dẫn  lời cô nhân viên tư vấn.

Tranh thủ mượn vốn giá rẻ?

Theo số liệu của NHNN, tại thời điểm 10/3, huy động vốn ngoại tệ bình quân hệ thống ngân hàng giảm 3,5% so với thời điểm 31/12/2015. Điều này chứng tỏ tỷ lệ nắm giữ USD đi xuống, tình trạng đô la hóa chuyển biến tích cực hơn. Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM - Nguyễn Hoàng Minh cũng chia sẻ: Từ khi áp dụng chính sách lãi suất USD 0%, tiền gửi ngoại tệ của cá nhân trên địa bàn thành phố giảm liên tục, từ tháng 10 đến tháng 12/2015, huy động USD giảm 2,7%. Hai tháng đầu năm 2016, huy động ngoại tệ giảm 3,5% (tín dụng ngoại tệ giảm 4,9%).

Cùng lúc này, ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, đầu năm đến nay, nhiều cá nhân đã rút tiền gửi USD khiến huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 5%. Còn tại LienVietPostBank, bà Nguyễn Anh Vân, Phó tổng giám đốc cũng lưu ý gửi tiết kiệm USD của ngân hàng từ khu vực dân cư có giảm. Chỉ có đại diện Vietcombank thông báo huy động vốn USD tại ngân hàng này đang ở mức ổn định…

Tuần qua, câu chuyện Việt Nam có tới 7,3 tỷ USD (quý 3/2015) gửi tại nước ngoài khiến dư luận xôn xao. Vấn đề đặt ra ở chỗ theo phân tích của giới chuyên gia, sở dĩ dòng vốn ngoại tệ chảy ra ngoài nhiều là do lãi suất USD bằng 0% khiến các nhà băng Việt và các doanh nghiệp có tiền đã đổ xô ra ngoài gửi. Vậy, bản chất của dòng vốn ngoại tệ chảy mạnh ra ngoài vì đâu? Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Tài chính (Học viện Tài chính), nhiều khả năng do khoản ngoại tệ  này đến từ đợt găm giữ hồi tháng 11/2015. Thời điểm đó sóng ngoại tệ lên cao, nhà đầu tư nhỏ lẻ đã “ôm” USD với giá đỉnh 22.500 đồng/USD ; trong khi từ đầu năm đến giờ giá USD không có sóng nên họ vẫn muốn giữ lại.

Trước kiến nghị của VASEP, lãnh đạo một ngân hàng bình luận với PV Tiền Phong:  Về bản chất, DN vẫn muốn tranh thủ mượn vốn giá rẻ (chênh lệch 2-3% giữa lãi suất USD và VND). Tuy nhiên, điều này trong kinh doanh chỉ là hạch toán chênh lệch lãi vay, không phải bản chất lợi nhuận do DN làm ra. Theo vị này, hiện tỷ giá ổn định thì không sao, chỉ cần biến động nhẹ, DN lại nháo nhào. Khi đó sẽ khiến thị trường xáo trộn.

Liên quan đến thị trường ngoại tệ trong nước, nhóm phân tích Cty Chứng khoán MB vừa đưa ra nhận  định: Tỷ giá VND/USD có xu hướng giữ ổn định trong vài tháng trở lại đây sau khi NHNN áp dụng chính sách điều hành tỷ giá mới. Theo MBS,  NHNN đang hướng tới mục tiêu điều hành tỷ giá theo cơ chế thả nổi có kiểm soát.

Kiều Chữ (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem