Silvio Berlusconi: Nổi tiếng với “Grande Milan”, tai tiếng bởi tiệc thác loạn “Bunga Bunga”

Long Nguyên Thứ bảy, ngày 19/10/2024 14:10 PM (GMT+7)
Trong cuộc đời 86 năm đầy dấu ấn của mình, cố thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã tạo ra sức hút rất lớn trên mọi phương diện, từ việc biến AC Milan thành một đội bóng vĩ đại, tham gia chính trường với nhiều sóng gió và cuộc sống đời tư trụy lạc với những bữa tiệc sex theo phong cách rất “bố đời”.
Bình luận 0

Silvio Berlusconi: Chữ tài liền với chữ tai một vần

Silvio Berlusconi sinh ngày 29/9/1936 trong một gia đình trung lưu ở thành phố Milano (Italia). Từ khi còn trẻ, Berlusconi đã thể hiện mình là một thiên tài trong thương trường, khi ông dường như thừa hưởng đầu óc làm ăn và khả năng kiếm tiền siêu việt từ ông bố vốn là một nhân viên ngân hàng.

Năm 1961, sau khi tốt nghiệp ngành luật thương mại với tấm bằng loại giỏi của Đại học Milan, Berlusconi đã biết cách nắm bắt những biến động của thời cuộc để khởi nghiệp với việc kinh doanh bất động sản. Các công ty Cantieri Milanesi và Edilnord lần lượt được thành lập vào các năm 1962 và 1963 giúp Berlusconi giàu lên rất nhanh.

Silvio Berlusconi: Nổi tiếng với “Grande Milan”, tai tiếng bởi tiệc thác loạn “Bunga Bunga” - Ảnh 1.

Berlusconi là chủ tịch vĩ đại trong lịch sử AC Milan. Ảnh: SP

Dự án nổi bật nhất trong khoảng thời gian này của Berlusconi là xây dựng khu dân cư ở ngoại ô phía bắc Milano với chất lượng công trình rất hoàn hảo. Vớ bẫm từ dự án này, Berlusconi lập tức trở thành đại gia và ông không ngừng lại ở lĩnh vực nhà đất.

Năm 1978, Berlusconi thành lập Fininvest, tập đoàn quản lý những tên tuổi nổi tiếng, trong đó có Mediaset với 3 kênh truyền hình và AC Milan, một trong những đội bóng lớn tại Italia cũng như toàn châu Âu.

Thực tế, khi Berlusconi mua lại AC Milan, CLB này lúc đó đang ngập trong khó khăn với 2 lần xuống hạng vì vướng vào scandal bán độ Totonero và do năng lực chuyên môn quá kém. Là chủ tịch của một AC Milan vốn chìm trong khủng hoảng, nhưng Berlusconi vẫn tự tin tuyên bố: "Tôi sẽ biến AC Milan trở lại là một đội bóng vĩ đại, thậm chí là vĩ đại nhất thế giới".

Khi ấy chẳng mấy ai tin một doanh nhân như Berlusconi làm được điều gì đó "vĩ đại" như ông phát biểu, đặc biệt là việc bổ nhiệm Arrigo Sacchi làm HLV trưởng AC Milan. Nên nhớ, Sacchi thời điểm đó là một chiến lược gia vô danh, chỉ chuyên làm việc ở Serie C hay khá khẩm hơn là Serie B. Thậm chí, khi Berlusconi tìm gặp chủ tịch CLB Parma là Ernesto Ceresini để đàm phán về việc chiêu mộ Sacchi, chính HLV này cũng… ngỡ ngàng khi phát biểu: "Hoặc ông ta là kẻ điên, hoặc đó là một thiên tài".

Silvio Berlusconi: Nổi tiếng với “Grande Milan”, tai tiếng bởi tiệc thác loạn “Bunga Bunga” - Ảnh 2.

Chủ tịch Berlusconi đã đưa HLV Sacchi, bộ ba "Người Hà Lan bay" về AC Milan và giúp đội bóng này liên tiếp gặt hái thành công. Ảnh: SP

Khi đã có Sacchi, Berlusconi mới thể hiện độ ngông với cách đầu tư rất mạnh tay mà cũng cực kỳ hiệu quả trên thị trường chuyển nhượng. Ngày 8/7/1986 chắc chắn là thời điểm mà những người yêu mến AC Milan không thể nào quên. Hơn 10.000 milanista tập trung ở sân Arena Civica để chứng kiến đội hình của mùa giải mới 1986/1987 ra mắt và chờ đợi tân chủ tịch Berlusconi xuất hiện đã được chứng kiến khoảnh khắc mà trong mơ họ cũng không thể nghĩ tới.

Berlusconi đến thật, nhưng ông không thèm ngồi ô tô sang trọng mà có mặt từ… trên không. Trong bản nhạc nền "Ride of the Valkyries", 3 chiếc trực thăng hạ cánh và Berlusconi, HLV Sacchi, ban huấn luyện và các cầu thủ bước xuống cứ như họ là những siêu sao của… Hollywood. Ngay trong lễ ra mắt, Berlusconi đã khẳng định: "Tôi biết nhiều người có thể thấy tôi màu mè, nhưng rất nhanh thôi, tôi sẽ khiến những kẻ đó phải im miệng khi thấy AC Milan thành công với hướng đi mới".

Nhưng Berlusconi không chỉ "làm màu", "phông bạt" mà ông cho thấy mình thay đổi AC Milan nhanh chóng như thế nào. Bộ ba "Người Hà Lan bay" Van Basten, Gullit, Rijkaard đến AC Milan, hợp cùng hàng loạt danh thủ nội địa như Baresi, Maldini, Ancelotti, Donadoni, Costacurta… biến AC Milan thành một cỗ máy chiến thắng thực thụ.

Silvio Berlusconi: Nổi tiếng với “Grande Milan”, tai tiếng bởi tiệc thác loạn “Bunga Bunga” - Ảnh 3.

Số danh hiệu AC Milan giành được trong triều đại Berlusconi làm chủ tịch. Ảnh: SP

Những danh hiệu lớn từ Serie A, Cúp C1 châu Âu, Siêu cúp châu Âu, Cúp liên lục địa liên tục tìm đến với AC Milan trong khoảng thời gian 1987-1990. Ngay lập tức, cụm từ "Grande Milan" (tạm dịch: Milan vĩ đại) ra đời và người có công lớn nhất đương nhiên là Berlusconi.

Tất nhiên rồi, Berlusconi dùng những lời lẽ mỹ miều nhất để nhấn mạnh AC Milan là đội bóng trong trái tim ông, là CLB của cuộc đời ông. Nhưng có một chi tiết khá thú vị là tác giả John Foot từng tiết lộ trong cuốn sách Calcio rằng, đội bóng mà Berlusconi hâm mộ nhất là… Inter Milan, kình địch cùng thành phố với AC Milan.

Không ít người cho rằng Berlusconi mua AC Milan, đầu tư mạnh mẽ để đội bóng thành công chính là bước đệm để ông dấn thân vào chính trường. Họ chẳng để người khác phải đoán già đoán non quá lâu, Berlusconi theo đuổi sự nghiệp chính trị thực sự.

Năm 1994, đảng Forza Italia được thành lập và Berlusconi trở thành thủ tướng Italia đầu tiên đắc cử mà chưa từng đảm nhiệm các vị trí công quyền ở đất nước hình chiếc ủng. Mặc dù vậy, đảng này có mâu thuẫn với Liên minh quốc gia và Liên đoàn phương bắc nên Berlusconi chỉ ngồi "ghế nóng" được 7 tháng rồi mất chức.

Nhưng ra đi không có nghĩa là không thể trở lại. Năm 2001, Berlusconi một lần nữa trở thành thủ tướng Italia sau khi chiến thắng với chiến dịch vận động truyền thông rất quy mô. Nhiệm kỳ này của Berlusconi kéo dài từ năm 2001 đến năm 2006 và không có nhiều biến cô nào xảy ra. Năm 2008, Berlusconi lần thứ ba nắm quyền thủ tướng nhờ một chính đảng mới là đảng Tự do. Nhưng đến năm 2011, Berlusconi đã phải từ chức trong bối cảnh đất nước khủng hoảng nợ nghiêm trọng và rất nhiều cáo buộc dành cho ngài thủ tướng liên quan đến "Bunga Bunga".

Silvio Berlusconi: Nổi tiếng với “Grande Milan”, tai tiếng bởi tiệc thác loạn “Bunga Bunga” - Ảnh 4.

Berlusconi từng có 3 giai đoạn giữ chức thủ tướng Italia. Ảnh: The Nation

Vậy "Bunga Bunga" tai tiếng đến mức nào mà một người đam mê quyền lực như Berlusconi phải từ chức? Câu trả lời: Đó là những bữa tiệc tình dục rất xa hoa, trần trụi và đương nhiên là vô cùng tốn kém mà "Hiệp sĩ cuối cùng của Italia" (biệt danh mà Berlusconi rất thích sử dụng khi nói về mình) đã tạo ra.

Tiền thì Berlusconi không thiếu, đó là điều khỏi phải bàn. Nhưng cái cách tiêu tiền để hưởng thụ theo kiểu ngông cuồng và bị chỉ trích là bệnh hoạn mới khiến Berlusconi mang tiếng.

Trong khoảng thời gian vào 2 năm 2009 và 2010, rất nhiều cáo buộc về Berlusconi, hàng loạt bài báo phanh phui về các bữa tiệc thác loạn, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội của Berusconi xuất hiện. Địa điểm ăn chơi trác táng này được chỉ ra là ở biệt thự của ngài thủ tướng, nơi có nhiều người của công chúng được mời để "tận hưởng cuộc sống", "vui tới bến".

Bia rượu, đồ ăn thượng hạng, xì gà, thuốc lá tràn ngập trong những bữa tiệc ấy. Nhưng "món chính" của các cuộc vui vẻ này phải là hàng loạt vũ nữ, gái gọi sẵn sàng chiều ý khách mời của Berlusconi cũng như chính vị chủ tiệc.

Silvio Berlusconi: Nổi tiếng với “Grande Milan”, tai tiếng bởi tiệc thác loạn “Bunga Bunga” - Ảnh 5.

Berlusconi gây tai tiếng với những bữa tiệc "Bunga Bunga". Ảnh: 20 Minutes

Một khi đã dự tiệc "Bunga Bunga" của Berlusconi, tất cả đều được đánh chén thoải mái, nốc bia rượu đến say sưa và thoải mái… quan hệ tình dục ngay tại chỗ với những người đẹp được trả tiền để "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi". Để không khí thêm phần đặc sắc, Berlusconi còn yêu cầu các người đẹp phải hóa thân thành "Bà già Noel gợi cảm", "Nữ cảnh sát khêu gợi", "Cô y tá quyến rũ"… hoặc uốn éo múa cột với những điệu nhảy gợi dục nhất.

Tất nhiên rồi, những vị khách được mời khi trả lời phỏng vấn báo chí đều có một đáp án giống hệt nhau: "Chúng tôi đến dự tiệc và ăn uống vui vẻ nhưng không có hành động gì vi phạm thuần phong mỹ tục, càng không có sự thác loạn như dư luận đồn thổi".

Berlusconi thì sao? Ông luôn khẳng định "Bunga Bunga" mà mình tổ chức chỉ là "những buổi dạ tiệc trang nhã" và không có bất cứ điều gì đi quá giới hạn. Berlusconi còn mời các nhà báo đến một khách sạn tại Rome vào tháng 4/2010 để chia sẻ: "Các bữa tiệc của tôi cùng những vị khách đáng kính đều diễn ra đúng mực, lịch sự. Các phòng chật kín khách nhưng không có điều gì bất thường. Chúng tôi còn quay nhiều bữa tiệc bằng camera, không có gì phải che giấu".

Silvio Berlusconi: Nổi tiếng với “Grande Milan”, tai tiếng bởi tiệc thác loạn “Bunga Bunga” - Ảnh 6.

Berlusconi thực sự là người lắm tài nhiều tật. Ảnh: The Times

Nói thì nói vậy chứ Berlusconi không bao giờ cho truyền thông xem băng hình về "những bữa tiệc lịch sự" ấy. Bởi vậy, dư luận vẫn cứ xôn xao là phải, vì không có lửa thì làm sao có khói.

Ngày 12/6/2023, Berlusconi qua đời, hưởng thọ 86 tuổi. Trong cuộc đời mình, Berlusconi đã tạo được rất nhiều tiếng vang ở những khía cạnh khác nhau. Những người yêu bóng đá nhớ tới ông khi tạo ra "Grande Milan". Ai quan tâm đến chính trị biết về một doanh nhân có đến 3 giai đoạn giữ chức thủ tướng Italia. Và, tất cả có lẽ sẽ không quên đến một Berlusconi khá tai tiếng với tiệc "Bunga Bunga" đầy thác loạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem