Nhóm sinh viên Trường ÐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã biến thân chuối thành giấy đẹp, có thể phân huỷ. Nhóm đặt mục tiêu hoàn thiện quy trình, cung ứng sản phẩm trong nước, rồi hướng đến xuất khẩu.
Cách đây 2 năm, trong giờ học bộ môn Giải pháp môi trường, nhóm gồm Trịnh Ngọc Vân Anh, Lê Thị Bích Phượng, Phạm Thái Bình, Trần Út Thương và Lê Thụy Tường Vân, bốc thăm được đề tài chế tạo giấy từ thân cây. Nhóm chọn thân cây chuối. Việt Nam có 100.000 ha đất trồng chuối, đa số thân chuối bị vứt bỏ. Sau 2 năm, nhóm đã tạo ra thành phẩm là những mẫu giấy A3, A4, hộp gói quà, giấy gói hoa, thiệp… mềm mịn, đẹp, độc đáo.
Ý tưởng giành giải Nhất cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF và giải Nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của Bộ GD&ĐT. Bích Phượng, sinh viên năm thứ 4, cho biết, sau khi nhận giải, nhóm được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng nên triển khai ngay quy trình công nghệ chế tạo sản phẩm bằng máy để đưa vào sản xuất tại các địa phương.
Nhóm mày mò nghiên cứu trong phòng thí nghiệm từ sáng sớm đến đêm khuya trong hơn 1 năm. Các thành viên lấy thân chuối cắt nhỏ, sấy khô và nấu ở nhiệt độ cao cùng với bột soda, trộn hỗn hợp này với bột keo, tạo hình sản phẩm và phơi khô. Vân Anh, nhóm trưởng, hào hứng khoe thành phẩm là những tờ giấy A3, A4, túi giấy, giấy gói hoa, hộp quà bằng giấy mềm mại, có hoa văn theo đường vân thân chuối nổi đẹp mắt, độc đáo.
“Một tờ giấy A3 làm thủ công hiện có giá 3.000-4.000 đồng. Tuy nhiên, khi ứng dụng quy trình sản xuất bằng máy, giá thành sẽ giảm xuống. Ưu điểm của loại giấy này là thân thiện với môi trường, giấy sử dụng ít hóa chất nhất có thể, đảm bảo phân hủy được trong môi trường”, Vân Anh nói. Khi được giới thiệu tại Techfest 2020 ở Hà Nội, sản phẩm được nhiều đơn vị quan tâm, đặt hàng.
Chuyển giao công nghệ cho các địa phương
TS Hoàng Thị Tuyết Nhung, giảng viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường - ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, người hướng dẫn đề tài, cho biết, mới đây, trường hỗ trợ thêm kinh phí và máy móc kiểm nghiệm, mô hình nghiên cứu cho nhóm. Sau khi giành giải thưởng cấp Bộ, ý tưởng được doanh nghiệp đầu tư, phối hợp nhóm làm quy trình sản xuất. Có doanh nghiệp ở Nga đặt vấn đề nhập túi giấy để bán tại thị trường Nga.
TS Tuyết Nhung hy vọng công nghệ sẽ được chuyển giao về các địa phương nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo nguồn thu cho nông dân. Bã thân chuối được ép làm giấy, còn nước trong thân chuối (chiếm tới 90%) được ủ phân để tưới cây.
Vấn đề của nhóm hiện nay là hoàn thiện quy trình sản xuất, đưa về các địa phương vì thân chuối to nặng, vận chuyển xa sẽ tăng chi phí sản xuất. Từ năm 2021, nhóm phối hợp doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm tại Kiên Giang và một số nơi có diện tích trồng chuối khá lớn, sau đó mở rộng ra các địa phương khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.