Sinh viên Đại học FPT bị bạn hành hung dã man: "Giáo dục kỹ năng sống để không trở thành nạn nhân bị bạo lực"

Tào Nga Thứ hai, ngày 22/05/2023 06:04 AM (GMT+7)
Clip sinh viên Trường Đại học FPT bị đánh chảy máu đầu gây bất bình trong dư luận. Theo chuyên gia, giáo dục kỹ năng sống và giáo dục pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng để các em nhận thức được đâu là bạo lực học đường.
Bình luận 0

Sinh viên Đại học FPT bị đánh chảy máu đầu

Mới đây, mạng xã hội xôn xao clip một nam sinh viên lao vào đấm, đạp, văng tục, chửi bậy khiến bạn học  chảy máu, phải chuyển đến bệnh viện ngay sau đó. Được biết, sau khi tan học, nam sinh viên L.T.C. đang là sinh viên năm nhất của trường đại học FPT, bị một nhóm chặn đường đánh. 

Chị N. T. C, mẹ của L.T.C, cho hay, vào lúc 12h ngày 18/5, con trai bị nhóm đối tượng chặn đầu và hành hung tàn bạo. Người trực tiếp đánh là H.M.Q, là sinh viên của trường này. "Tôi cũng như bao nhiêu người mẹ khác luôn yêu thương và chăm sóc con cái của mình luôn cố gắng dạy cho con những điều hay lẽ đẹp để mai này con trở thành người có ích. Khi xảy ra vụ việc, dù cho con tôi không hề có một hành động phản kháng hay chống cự nhưng đối tượng vẫn dùng vật sắc nhọn đánh liên tục vào gáy cháu, điểm vô cùng nguy hiểm đến khi cháu rách đầu mới chịu thôi. Và ngay sau đó con tôi đã được bạn bè đưa đi cấp cứu trong tình trạng mất rất nhiều máu".

Sinh viên Đại học FPT bị bạn đánh chảy máu đầu: "Tình trạng đáng báo động" - Ảnh 1.

Sinh viên FPT đánh nhau gây xôn xao dư luận. Ảnh: cắt từ clip

Ngay sau khi vụ việc được chia sẻ, đại diện nhà trường xác nhận, trong khuôn viên Trường Đại học FPT campus Hoà Lạc diễn ra xô xát giữa 2 sinh viên Q. và L.T.C. 

"Nhà trường rất lấy làm tiếc về sự việc này. Sau khi nắm bắt được sự việc, nhà trường đã làm việc với phụ huynh sinh viên L.T.C., đồng thời đang phối hợp làm việc với Công an Huyện Thạch Thất xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ GDĐT", nhà trường cho hay.

Cũng theo chia sẻ từ trường, sinh viên L.T.C. đã được chuyển đến bệnh viện để chăm sóc sức khỏe. Nhà trường đồng thời đã vào viện thăm hỏi sức khoẻ của sinh viên L.T.C và đang xem xét các phương án hỗ trợ tài chính với em, mong em sớm bình phục để công việc học tập không bị gián đoạn.

Phía Công an huyện Thạch Thất hiện đã làm việc với sinh viên Q. để phục vụ điều tra.

"Nhà trường ra quyết định đình chỉ học tập tạm thời với sinh viên Q. để phục vụ công tác điều tra và chờ kết luận của cơ quan chức năng. Nhà trường đồng thời mong muốn các sinh viên trong trường nâng cao tính tự chủ bản thân khi xử lý các mâu thuẫn cá nhân, tránh các hành vi quá khích có thể gây tổn thương cho bản thân và cộng đồng. Nhà trường sẽ xử lý nghiêm khắc các hành vi này theo quy định của Bộ GDĐT", đại diện Trường Đại học FPT nhấn mạnh.

Cần ngăn chặn bạo lực học đường

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Đặng Văn Cường, giảng viên Luật, Trường Đại học Thủy lợi cho hay: "Bạo lực học đường ở Việt Nam là vấn đề khá nhức nhối, đáng báo động trong những năm gần đây, hành vi bạo lực học đường có thể diễn ra ở nhiều ngành học, nhiều cấp học, chủ yếu là ở học sinh và sinh viên".

Liên quan đến vụ việc, TS Cường cho biết: Bạo lực học đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, thậm chí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của học sinh. Những hậu quả có thể nhìn thấy từ bạo lực học đường như học sinh bị bạo lực, bị đánh đập có thể gây tổn hại đến sức khỏe, thậm chí tính mạng. Trong những năm qua không ít những trường hợp học sinh, sinh viên bị đánh nhập viện, nhiều trường hợp các em bị tử vong do bị bạo lực học đường.

Sinh viên Đại học FPT bị bạn đánh chảy máu đầu: "Tình trạng đáng báo động" - Ảnh 2.

L.T.C. bị bạn đánh chảy máu đầu. Ảnh: FBNV

Những vụ việc học sinh, sinh viên bị đánh hội đồng, hậu quả thường gây ra thương tích nghiêm trọng khiến nạn nhân phải nhập viện cấp cứu, điều trị dài ngày.

Ngoài hậu quả thiệt hại về thể chất như tính mạng, sức khỏe thì nạn nhân của bạo lực học đường cũng bị tổn hại nghiêm trọng đến đời sống tâm lý. Nhiều em bị đánh nhiều lần, bị đe dọa uy hiếp tinh thần nhưng không dám báo cáo với nhà trường, cũng không dám bảo với bố mẹ dẫn đến các cháu bị dồn ép tâm lý, có thể dẫn đến trầm cảm, uất ức mà thực hiện những hành vi dại dột như tự tử, bỏ học, bỏ nhà ra đi...

Để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường diễn ra thì phải thực hiện đồng bộ, đầy đủ rất nhiều giải pháp từ cơ chế, chính sách, pháp luật đến các giải pháp về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, đến giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giáo dục đạo đức lối sống phù hợp cho học sinh, sinh viên. 

Nâng cao vai trò trong công tác tự quản của lớp học, trường học, nâng cao vai trò trách nhiệm của giáo viên và của lãnh đạo nhà trường trong việc kiểm sát học sinh trong quá trình dạy và học. 

Cần phải kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, giáo dục kỹ năng và định hướng giải quyết các mâu thuẫn của học sinh để tránh trường hợp các em sử dụng bạo lực, bị lôi kéo để tham gia sử dụng bạo lực giải quyết mâu thuẫn.

Giáo dục kỹ năng sống và giáo dục pháp luật là một trong những hoạt động rất quan trọng để các em nhận thức được đâu là bạo lực học đường, nguy cơ phát sinh bạo lực học đường và cách giải quyết khi có những tranh chấp mâu thuẫn xảy ra. 

Khi giáo dục pháp luật được đề cao thì các em sẽ nhận thức được những chuẩn mực trong giao tiếp, sẽ có ý thức tôn trọng người khác, tôn trọng pháp luật, tuân thủ pháp luật để không thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của các học sinh khác. 

"Khi có kỹ năng sống thì các em sẽ nhận diện được những tình huống có thể dẫn đến bạo lực học đường, có cách ứng xử phù hợp để giải quyết tranh chấp, hóa giải những tình huống nguy hiểm để bản thân không rơi vào tình trạng nguy hiểm, trở thành nạn nhân của bạo lực học đường", TS Cường nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem