Sinh viên hỏi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời

Chủ nhật, ngày 29/12/2013 09:19 AM (GMT+7)
Chiều 28.12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có cuộc đối thoại với 650 sinh viên ưu tú từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước dự Đại hội đại biểu Hội Sinh viên toàn quốc lần thứ 9.
Bình luận 0
Cùng dự cuộc đối thoại có: Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên và lãnh đạo một số Bộ, ngành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại với sinh viên Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại với sinh viên Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn phát biểu: Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng của sinh viên Việt Nam. Sinh viên Việt Nam là bộ phận thanh niên ưu tú, có lòng yêu nước nồng nàn, luôn sáng tạo, hăng hái đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ. Với khẩu hiệu hành động “Sinh viên Việt Nam thi đua học tập - sáng tạo - tình nguyện - hội nhập”, Sinh viên Việt Nam trong giai đoạn tới quyết tâm thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện, ra sức học tập, rèn đức, luyện tài đóng góp sức mình cho sự phát triển đất nước.

Tại diễn đàn quan trọng này, các đại biểu Đại hội mong muốn được bày tỏ suy nghĩ của mình với Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành về trách nhiệm của thanh niên, sinh viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; đồng thời, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của sinh viên đề đạt với Đảng và Nhà nước; qua đó tạo động lực cho sinh viên học tập, cống hiến và trưởng thành; tạo những bước phát triển mới cho tổ chức Hội và phong trào sinh viên cả nước.

Mở đầu buổi đối thoại, đại biểu sinh viên trao đổi với các lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan đến việc học tập, nghiên cứu khoa học, đời sống của sinh viên. Từ 15 giờ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bắt đầu đối thoại trực tiếp với các đại biểu.

Ông Lê Quốc Phong: Đây là phiên làm việc hết sức đặc biệt của Đại hội với nội dung gặp gỡ, đối thoại với đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ. Trong một không khí sôi nổi, trẻ trung, đầy nhiệt huyết của đại biểu ưu tú cho sinh viên cả nước, kính mời đồng chí Phó Thủ tướng trao đổi với sinh viên.

Sinh viên Nguyễn Phương Mai, Chủ tịch Hội SV tỉnh Bắc Ninh: Qua thực tế cháu được biết, Phó Thủ tướng có nhiều kinh nghiệm, kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, trong đó có cả Bắc Ninh,… Cháu mong được nghe Phó Thủ tướng tâm sự về quá trình phấn đấu, ước mơ hoài bão và ý chí quyết tâm thực hiện hoài bão đó?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thực ra, chưa có lúc nào bác ngồi nghĩ lại tại sao lại như vậy. Hồi bé đi học khổ lắm, không như bây giờ, con bác không hình dung được ngày xưa bố mẹ thế nào. Học ở quê, thi đại học xong được triệu tập đi học dự bị ngoại ngữ để ra nước ngoài. Ngày ấy chỉ có 2 bộ quần áo. Khi được cử đi học ở phương Tây, trong 3 tháng đầu, tăng gần 20 kg. Tất cả mọi thứ trong nước mình còn nghèo, nên khi ấy (học ở nước ngoài – BTV) thì thấy rất hạnh phúc. Nhưng từ tháng thứ 3 trở đi thì cứ thấy có gì đó và cứ tự hỏi bao giờ bố mẹ, mọi người ở nhà được sung sướng thế này. Ngày xưa không có ti vi, không biết phương Tây thế nào, khi sang mới biết. Đây là lần đầu tiên bác tiết lộ rằng: Khi đi học về, ngoài rất nhiều sách, bác còn mang theo 1 thiết kế vệ sinh tự hoại. Ngày ấy ở nhà chưa có, mà sinh viên không có mạng Internet như bây giờ để đi tìm hiểu.

Khi đi làm, lúc đầu bác làm trong lĩnh vực kỹ thuật, sau đó được cử sang làm công tác đối ngoại, khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập ASEAN thì được điều sang tìm hiểu về ASEAN. Dần dần theo quyết định của tổ chức, phân công đi đâu thì mình đi đó. Kinh nghiệm mà bác muốn chia sẻ là dù làm việc gì cũng phải làm hết sức, luôn thôi thúc 1 điều từ ngày xưa và bây giờ là làm sao nước mình nhất định phải giàu hơn. Để làm điều đó thì chính chúng ta chung tay xây dựng Việt Nam, bác làm thật tốt nhiệm vụ của bác, các cháu là sinh viên làm thật tốt công việc của mình.

SV Đặng Kim, Đại học Nha Trang: Kính thưa Phó Thủ tướng! Là sinh viên Việt Nam, bên cạnh học tập, nghiên cứu khoa học, chúng cháu rất quan tâm đến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vậy thưa Phó Thủ tướng, sinh viên có thể và cần phải làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Là công dân Việt Nam, đương nhiên phải quan tâm đến vận mệnh của dân tộc, của đất nước mình và chủ quyền là điều vô cùng ý nghĩa.

Sinh viên có thể làm được không? Có chứ! Có nên làm không? Không phải nên mà là phải làm.

Trước nhất, các cháu học thật giỏi, không chỉ học kiến thức mà phải học cả các kỹ năng, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc theo nhóm, để sau này chúng ta góp phần làm đất nước giàu lên, mạnh lên thì đấy là bảo vệ đất nước. Bảo vệ bằng nhiều cách, nhiều biện pháp, có thể bằng ngoại giao, kinh tế… Nhưng trên hết là dựa trên tinh thần chủ quyền là thiêng liêng.

Bảo vệ chủ quyền trong thời đại văn minh phải dựa trên luật pháp quốc tế. Ví dụ về biển đảo, chúng ta có rất nhiều luật, đặc biệt Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, dựa trên tinh thần chủ đạo là hoà bình, không dùng vũ lực và không đe dọa dùng vũ lực.

Bác muốn hỏi lại các cháu về việc này: Các cháu đã tìm hiểu nhiều về việc này chưa? Cháu có biết về Công ước quốc tế về Luật Biển không? Có biết DOC là như thế nào không?

Như vậy, trước hết đối với sinh viên là phải học giỏi, thứ nhì là muốn làm gì phải hiểu biết về nó. Phải hiểu thế nào là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, luật pháp quốc tế về biển đảo, các vấn đề tranh chấp… Các cháu phải hiểu đúng vấn đề, sau mới vận dụng, hành xử cho đúng. Khi chúng ta biết rồi thì phải giải thích cho những người xung quanh để cùng hiểu đúng, để khi có sự việc gì thì cùng ứng xử đúng. Ứng xử đúng thì quyền lợi quốc gia được bảo đảm hơn.

Có các đồng chí công tác tại Văn phòng Chính phủ ở đây, tháng 9 vừa rồi, Ban Tuyên giáo Trung ương có biên soạn nhiều sách, trong đó có quyển sách "100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam", bác sẽ đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm nhất có thể, nếu được trong hôm nay, xin Nhà xuất bản đưa bản mềm quyển sách này lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Mỗi cháu ở đây hãy cố học, cố đọc và tuyên truyền cho mọi người. Đây là việc các cháu có thể làm.

Các bạn sinh viên giơ tay xin giao lưu với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các bạn sinh viên giơ tay xin giao lưu với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

SV Cao Thị Mỷ, ĐH Sư phạm Thái Nguyên: Năm 2015 là mốc để hình thành Cộng đồng ASEAN, Chính phủ đã có chuẩn bị những gì để sinh viên và thanh niên có những nắm bắt, hành trang để cùng sinh viên các nước khác bước vào cộng đồng chung, sân chơi chung?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cháu có thể lên đây chia sẻ với các bạn ở đây là cá nhân cháu đã chuẩn bị sẵn sàng như thế nào cho sự kiện hình thành Cộng đồng ASEAN được không? Còn tất cả những việc Chính phủ làm, kể cả việc bác trả lời các cháu hôm nay, đều nhằm để nước ta thực sự thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới, thành viên tích cực, có trách nhiệm, kiến tạo những vấn đề lớn trong ASEAN.

SV Cao Thị Mỷ: Sự sẵn sàng của cháu thể hiện thứ nhất trong học tập, suốt cả quá trình, tích cực tham gia phong trào đoàn, hội của trường, để đạt thành tích tốt nhất, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cháu có tìm hiểu về cộng đồng ASEAN chưa?

SV Cao Thị Mỷ: Cháu cũng chưa hiểu rõ lắm và rất mong Phó Thủ tướng giải đáp giúp cháu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thời gian tới, cháu cố gắng tìm hiểu thêm trên internet. Ở đây, bác có thể nói ngắn gọn thế này: Hiện nay, đi đâu cũng nghe nói về Cộng đồng ASEAN, mọi người hay nghĩ Cộng đồng ASEAN giống Cộng đồng chung châu Âu, nhưng không phải vậy, nó cũng có những cái khác.

Các nước ASEAN trước đây bị chia rẽ bởi chiến tranh ở Việt Nam, cuộc chiến tranh tàn khốc không có gì tả nổi. Nhưng quá khứ này được khép lại bằng việc Việt Nam tham gia ASEAN năm 1995, mở ra kỷ nguyên ASEAN thực sự là một tổ chức của các quốc gia Đông Nam Á và xây dựng một cộng đồng ASEAN thịnh vượng, đoàn kết, hợp tác phát triển.

Cộng đồng có 3 trụ cột: Về chính trị-an ninh-quốc phòng, ASEAN khác EU là không có khu vực phòng thủ chung, liên minh quân sự chung và đối ngoại từng nước đều độc lập; về kinh tế cơ bản cởi mở thành thị trường chung, giao lưu thương mại qua lại, nhưng khác EU là không có đồng tiền chung; văn hóa thì phát triển…

Chúng ta sẵn sàng cho ASEAN nhưng cần nghĩ xa hơn, chúng ta sẵn sàng cho hội nhập thế giới. Hiện các bạn không chỉ sẵn sàng là công dân ASEAN mà còn sẵn sàng là công dân toàn cầu chứ… Các bạn phải cố học thêm ngoại ngữ, trau dồi thêm kiến thức, ngoài kiến thức chuyên môn, hoạt động Đoàn Thanh niên, theo bác là rất tốt. Chính các cháu có đoàn thể, có các phong trào tình nguyện rất tốt, mong các cháu tiếp tục phát huy.

Đại biểu Hội SV: Kính thưa Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, cùng toàn thể Đại hội, cháu là sinh viên của Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cháu có một câu hỏi muốn đặt ra với Phó Thủ tướng là: Năm 2013 nền kinh tế thế giới có nhiều biến động và dự báo năm 2014 sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn, Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế-xã hội và những điều này sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai, nhất là đối với sinh viên?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với một đại biểu sinh viên - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với một đại biểu sinh viên - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các cháu chỉ cần nhớ như thế này, kinh tế thế giới vừa qua đi vào cuộc khủng hoảng rất lớn, nhiều nước đến bây giờ vẫn còn phải vật lộn, chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng đó. Mấy năm trước các cháu nghe đến cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp, ngay cả các nước châu Âu vẫn còn khó khăn lắm. Việt Nam cũng không nằm ngoài, tình hình năm ngoái là rất khó khăn. Quốc hội, Chính phủ quyết tâm năm 2013 phải tốt hơn năm 2012, có nhiều chỉ tiêu nhưng có 2 điểm chính: Một là làm sao từ lạm phát cao quá mười mấy % phải kìm xuống. Các cháu nhớ như thế này, rất đơn giản thôi, lạm phát là mất giá đồng tiền. Ở các nước, trong giai đoạn tốt, lạm phát dương chỉ vài %, mình có lúc cả chục %, nhưng năm 2013 xuống khoảng 6%. Tăng trưởng năm ngoái khoảng 5,2%, cố gắng năm 2013 gần 5,5%, tức là gần đi qua đáy.

Năm 2014 thế giới dự báo có triển vọng khá hơn, nhưng cũng là dự báo thôi, còn rất nhiều khó khăn. Trong nước làm sao phải tiếp tục củng cố ổn định vĩ mô, tức là đưa lạm phát xuống thấp nữa, đưa tăng trưởng cao hơn nữa. Quan trọng nhất chúng ta từ nền kinh tế tập trung chuyển dần sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình chuyển đổi đó về cơ bản chúng ta đã gần đi đến giai đoạn cuối rồi, còn lại một số vấn đề nữa chúng ta phải làm rốt ráo, thực sự để chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Các cháu sinh viên ở đây cũng để ý, hỗ trợ của Nhà nước được nói rất nhiều, như giá điện, giá xăng dầu, học phí, viện phí… Những thứ đấy đúng ra như các nước phát triển là hết bao cấp nhưng mình vẫn còn bao cấp một phần, định hướng của mình là phân phối và hỗ trợ, tái cơ cấu lại nền kinh tế. Ngày xưa toàn doanh nghiệp Nhà nước, sau mấy chục năm đổi mới còn lại rất ít, chủ yếu là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, liên doanh nước ngoài. Những doanh nghiệp Nhà nước còn lại thì chỉ giữ những doanh nghiệp thật sự thiết yếu, thật sự cần thiết. Còn lại tiếp tục phải đổi mới, tiếp tục tạo ra môi trường thật sự cạnh tranh, đây là điều khó khăn và lớn hơn.

Việc này chúng ta đã làm nhưng vừa qua vì khủng hoảng kinh tế thế giới, vì khó khăn, phải tập trung nhiều sức lực để giải quyết những vấn đề trước mắt, sắp tới phải làm mạnh những cái chung và dài hạn hơn. Bác nói cái chung không quá chi tiết, nôm na là tình hình đã khá hơn nhưng trước mắt còn rất nhiều khó khăn, phải giải quyết đến cùng những vấn đề còn lại để nền kinh tế chúng ta thực sự là môi trường cạnh tranh bình đẳng, để mọi người trong xã hội đều có thể tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội được.

Sinh viên Cao Xuân Dũng, quê Nghệ An, hiện đang học tập tại Hà Nội: Sinh viên ở các tỉnh sau khi sinh sống và học tập ở các thành phố lớn thường ở lại các thành phố đó để làm việc chứ không quay trở về xây dựng quê hương. Cũng có một thực trạng là các bạn sinh viên đi học ở nước ngoài cũng làm việc luôn ở nước ngoài, ít khi về lại đất nước mình. Mong Phó Thủ tướng cho cháu biết Nhà nước có những biện pháp gì để khuyến khích các bạn sinh viên về xây dựng quê hương đất nước mình.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thứ nhất, bây giờ cũng không còn như thời ngày xưa. Ngày xưa, những người đi du học như bác, Nhà nước cho học ở nước ngoài, sau khi về thì Nhà nước phân việc làm. Bây giờ đối với chúng ta là sự lựa chọn mở. Đương nhiên Nhà nước đã có rất nhiều chính sách khuyến khích sinh viên các trường về các vùng sâu, vùng xa. Bác cháu mình hôm nay nói thật cởi mở với nhau: Bây giờ bản thân cháu, cháu có sẵn sàng học xong về quê không?

SV Cao Xuân Dũng: Cháu sẵn sàng ạ!

Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Rất tốt, bác ngày xưa khi đi học ở nước ngoài, cũng có người hỏi câu này. Học cùng lớp với bác cũng có người ở lại. Bác thì nói bác về quê, do bác xác định là chính chứ không phải do chính sách của Nhà nước.

Mỗi người chúng ta có quyết tâm, có hoài bão của mình. Đất nước Việt Nam mình phải được chính người Việt Nam của mình xây dựng. Quê Nghệ An của cháu tốt nhất phải do những người ngay tại Nghệ An xây dựng trước. Cái đó là sự xác định rất đúng, nhưng cũng không nên máy móc. Vì người Nghệ An cũng là quê hương Việt Nam, có trách nhiệm chung với đất nước này. Chúng ta cũng không quá khắt khe đối với các bạn học ở nước ngoài, đi học rồi phải về. Nếu ở lại nước ngoài mà có điều kiện trau dồi kiến thức, học tập tốt hơn, làm những việc có thu nhập tốt hơn thì cũng rất tốt. Mục đích chung của chúng ta là xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp hơn. Có rất nhiều biện pháp, có những người học thật giỏi để trở thành tiến sỹ ở một ngành nào đó. Chỉ ở tại các thành phố lớn mới có đủ trang thiết bị hiện đại, có máy móc, có điều kiện thì mới phát huy được. Không thể bắt các bạn ấy về Quỳ Châu, Quỳ Hợp ở Nghệ An các cháu để làm việc được. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng học tập thật tốt, và trong những chuyên ngành chúng ta có thể đi về vùng sâu vùng xa. Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, có kế hoạch trực tiếp đến những người làm ở những khu vực này, có lương, có nhà ở, có những hỗ trợ cơ sở vật chất chung cho những vùng sâu, vùng xa ấy. Tuy nhiên nước chúng ta còn nghèo nên chúng ta phải cố gắng, bác cháu mình phải thật cố gắng. Bác hy vọng sau một thời gian nhất định sẽ gặp cháu trở thành một người rất quan trọng ở Nghệ An.

SV Bùi Quốc Hưng, Ban chấp hành Đoàn TN Đại học Y Dược Thái Bình: Cháu có một câu hỏi muốn gửi đến Phó Thủ tướng. Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên báo chí, Nhà nước cũng như Chính phủ đang nói rất nhiều đến việc cắt giảm hành chính công. Đây là vấn đề cũng liên quan đến khoa học công nghệ, ví dụ như việc sinh viên nghiên cứu khoa học, về thủ tục hành chính thì rất rườm rà. Nếu chúng cháu muốn có chi phí để trang trải cho việc nghiên cứu khoa học thì phải qua rất nhiều các công đoạn. Khi tất cả các công đoạn đã xong rồi, các công trình khoa học phải từ 6-8 tháng sau mới có thể lấy được chi phí cho công trình. Vì thế, cháu rất muốn hỏi Phó Thủ tướng về việc cắt giảm hành chính công là như thế nào và có thể cắt giảm nữa không?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Vấn đề cháu đặt ra rất đúng. Vừa rồi ban hành Luật, bác Nguyễn Quân (Bộ trưởng Bộ KHCN) đang xây dựng Nghị định trình Chính phủ và cũng đang thảo luận sôi nổi. Theo cơ chế thì việc chi ngân sách rất chặt chẽ, cần xét duyệt kỹ, cho nên một số trường hợp phải đợi cũng là việc hết sức bình thường.

Bây giờ chủ yếu là quản lý bằng quỹ. Mình tạm gọi là giao nhiệm và khoán thời gian. Đăng ký đề tài khoa học, xác định đầu ra như thế nào, chi tiền và chịu trách nhiệm về đầu ra-đầu vào của công trình, đề tài của mình vận hành trơn tru rồi thì là điều tốt. Đây là nói riêng về khoa học.

Còn về cải cách thủ tục hành chính thì cháu nói đúng. Đất nước đang phát triển mạnh, tiềm lực đã phát huy tốt hết chưa? Tôi phải nói rằng chưa hết. Có rất nhiều sự vô hình, hữu hình đang cản trở sự phát huy. Đây là trọng tâm của Chính phủ trong rất nhiều năm. Bây giờ, chúng ta đang làm rất tích cực về cải cách hành chính, trong đó có các thủ tục hành chính. Các cháu theo dõi cũng biết rồi, chúng ta đã in và đưa lên mạng mấy chục nghìn thủ tục để rà soát, bỏ đi những thủ tục rườm rà. Nhưng điều quan trọng nhất trong quá trình này là những người thi hành các thủ tục hành chính đấy, chính là công chức Nhà nước.

Bác chỉ mong tất cả các cháu hãy cố gắng học tập. Sau này có cháu nào làm trong bộ máy hành chính Nhà nước thì nhớ lại tinh thần xung kích của thanh niên, để bản thân mình lan tỏa sang người khác, để làm đúng công vụ và thực hiện đúng thủ tục, sao cho chặt chẽ và thời hạn ngắn đi là rất tốt rồi.

SV Trịnh Thị Hiền Phương, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM: Hiện nay các ngành đào tạo của Việt Nam còn sự chênh lệch lớn, đặc biệt trong các ngành như sư phạm hay khoa học cơ bản. Cháu thấy, đối với ngành khoa học cơ bản thì chất lượng đầu vào còn thấp hoặc số lượng học sinh đăng ký thi tuyển còn chưa nhiều. Vậy Nhà nước, Chính phủ có cơ chế chính sách nào thu hút các bạn vào các ngành này và làm việc trong lĩnh vực này?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Câu hỏi của cháu là câu hỏi rất lớn của ngành Giáo dục.

Chúng ta đều biết, tuỳ từng thời điểm có thể chúng ta tập trung vào ngành kỹ thuật hay ngành có tính ứng dụng nhanh. Nhưng một nền khoa học, một nền tri thức của đất nước nhất định không được quên khoa học cơ bản. Cái này ngày xưa chúng ta làm rất tốt, có một thời kỳ cũng bị nguội đi, nhưng gần đây, khoa học cơ bản được chú trọng hơn, đầu tư nhiều hơn.

Một trong những minh chứng nhỏ thôi, ví dụ như sau khi anh Ngô Bảo Châu được giải thưởng, chúng ta lập Viện Toán Cao cấp, mời anh về làm việc nhưng rất khó để đưa thành phong trào lớn. Các cháu nhớ, ngày xưa, có rất nhiều bác như bác Nguyễn Văn Hiệu về chuyên ngành vật lý rất giỏi, nhưng sau này ngành đó cũng ít đi. Đặc biệt, sắp tới làm năng lượng hạt nhân, cần huy động người theo học ngành này nhưng nhu cầu sử dụng trước đây không có nên ít người theo học. Còn đối với sư phạm, có thời kỳ, chúng ta hỗ trợ sư phạm rất mạnh, cho học sinh sư phạm học bổng, các trường sư phạm phát triển mạnh mẽ khắp nơi, không chỉ có trường sư phạm ở Trung ương, mà tỉnh nào cũng có. Hầu như tỉnh nào cũng có các trường cao đẳng sư phạm, bây giờ khoảng hơn 40% sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc. Theo bác, đó là nguyên nhân chính, khi đầu ra, việc làm khó, các bạn sẽ ít đến học, chứ cũng không phải vấn đề mình cần hỗ trợ gì thêm.

Có lẽ bây giờ phải tính làm sao để hỗ trợ giáo viên khi ra trường ở những nơi cần hỗ trợ. Đối với ngành khoa học cơ bản, theo bác, bây giờ ngoài hỗ trợ trong trường, cái chính phải hỗ trợ làm sao để công tác nghiên cứu khoa học cơ bản được đẩy lên. Khi có nhu cầu thu hút nhân lực thì tự nhiên các cháu sẽ vào. Không biết bác nói thế có đúng không. Cháu chọn KHXHNV có phải vì lý do đó không?

SV Trịnh Hiền Phương: Cháu học ngoại ngữ nhưng thấy khoa học cơ bản rất quan trọng. Cũng như bác nói, nếu như khoa học cơ bản không phát triển được thì các ngành khoa học khác cũng không thể phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quan niệm đó là rất đúng. Và các bạn học khoa học cơ bản, kỹ thuật không học ngoại ngữ nhưng cũng biết, ngoại ngữ rất quan trọng đúng không các bạn.

SV Nguyễn Minh Phúc, Đại học Sao Đỏ, Hải Dương:
Được biết, Phó Thủ tướng có nhiều năm học tại nước ngoài. Vậy Phó Thủ tướng thấy chương trình đào tạo, học tập nước ngoài có ưu điểm, khác biệt gì so với chương trình đào tạo đại học, cao đẳng trong nước và điểm ưu việt nào có thể áp dụng được cho việc đào tạo trong nước để sinh viên Việt Nam có thể hội nhập nhanh hơn với quốc tế?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bác học đại học ở Bỉ, không học đại học ở Việt Nam nên khó so sánh. Sáng nay ở diễn đàn các trường đại học bác đã nói rồi: Bây giờ rất thuận lợi khi chúng ta ban hành Đề án đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo, tức là đổi mới từ cơ cấu, đến chương trình, phương pháp thi cử, đánh giá chất lượng, đổi mới đội ngũ giáo viên.

Tất cả đều theo một hướng, đó là hướng tới thành công dân toàn cầu, sinh viên toàn cầu, làm sao để sinh viên học đại học xong muốn học cao học tại trường nào cũng được. Để được như vậy có rất nhiều điều phải làm. Nhưng có thuận lợi là chương trình đào tạo của các trường đại học trên thế giới, mình đều có thể tham khảo, họ cũng sẵn sàng chia sẻ. Trong nhiều chương trình giảng dạy, nhất là của các trường đại học tiên tiến, về cơ bản ta đã tham khảo nhiều môn học. Bác tin là càng ngày chương trình giáo dục của Việt Nam sẽ càng gần hơn với chương trình đào tạo của thế giới.

Rất tiếc phải nói lại là bác chưa học đại học trong nước nên chưa so sánh được. Nhưng có điều bác cảm giác là học phổ thông ở nước ngoài có thể nhàn hơn ở Việt Nam nhưng học đại học thì vất vả, nghiêm khắc hơn.

SV Bùi Thanh Toàn, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên: Tôi được biết Phó Thủ tướng cách đây gần 10 năm khi đồng chí là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ấn tượng với tôi khi đó là một đồng chí lãnh đạo trẻ, năng động, thẳng thắn, gần gũi và cởi mở, đến nay ấn tượng đó ngày càng sâu đậm hơn. Được biết khi Quốc hội phê chuẩn đồng chí làm Phó Thủ tướng phụ trách văn hóa-xã hội-giáo dục, bản thân tôi rất tin tưởng và kỳ vọng.

Tôi có một vấn đề xin được trao đổi với Phó Thủ tướng. Cách đây 1 tháng chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) đã diễn ra, qua khảo sát 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, chương trình đã công bố kết quả, rất nhiều nước bất ngờ vì Việt Nam xếp thứ 17/65. Kết quả này cho thấy giáo dục trung học phổ thông của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Còn vấn đề giáo dục đại học chúng tôi thấy ở tỉnh nhà, sinh viên trung bình không có việc làm là chuyện bình thường, sinh viên khá, giỏi khi ra trường không có việc làm cũng là chuyện bình thường. Hiện nay ở Phú Yên có tình trạng thạc sỹ đi làm thợ may. Lý do chính là các bạn có chuyên môn nghề nghiệp nhưng kém về mặt kỹ năng. Các đoàn hội, nhà trường cũng quan tâm đến đào tạo kỹ năng cho sinh viên, nhưng chúng tôi mong muốn là đưa đào tạo kỹ năng mềm vào chương trình khung để dành thời gian và nguồn kinh phí cho đào tạo kỹ năng. Với cương vị là Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội-giáo dục, rất mong Phó Thủ tướng cho biết định hướng của Chính phủ về vấn đề này?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính phủ sẽ tăng cường nhiều biện pháp đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đại học và phương pháp giảng dạy để làm sao học sinh đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực mới cho hội nhập.

Lý do chính về việc thạc sỹ phải đi làm thợ may không phải là do các bạn thiếu kỹ năng mà đây là câu chuyện “con gà quả trứng”. Để giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường và cho lao động, điều đầu tiên chúng ta phải phát triển rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Có nhà máy, có công ty thì người lao động mới có chỗ. Chuyện con gà-quả trứng ở chỗ này là: Nếu chúng ta có nguồn nhân lực tốt, là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ngược lại, khi đầu tư phát triển mạnh thì lại thu hút nguồn nhân lực. Vấn đề này hai bên cùng phải làm.

Đối với Chính phủ, để làm những việc như bạn nói, không chỉ là đổi mới giáo dục cơ bản mà phải có những đổi mới mạnh mẽ trong cơ chế quản lý, đổi mới cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tạo môi trường kinh doanh tốt, nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước cùng phát triển sản xuất kinh doanh. Có khâu rất đặt biệt là doanh nghiệp phải kết hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo, không chỉ trong hỗ trợ kinh phí đầu tư mà còn đặt ra yêu cầu nhân lực để cơ sở đào tạo có định hướng giảng dạy. Nhìn chung chúng ta đã bàn rất nhiều, mong rằng chúng ta cùng nhau, như tôi nói ban đầu, làm tốt hơn việc này trong thời gian tới. Xin cảm ơn bạn.

SV Ma Trần Mỹ Hạnh, ĐH Nông nghiệp Hà Nội: Các bạn đã hỏi nhiều về các vẫn đề kinh tế, khoa học, kỹ thuật của Việt Nam. Cháu xin bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên dân tộc thiểu số chúng cháu về học phí, cộng điểm, chỗ ở. Đảng và Nhà nước đã cho rất nhiều “cá” nhưng bản thân chúng cháu muốn có “cần câu”.

Cháu muốn bản thân và những bạn sinh viên dân tộc thiểu số khác sẽ mang kiến thức của mình về giúp cho cộng đồng dân tộc mình. Cháu mong muốn Đảng, Nhà nước có những chương trình như Chương trình 600 Phó Chủ tịch xã vì chính sinh viên dân tộc thiểu số chúng cháu hiểu rất rõ về cộng đồng dân tộc mình.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hiện nay Chương trình 600 Phó Chủ tịch xã đang được thực hiện với nhiều mục đích, trong đó có mục đích đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các cháu. Bác chỉ muốn nói thêm, xuất xứ của Chương trình này cách đây đã gần 20 năm và bây giờ đang giao cho Đoàn Thanh niên, Bộ Nội vụ thực hiện, đánh giá…

Bác tin rằng nếu chương trình thực hiện tốt thì Đảng, Nhà nước không ngần ngại tiến hành mở rộng… Để chương trình tốt hơn, bác rất mong các cháu khi kết thúc khóa học sẽ về quê nhà công tác, lập nghiệp, trở thành những người đưa quê hương mình đi lên, để thực sự khoảng cách vùng sâu, vùng xa với vùng đô thị gần lại, cùng nhau đi lên …

SV Ma Trần Mỹ Hạnh: Chắc chắn ạ!

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bác rất ấn tượng với cháu vì câu nói này. Sinh viên phải có niềm tin, nếu chúng ta có môi trường tốt, kiến thức tốt, có niềm tin thì sẽ thực sự trở thành công dân không chỉ của ASEAN mà là cả của toàn cầu.

SV Huỳnh Phan Đại Phú Sang, TPHCM: Cháu nhớ hồi học lớp 11, 12, trong các chương trình hướng nghiệp, các thầy hướng nghiệp dạy rằng đại học không phải là con đường duy nhất, chúng ta có thể học cao đẳng, sau đó liên thông lên đại học. Và có những người học trung cấp nhưng hiện giờ vẫn giữ những chức vụ quan trọng… Nhưng đến khoảng cuối tháng 2.2013 khi chúng cháu chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng của hệ cao đẳng để chuẩn bị thi liên thông lên đại học thì có Thông tư của Bộ GDĐT là nếu thi lên hệ chính quy đại học thì phải thi Toán, Lý, Hóa của hệ THPT. Nếu thi môn chuyên ngành thì phải đi làm ở ngoài 3 năm để có kinh nghiệm rồi mới thi được. Có một khó khăn là đến tháng 3 chúng cháu mới biết được Thông tư của Bộ GDĐT nên quay lại học Toán, Lý, Hóa không kịp và đến tháng 8 mới có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trong khi kỳ thi lại tổ chức vào tháng 7. Như vậy chúng cháu sẽ bị muộn mất 1 năm và nếu như đi làm 3 năm để có kinh nghiệm thi chuyên ngành thì thực tế là hiện tại bằng cao đẳng rất khó xin việc. Xin hỏi Phó Thủ tướng có định hướng nào đối với sinh viên hệ cao đẳng trong giai đoạn các bạn muốn học tiếp và muốn liên thông lên không ạ?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tâm tư của cháu là tâm tư của rất nhiều bạn học cao đẳng. Đúng là nếu học cao đẳng xong, ra trường mà có việc ngay thì chúng ta cũng sẵn sàng, để sau 3 năm hoặc thậm chí 5 năm, làm việc tích lũy kinh nghiệm rồi tiếp tục học đại học. Tuy nhiên, hiện tại học cao đẳng xong cũng không xin được việc, cũng không được học tiếp đại học thì đây là một thắc mắc rất đúng đắn.

Tại đây có Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý, đề nghị Bộ xem lại vấn đề này. Tháng 8 mới có kết quả mà tháng 7 đã thi là bất cập về thời gian. Vừa học cao đẳng ở trường vừa phải dành thời gian ôn lại các môn từ thời trung học sẽ làm cho chất lượng học ở trường cao đẳng của các sinh viên bị giảm đi. Đề nghị Bộ GDĐT nghiên cứu và có chủ trương, chính sách sớm để tạo điều kiện hơn cho các cháu.

Sinh viên Đặng Huy Trí: Hiện tại có một số bạn sinh viên Việt kiều rất mong muốn về Việt Nam để đóng góp xây dựng Tổ quốc nhưng có vướng mắc trong lý lịch do bố mẹ từng làm việc trong chế độ cũ, muốn về nhưng không biết phải làm thế nào. Phó Thủ tướng có thể giải đáp giúp cho các bạn không ạ?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta ngồi đây, như bác nói, đều sinh ra sau chiến tranh, chiến tranh qua đi đến giờ gần 40 năm rồi. Đất nước Việt Nam là của người Việt Nam, dù rằng người đó ở miền xuôi hay miền ngược, trong Nam hay ngoài Bắc, dù ở Việt Nam hay đang định cư, học tập, công tác ở nước ngoài. Sự nghiệp bảo vệ đất nước là của tất cả người Việt Nam, không có sự phân biệt nào.

Không ai chọn được bố mẹ, chọn được nơi sinh. Chúng ta là công dân Việt Nam, chúng ta chịu trách nhiệm về chính mình. Tất cả người Việt Nam dù xuất xứ thế nào, dân tộc gì, tôn giáo nào, thì điều đấy cũng không ngăn cản các bạn có cơ hội cống hiến cho đất nước. Cơ hội cống hiến của các bạn phụ thuộc vào khả năng, hoài bão của các bạn.

Cháu hãy nhắn nhủ đến các bạn của cháu rằng, không có sự phân biệt nào cả. Nếu các bạn thấy rằng về Việt Nam có chỗ nào đó mà các bạn cống hiến được thì mời các bạn về. Có rất nhiều con em của bà con Việt kiều về nước, lập gia đình và thăng tiến trong cuộc sống. Bác nghĩ là không có vấn đề gì cả.

Sinh viên Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội SVVN tại CHLB Đức - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Sinh viên Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội SVVN tại CHLB Đức - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

SV Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội SVVN ở CHLB Đức: Cháu xin đại diện cho 16.000 sinh viên Việt Nam tại Đức. Các sinh viên Việt Nam cũng như Việt kiều tại Đức đều đau đáu muốn kinh tế Việt Nam phát triển. Trong chiến lược của chúng ta tới năm 2020 phát triển Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong các ngành kinh tế, theo Phó Thủ tướng, chúng ta cần phát triển đột phá nào? Và chọn khâu đột phá nào để chúng ta có thể phát triển theo kịp các nước trong khu vực và trên thế giới như Bác Hồ từng mong muốn?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu nói tới khâu đột phá thì tuỳ từng thời kỳ. Thời kỳ này Đảng, Nhà nước xác định 3 khâu đột phá là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Làm sao để mở rộng, phát huy tất cả mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong một môi trường thật sự bình đẳng theo kinh tế thị trường.

Thứ 2, hạ tầng của mình còn bất cập, chúng ta phải tập trung đột phá hạ tầng, trước hết là giao thông.

Thứ 3 là nguồn nhân lực. Quốc gia nào cũng cần nguồn nhân lực. Đất nước ta tài nguyên thì có hạn, còn lại vốn quý nhất là con người. Phải đột phá về nguồn nhân lực, trong đó có khâu đào tạo.

Nghe câu hỏi của cháu, bác cảm thấy cháu muốn đề cập đến ngành đột phá.

Về việc này, từng ngành đều có chiến lược phát triển. Bác chia sẻ trên cương vị cá nhân rằng ngành nào cũng rất quan trọng, nhưng bác nghĩ bây giờ chúng ta tập trung vào những ngành giúp cho chúng ta có thể vượt nhanh lên được.

Bác nghĩ công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những ngành cần phát triển đột phá. Bởi thứ nhất, tạo ra giá trị gia tăng lớn, chủ yếu từ trí óc. Không cần đầu tư nhiều nhà máy công xưởng, có thể làm ngay trên máy, quan trọng nữa, CNTT làm ra giá trị giúp thông tin tuyên truyền cũng như đưa thông tin về tri thức đến từng người dân, từng ngóc ngách, phát huy được dân chủ của nhân dân, phát huy được sức sáng tạo của tất cả mọi người dân và nâng cao dân trí. Bác nghĩ đây là lĩnh vực có thể chúng ta sẽ tập trung. Những năm vừa rồi chúng ta đã tập trung phát triển và có bước tiến dài, nhưng dư địa vẫn còn và nên tiếp tục.

Bác xin chia sẻ thêm, điều quan trọng nhất, ngành nào cũng thế, là cần sáng tạo. Có người nói với bác rằng, ở phương Tây, người ta cổ vũ mọi ý tưởng mới. Các cháu nhớ trước đây, năm 1990 có người rao bán đất trên Mặt Trăng, nghe có vẻ điên rồ, nhưng thực tế vẫn có người thu được tiền. Vào khoảng năm 2005, có người bán 1 dot (điểm màn hình - BTV) trên màn hình máy tính lấy 1 USD. Họ đặt ra mục tiêu bán được 1 triệu USD nhưng thu được hơn 1 triệu USD. Khi có ý tưởng mới thì xã hội cần cổ vũ cho ý tưởng đó. Lớp trẻ phải đi đầu, phải quyết tâm khơi dậy sáng tạo, ý tưởng mới, cùng nghĩ ra và kêu gọi xã hội cổ vũ sự sáng tạo.

Bác nghĩ rằng, thanh niên rất cần điều này. Bác xin chia sẻ với các cháu: Hãy hoài bão, hãy sáng tạo và cổ vũ cho sáng tạo.

Ông Lê Quốc Phong: Xin phép được đề xuất với Phó Thủ tướng một nguyện vọng, đó là mỗi năm sinh viên Việt Nam được 1 lần gặp Thường trực Chính phủ, điều này có khả thi không?

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Giao lưu với các bạn sinh viên, các bạn trẻ là việc rất cần thiết. Chính phủ rất tạo điều kiện cho việc giao lưu này. Mỗi năm Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, các đồng chí lãnh đạo đều giao lưu với các bạn thanh niên qua rất nhiều hình thức. Nếu năm nào cũng tổ chức tập trung tại hội trường như thế này thì e rằng sẽ tốn kém. Chúng ta sẽ có giao lưu, mỗi năm một lần bằng những hình thức thích hợp. Khi các bạn có nguyện vọng, qua Trung ương Đoàn, Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của các bạn.
Chinhphu.vn (Theo Chinhphu.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem