Sinh viên không còn ngồi... nhầm trường

Tùng Anh Thứ năm, ngày 10/09/2015 06:42 AM (GMT+7)
Đây là mục tiêu mà Bộ GDĐT mong muốn khi quy định từ ngày 25.10 tới, các trường ĐH trong cả nước sẽ bắt đầu thực hiện việc phân tầng và xếp hạng các trường ĐH theo các tiêu chuẩn rõ ràng, tránh tình trạng sinh viên chọn nhầm ngành, nghề.
Bình luận 0

“Mù” thông tin

Có con học THPT mà anh Nguyễn Văn Ninh (Ninh Giang, Hải Dương) vẫn thấy mù mịt về thông tin các trường ĐH, CĐ: “Hiện tại gia đình và cháu cũng không biết rõ thông tin của các trường, chất lượng đào tạo ra sao để định hướng cho con theo học. Từ trước đến nay mới chỉ “nghe đồn” là trường này tốt, ngành này dễ xin việc, rồi nộp hồ sơ theo cảm tính. Nếu các trường được xếp loại sẽ gỡ khó cho phụ huynh và các cháu học sinh”. Tương tự, theo cô Trần Thu Trang – giáo viên một trường THPT tại TP.Thái Bình, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh tại các trường THPT hiện nay rất khó khăn vì bản thân giáo viên cũng thiếu thông tin. “Nếu công khai chất lượng đào tạo thì công tác định hướng, phân luồng sẽ dễ dàng hơn cho giáo viên phổ thông” - cô Trang nói.

img

Thí sinh sẽ dễ chọn trường hơn khi các trường công khai chất lượng đào tạo. Ảnh: Đ.D

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam  phân tích: “Khi có được những thông tin xếp hạng của từng trường, học sinh sẽ định hướng được việc mình theo các ngành ứng dụng, thực hành hay nghiên cứu, học cái đó ở những trường nào, sức học của mình ở trường đạt hạng 1, 2 hay 3, ngành mình học khả năng xin việc khi ra trường là bao nhiêu… rất rõ ràng”. Tuy nhiên, ông Nhĩ cho rằng, để làm tốt việc phân tầng ĐH phải làm tốt việc phân luồng từ bậc THPT.

3 tầng, 3 hạng

Theo nghị định quy định các tiêu chuẩn về phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH vừa được Chính phủ ban hành, các trường ĐH Việt Nam sẽ được xếp theo 3 tầng, 3 hạng. Cụ thể, phân tầng theo 3 định hướng đào tạo: Ứng dụng, nghiên cứu và thực hành. Ở mỗi tầng, tùy theo chất lượng được sắp xếp vào 3 hạng của khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp: Hạng 1, hạng 2 và hạng 3.

Khi đã xác định được định hướng đào tạo, các trường sẽ tự xếp mình theo tầng. Để đánh giá về xếp hạng, các trường ĐH sẽ được chấm điểm theo các tiêu chí về: Quy mô, ngành nghề, trình độ đào tạo, cơ cấu hoạt động, chất lượng đào tạo, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục… trong đó nhấn mạnh vào tiêu chí đánh giá tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Sẽ có 30% các trường có điểm cao nhất ở hạng 1, 30% các trường có điểm thấp nhất ở hạng 3 và hạng 2 là 40% các trường còn lại. Cũng theo nghị định này, việc phân tầng các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được thực hiện 10 năm 1 lần và việc xếp hạng sẽ được thực hiện theo chu kỳ 2 năm 1 lần.

Đối với các trường ĐH, theo ông Nhĩ, với việc phân tầng xếp hạng việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ sẽ được đưa vào “nền nếp”. “Khi đã được phân tầng, xếp hạng, Bộ GDĐT sẽ phải đưa ra những quy định cụ thể, ví dụ: Trường theo định hướng ứng dụng được tuyển sinh những thí sinh đạt tiêu chuẩn A, trường xếp hạng 1 chỉ được lấy những thí sinh ở mức điểm C… như vậy, việc hỗn loạn tuyển sinh sẽ không còn”- ông Nhĩ nói. 

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, việc phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH nhằm định hướng cho các trường phát triển đúng hướng, xác định được mục tiêu rõ ràng để phát triển lâu dài. Ngoài ra, khi các trường công khai chất lượng đào tạo, người học sẽ có định hướng lựa chọn đúng đắn nhất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem