Sinh viên thuê trọ rồi học… online: Tốn kém nhưng chấp nhận
Sinh viên thuê trọ rồi học… online: Tốn kém nhưng chấp nhận
Thảo Linh
Thứ sáu, ngày 04/03/2022 14:09 PM (GMT+7)
Đến thời điểm này, nhiều trường đại học tại Hà Nội đã cho sinh viên học trực tuyến do dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp. Sinh viên than thở phải thuê trọ rồi… học online, tốn kém nhưng đành chấp nhận.
Sinh viên nhiều trường ở Hà Nội đã có lịch học được gần một tháng, tuy nhiên, hầu hết các trường vẫn cho học online đến tháng 3, hoặc chia ngày đến trường cho sinh viên học theo nhóm trong tháng 2.
Gần cuối tháng 2, Nguyễn Thị Thu Hà, quê Vĩnh Phúc, sinh viên năm thứ 3 của Học viện Báo chí - Tuyên truyền tay xách nách mang đồ đạc xuống Hà Nội để chuẩn bị học trực tiếp. Gia đình Hà không mấy khá giả nên năm ngoái, khi nhà trường thông báo chuyển hình thức học trực tuyến, Hà đã trả phòng trọ.
Trước Tết Nhâm Dần, nghe thông tin các trường ở Hà Nội, trong đó có trường mình cho sinh viên đi học lại, Hà rục rịch tìm phòng trọ mới để thuê. May mắn, nữ sinh đã tìm được phòng trọ với giá ưng ý 1,5 triệu/tháng, chưa thuê luôn nhưng chủ trọ bắt đặt cọc, Hà mất 2 triệu đồng cho tiền cọc cho 2 tháng.
"Khoảng gần một tháng trước, sau thời gian nghỉ Tết là em lại rục rịch xếp đồ đạc đi học. Xuống tới Hà Nội, sát thời gian dự kiến đi học, nhà trường mới thông báo học online, đến giờ vẫn học online ở nhà trọ. Theo thông báo, bọn em sẽ đi học vào ngày 14/3 tới", Hà nói.
Nữ sinh chia sẻ, chấp nhận mất tiền cọc nhà lại vẫn phải học online khiến cô… hơi chán. Học online không hiệu quả, phải hạn chế ra đường khi số ca F0 ở Hà Nội đang tăng cao chưa từng có, bạn bè cũng ngại gặp nhau, phí sinh hoạt tăng khi giá xăng tăng, đến cả mớ rau cũng tăng giá…
"Em đang tìm việc làm thêm để có thu nhập giảm bớt chi phí, làm part time cũng được cho đến khi đi học trực tiếp", Hà chia sẻ.
Nữ sinh này nói thêm, nhiều bạn của cô rơi vào cảnh thuê trọ để học online… do lỡ đặt cọc tiền trọ, họ phải xin thêm bố mẹ chi phí sinh hoạt hàng ngày khi học xa nhà.
Nguyễn Thị Dung, quê Phú Thọ, sinh viên năm cuối ngành Dược, Đại học Dược Hà Nội cho biết, hiện tại ở trường, nữ sinh vừa học online, vừa học offline. Đối với những sinh viên năm cuối học chuyên ngành cần có thực hành như Dung, việc học trực tiếp rất quan trọng.
"Sau thời gian nghỉ Tết là bọn em quay trở lại trường nhưng vẫn giữ hình thức học song song. Tức là đến trường để thực hành, và có tiết học online thì học ở nhà trọ. Hiện tại em đang thi cuối kỳ trực tiếp, sau đó sẽ lại học online", Dung nói với Dân Việt và cho biết, tiền thuê nhà trọ nữ sinh phải nhận hỗ trợ từ bố mẹ.
Lê Văn Công, sinh viên năm 1 Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, tâm trạng vốn đang háo hức đến trường khi trường thông báo học trực tiếp từ 23/2 thì trước đó vài hôm, trường thông báo chỉ có sinh viên khóa cuối mới được đến trường, các khóa còn lại học trực tuyến.
"Em đồng ý với cách chuyển đổi hình thức học linh hoạt của nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, hơi có chút bất tiện khi những sinh viên tỉnh lẻ như em phải đi tìm phòng trọ, rồi để bây giờ lại học online trong khi mạng internet ở phòng trọ rất kém, khu trọ đông đúc. Mong rằng dịch bệnh sớm qua đi, mọi người đảm bảo 5K để các sinh viên được trở lại trường", Công nói.
Nên tận dụng thời gian để phát triển kỹ năng mềm
Theo chia sẻ của một giảng viên tâm lý – giáo dục, khi thích ứng với bình thường mới, sinh viên cần thay đổi tư duy nhận thức theo một cách tích cực. Tốn kém chỉ là vấn đề trước mắt, tuy nhiên, hãy nhìn nhận vấn đề, nếu đã chấp nhận học online ở nhà trọ thì ngoài thời gian học online, các sinh viên nên tận dụng thời gian để phát triển kỹ năng mềm.
Hay những bạn sinh viên có kỹ năng mềm, lanh lợi, nhưng điểm học tập còn kém thì trong dịch, các bạn hãy học tập, trau dồi kiến thức...
Giảng viên cũng gợi ý một số tips hữu ích giúp sinh viên "vượt qua" tâm lý căng thẳng hoặc tiêu cực khi học tập trong mùa dịch như sắp xếp lại góc học tập thoải mái, phân bố thời gian học tập hiệu quả, tích cực trao đổi, thảo luận với thầy cô và bạn bè, rèn luyện sức khỏe bản thân….
"Các bạn thuê trọ nếu không may trở thành F0, khi đó nên báo ngay cho nhà trường hoặc khoa để được sự hỗ trợ, kể cả nếu gặp vấn đề về tâm lý, tôi nghĩ các thầy cô cũng sẽ phần nào giải quyết được suy nghĩ tiêu cực của bạn", vị giảng viên tâm lý nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.