Sinh viên Việt ở nước ngoài không muốn gặp cảnh “trên trải thảm dưới trải đinh” khi về nước
Sinh viên Việt ở nước ngoài không muốn gặp cảnh “trên trải thảm, dưới trải đinh” khi về nước cống hiến
Hồng Phúc
Thứ sáu, ngày 21/04/2023 17:04 PM (GMT+7)
Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Úc cho rằng để thu hút sinh viên đã tốt nghiệp về Việt Nam, chính sách tuyển dụng cần nêu rõ cơ hội thăng tiến, tránh tình trạng “trên trải thảm dưới rải đinh”.
Chiều 21/4, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ của Thành phố thông qua các chương trình học bổng du học và cơ hội dành cho du học sinh Việt Nam được thực tập và làm việc tại các công ty, tập đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài”.
Sinh viên mong không gặp cảnh “trên trải thảm, dưới trải đinh”
Đại diện Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại các nước cho biết hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp đều chọn ở lại nước đang học tập để làm việc vì cơ hội việc làm, thu nhập, cơ sở nghiên cứu.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Úc cho biết đại đa số sinh viên Việt Nam quay về nước làm việc chủ yếu là khi visa 485 kết thúc và không được bảo trợ ở lại.
Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, tình hình có một số thay đổi khi kinh tế Úc phát triển chậm lại, nhu cầu tuyển dụng ít đi, mức độ cạnh tranh cao hơn.
“Các bạn đã hiểu rõ hơn rằng nếu làm việc trong nước với vốn ngoại ngữ và trải nghiệm ở nước ngoài thì lợi thế cạnh tranh cao hơn, cộng với sự quyết tâm và tận tụy trong công việc. Dần dần, sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ muốn tiếp tục ở lại đi làm và tỷ lệ muốn về nước ngay đang dần cân bằng”, ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, để thu hút các du học sinh về nước làm việc nói chung và làm việc ở khu vực công nói riêng, cần có cơ chế đãi ngộ hợp lý đối với nhân lực có chuyên môn sâu được đào tạo bài bản từ nước ngoài.
“Đất nước ta tuy còn hạn chế về ngân sách, nhưng vẫn cần phải cân đối sao cho các đối tượng nhân tài này đủ sống, dư dả để họ có thể chuyên tâm làm việc, không bận tâm những vấn đề khác. Tất nhiên không thể ngang bằng với nước ngoài nhưng thực sự phải hợp lý”, ông Đạt nói.
Theo Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Úc, chính sách tuyển dụng cũng nêu rõ cơ hội thăng tiến trong công việc, từ cấp thấp lên cấp cao hơn mất bao lâu, điều kiện là gì nên được thống nhất và tuyên truyền rõ ràng ngay từ đầu, “tránh tình trạng trên trải thảm, dưới rải đinh”.
Ông Đạt cho rằng chủ trương, chính sách tuyển dụng phải rõ ràng dành cho các đối tượng này, ví dụ như với mức độ năng lực, chuyên môn và kinh nghiệm như thế ở nước ngoài thì khi về nước họ sẽ vào vị trí phù hợp tương ứng như phó phòng, trưởng phòng thay vì bắt đầu ở cấp cán sự, chuyên viên.
“Nếu họ đã có một vị trí nhất định ở các công ty, tập đoàn nước ngoài thì việc quay về các cơ quan, đơn vị công tại TP.HCM để làm một vị trí thấp hơn là hoàn toàn không khả quan”, ông Đạt nhấn mạnh.
Cần tăng cường học bổng cho học sinh tài năng
Ông Nguyễn Xuân Nguyên - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore cho biết để thu hút nguồn lực từ nước ngoài đối với nền kinh tế và xã hội của Singapore, chính phủ Singapore đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi.
Đầu tiên, Singapore tập trung thu hút các thế hệ tài năng trẻ từ nước ngoài, đặc biệt là từ vùng Đông Nam Á tới Singapore học tập qua các chương trình học bổng chính phủ tại các trường đại học công danh tiếng ở Singapore.
Theo ông Nguyên, để khuyến khích việc tuyển dụng nhân tài, chính phủ Singapore đã ban hành chính sách giảm thuế đối với các khoản chi tiêu của công ty, doanh nghiệp cho việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài, cũng như tiền lương và phúc lợi của đối tượng này.
Ông đề nghị tăng cường số lượng học bổng trao cho các học sinh tài năng theo học đại học, thạc sĩ, nghiên cứu tiến sĩ tại các trường đại học uy tín trên thế giới tại các quốc gia đặc biệt phát triển về công nghệ, kỹ thuật, với điều kiện quay về làm việc tại các đơn vị công sau khi hoàn thành khoá học và lộ trình phát triển rõ ràng.
Ông Trần Thiện Quang - Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, mong muốn phía TP.HCM có thể thúc đẩy hơn nữa việc kết nối các doanh nghiệp Hàn Quốc đến với Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc để có thể quảng bá thêm được nhiều cơ hội việc làm đến với sinh viên.
Ông Lâm Hùng Tấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết các ý kiến, đề xuất đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.HCM. Các ý kiến thể hiện sự quan tâm, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đang sinh sống và hoạt động tại nước ngoài.
Theo ông Tấn, TP.HCM đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, các lĩnh vực công nghệ thông tin, AI và truyền thông luôn cần nhân tài trẻ nhiều kỹ năng, kinh nghiệm tốt làm việc cho các cơ quan, đơn vị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.