Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 9/11, ĐB Lưu Văn Đức (tỉnh Đắk Lắk) đã gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: "Bộ có giải pháp gì trong thời gian tới để đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận sử dụng và hưởng lợi từ công cuộc chuyển đổi số quốc gia? Bộ trưởng làm gì để đồng bào thiểu số không bị bỏ lại phía sau trong công cuộc cách mạng này?".
Trả lời, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong đề án Chuyển đổi số mà Chính phủ đã phê duyệt, chuyển đổi số cho vùng sâu, vùng xa được coi là ưu tiên. Lý do là vì với chuyển đổi số chỗ nào càng khó khăn thì chỗ đó chuyển đổi số càng phát huy hiệu quả. Cho nên chuyển đổi số nên bắt đầu từ nơi khó.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Về hạ tầng viễn thông, Bộ TT&TT đang chỉ đạo phải phủ sóng 3G, 4G cho tất cả bà con tại các vùng sâu, vùng xa để có thể truy cập Internet. Về hạ tầng thanh toán điện tử, trong năm nay, Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho thí điểm mobile money để bà con ở vùng sâu, vùng xa không cần tài khoản ngân hàng có thể thực hiện thanh toán điện tử được.
"Bà con ở vùng sâu, vùng xa có khó khăn là không có điện thoại thông minh. Hiện nay đã có chương trình hợp tác giữa nhà mạng và nhà sản xuất điện thoại trong nước để hỗ trợ bán điện thoại thông minh với giá từ 600.000 - 700.000 đồng/chiếc để hỗ trợ bà con trong chuyển đổi số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
Việt Nam sẽ có smartphone giá rẻ chỉ từ 600.000 đồng. (Ảnh minh họa)
Bộ trưởng TT&TT nhấn mạnh thêm: Chuyển đổi số cho bà con vùng miền núi đầu tiên là ưu tiên trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục trực tuyến để cho học sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận được bài giảng chất lượng cao và những giáo viên giỏi nhất Việt Nam.
Tiếp theo là vấn đề y tế, ở vùng sâu, vùng xa rất ít bác sĩ nên hệ thống khám chữa bệnh từ xa sẽ được triển khai cho bà con. Cùng với đó là mở các sàn giao dịch thương mại điện tử để bà con bán được nải chuối, quả cam đã sẵn sàng.
Vừa qua, Bộ cũng đã triển khai thí điểm một số xã thông minh ở vùng sâu, vùng xa với các nội dung nói trên. Dự kiến cuối năm nay sẽ sơ kết các chương trình thí điểm để nhân rộng.
Bộ trưởng dẫn chứng cụ thể một số thành công bước đầu. Thời gian qua, Bộ đã triển khai thí điểm chuyển đổi số trên 10 xã, đặc biệt tập trung các xã miền núi. Một xã ở Bắc Kạn nhờ việc đưa công nghệ số để quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại, thu nhập bà con trong hợp tác xã đã tăng từ 1 - 1,5 triệu thành 3 - 3,5 triệu đồng mỗi tháng.
Tại Yên Mô, Ninh Bình, nhờ việc ứng dụng phần mềm y tế từ xa để hỗ trợ khám, chăm sóc sức khỏe đã giúp tiết kiệm thời gian đi làm cho bà con, bà con có thể tiếp cận bác sĩ trên toàn quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.