Sở Công Thương Hà Nội giải trình gì về quy hoạch chợ đầu mối, cơ sở chế biến nông sản?

Bách Thuận Thứ sáu, ngày 12/05/2023 10:12 AM (GMT+7)
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, từ nay đến 2025, nếu đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án đã có nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án thì 7 chợ đầu mối nằm trong quy hoạch sẽ đạt được mục tiêu.
Bình luận 0

Quy hoạch 7 chợ đầu mối thì hiện có 2 chợ đang hoạt động

Tại phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội do Thường trực HĐND TP.Hà Nội tổ chức sáng 12/5, đại biểu Hoàng Thúy Hằng (quận Đống Đa) đã có chất vấn với lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội về công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp.

Đại biểu Hoàng Thúy Hằng chất vấn: Năm 2012, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quyết định số 17, phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp của Thành phố đến năm 2020, định hướng đến 2030; đã giao cho các Sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện 9 giải pháp để thực hiện quy hoạch.

Trong đó có giải pháp về thị trường, cụ thể là xây dựng mạng lưới chợ đầu mối, chợ nông thôn nhằm tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân; đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông sản để tạo ra thị trường ổn định.

Đề nghị Sở Công Thương cho biết việc triển khai thực hiện giải pháp này như thế nào? Sau 10 năm thực hiện quy hoạch, Thành phố có thêm bao nhiêu chợ đầu mối, có bao nhiêu cơ sở chế biến nông sản tập trung để đầu tư, góp phần giải bài toán được mùa, mất giá?

Sở Công Thương Hà Nội giải trình gì về quy hoạch chợ đầu mối, cơ sở chế biến nông sản? - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Thúy Hằng chất vấn lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội về quy hoạch chợ đầu mối. Ảnh: PH

Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Thúy Hằng, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trên địa bàn TP.Hà Nội có quy hoạch 595 chợ, trong đó có 7 chợ đầu mối, còn lại là các chợ hạng 1, 2, 3.

Với 7 chợ đầu mối được quy hoạch ở Gia Lâm, Quốc Oai, Mê Linh, Ba Vì, Phú Xuyên, đến thời điểm này có 2 chợ đang hoạt động là chợ đầu mối Minh Khai, chợ đầu mối Nam Hà Nội, còn lại các chợ đang trong quá trình triển khai thực hiện.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội thông tin, với chợ ở Gia Lâm, TP.Hà Nội đã ký kết với 1 đơn vị của Pháp để nghiên cứu khả thi, hiện đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, Sở đã báo cáo UBND Thành phố, xin chủ trương của Thường trực Thành ủy để Thành phố giao cho các đơn vị kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi đầu tư chợ này.

Với chợ đầu mối nông sản ở huyện Mê Linh tại xã Thanh Lâm và Kim Hoa có diện tích khoảng 23 ha, hiện nay đã có nhà đầu tư. Chợ đầu mối Thạch Thán ở Quốc Oai cũng có nhà đầu tư, cũng đang trong quá trình lập nghiên cứu khả thi.

Chợ đầu mối ở Phú Xuyên, Ba Vì, 2 huyện cũng đang tích cực, đã đề xuất đưa vào vị trí cụ thể trong phương án phát triển hạ tầng thương mại sắp tới để cập nhật vào quy hoạch Thủ đô.

"Từ nay đến 2025, nếu đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án đã có nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án, thúc đẩy kêu gọi đầu tư thì 7 chợ đầu mối nằm trong quy hoạch chúng ta sẽ đạt được mục tiêu" – bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Tiếp tục kêu gọi đầu tư chợ

Theo bà Lan, trên địa bàn Hà Nội có 5 chợ có tính chất đầu mối như chợ hoa quả Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ Lành về vải vóc và chợ hoa Quảng An, lãnh đạo Thành phố cũng đang chỉ đạo các đơn vị rà soát, làm rõ, xác định xem có nâng cấp được thành các chợ đầu mối để đưa vào quy hoạch, nếu không thì xác định là chợ hạng 1, có tính chất đầu mối để giúp cho thu mua hệ thống nông sản của nông dân Hà Nội, nông dân các tỉnh về tiêu thụ.

Đối với hạ tầng chợ nông thôn, hiện có 453 chợ, trong đó mạng lưới chợ nông thôn là 308 chợ.

Sở Công Thương Hà Nội giải trình gì về quy hoạch chợ đầu mối, cơ sở chế biến nông sản? - Ảnh 2.

Về giải pháp trong thời gian tới, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nói sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư chợ. Ảnh: PH

"Trong những năm vừa rồi cơ chế chính sách không cho sử dụng ngân sách đầu tư công vào các chợ nên các chợ ở nông thôn sập xệ, xuống cấp. Vừa rồi có cơ chế đặc thù sử dụng vốn ngân sách để đầu tư các hạ tầng chợ này, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị đưa vào đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025. Trong kế hoạch của Thành phố, đã đưa vào kế hoạch cải tạo 168 chợ, xây dựng mới 141 chợ. Thành phố cũng xác định kêu gọi xã hội hóa để giảm ngân sách cho đầu tư công" – lãnh đạo Sở Công Thương thông tin.

Về giải pháp trong thời gian tới, bà Lan cho biết, với hệ thống quy hoạch chợ đầu mối, Sở này sẽ cùng cùng với các Sở, ngành khác thúc đẩy thẩm định các dự án, kêu gọi xã hội hóa và cố gắng phấn đấu năm 2024 với chợ có dự án rồi thì Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nhanh để cho các chủ đầu tư có thể triển khai.

Còn những chợ như đầu mối Yên Thường thì Thành phố cũng sẽ tập trung kêu gọi đầu tư, phấn đấu 2023 – 2025 sẽ khởi công xây dựng; các chợ đầu mối khác tiếp tục kêu gọi đầu tư.

Với hệ thống các cơ sở chế biến nông sản, Sở Công Thương đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà lại trong quy hoạch, xác định rõ quy hoạch để kêu gọi đầu tư. Với góc độ của Sở Công Thương, trong phương án phát triển của mạng lưới logistics, Sở này sẽ đẩy mạnh, đưa vào hệ thống phát triển các kho lạnh để giúp cho chế biến, bảo quản hàng nông sản đạt giá trị cao.

"Rất mong muốn Thành phố quan tâm chỉ đạo các quận huyện, tập trung rà soát kế hoạch đầu tư công, đưa vào giai đoạn đầu tư công trong năm 2023, 2024, 2025 để đầu tư, cải tạo hệ thống chợ nông thôn, để phục vụ tiêu thụ nông sản cho người dân… Rất mong có những cơ chế chính sách sát với thực tiễn" - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem