Sử sách ghi lại trong thời gian xây dựng lại thành Thăng Long vào mùa hạ năm Giáp Tí (1804), Tổng trấn Nguyễn Văn Thành dưới triều đại nhà Nguyễn đã cho dân chúng kinh thành họp chợ trên khu đất khi đó là khu đất trống thuộc phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương nằm trước quán Huyền Thiên (sau đổi thành chùa Huyền Thiên) mà nay trên đó là chợ Đồng Xuân.
Tuy nhiên lúc ấy chợ cũng chưa lớn và cũng bình thường như bao chợ khác, có thể còn thua xa chợ ở cạnh chùa Cầu Đông, phố Hàng Đường và chợ cạnh đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm. Hai chợ này nằm ngay bến sông Tô Lịch, thuyền bè tấp nập, nên rất thuận tiện cho giao thương. Trong mấy chợ trên thì nghe nói chợ Cầu Đông đông đúc và sầm uất hơn cả.
Sau khi người Pháp thiết lập hoàn toàn sự cai trị ở xứ Bắc Kỳ và đất kinh thành Hà Nội, vào năm 1889, người Pháp quy hoạch lại Hà Nội, lấp sông ngòi, phá thành cổ, làm cầu, mở đường, xây công trình… và khúc sông Tô Lịch chạy qua các phố cổ bị lấp hoàn toàn. Chính quyền thuộc địa Pháp giải tỏa chợ Cầu Đông ở phố Hàng Đường và chợ gần đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm, dồn tất cả hàng quán vào khu chợ trên đất phường Đồng Xuân và từ đó chợ mang tên Đồng Xuân thực sự ra đời. Có thể nói tuy nằm trong khu phố cổ nhưng tuổi đời của chợ Đồng Xuân "trẻ" hơn rất nhiều so với tuổi đời các phố cổ xung quanh nó. Lúc đầu chợ Đồng Xuân cũng chỉ có một số lều tranh tre, nứa lá giống như hai chợ cũ bị dồn đến, còn phần lớn vẫn họp ngoài trời trên bãi đất.
Năm 1890, chính quyền thuộc địa bắt đầu cho xây dựng chợ Đồng Xuân với quy mô khá lớn nếu so với điều kiện lúc bấy giờ. Chợ được thiết kế với 5 dãy nhà cầu kết cấu vòm. Mỗi nhà có chiều dài 52 mét, rộng 25 mét, cao 19 mét, lợp mái tôn. Trong chợ xây nhiều bục gạch để người bán bày hàng hóa. Mặt tiền của các nhà cầu đó có kiến trúc theo kiểu Pháp với 5 hình tam giác ứng với 5 nhà cầu vòm. Trên các kết cấu mặt tiền hình tam giác ấy có trổ các lỗ giống như tổ ong. Toàn bộ khu chợ có diện tích khoảng trên 6.500m2. Tầm vóc và kiến trúc của chợ Đồng Xuân rất ấn tượng trong bối cảnh kinh thành Hà Nội khi đó các công trình bê tông, sắt thép còn rất ít.
Để dễ hình dung ta có thể so sánh, chợ Đồng Xuân xây xong năm 1890. Trong khi đó, Tháp nước Hàng Đậu xây năm 1894, Cầu Long Biên năm 1902 mới có. Nhà hát Lớn Hà Nội hoàn thành năm 1911… Nghĩa là các công trình có "xi măng sắt thép kiểu Tây" này nếu so với chợ Đồng Xuân thì chúng đúng là những kẻ "hậu sinh".
Tuy chợ xây cất mới to, bề thế như vậy nhưng sau khi hoàn thành thì chợ Đồng Xuân không hiểu vì lý do gì cũng chỉ họp kiểu "cách nhật" tức là hai ngày một phiên. Có thể dân cư Hà Nội lúc ấy còn thưa nên nhu cầu giao thương không nhiều?
Phải một thời gian khá lâu sau khi kinh tế, thương mại phát triển thì chợ mới họp từ sang đến tối. Các mặt hàng mới dần dần được các tiểu thương buôn bán đa dạng từ hàng nông sản, rau quả rồi vải vóc, đồ kim khí cùng hàng nhập khẩu từ bên Pháp sang, từ Trung Quốc xuống, Ấn Độ vào…
Đã có nhiều bài vè về chợ Đồng Xuân, ví dụ:
… "Hà Nội như động tiên sa/ Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần
Vui nhất có chợ Đồng Xuân/ Mùa nào thức ấy xa gần đến mua
Nhưng cũng rất lạ là chợ Đồng Xuân từ ngày mới ra đời cho đến bây giờ cũng vậy: tuy chợ hoạt động rất nhộn nhịp nhưng chỉ họp ban ngày, chiều mới tà tà, thậm chí chỉ khoảng 3-4 giờ chiều là nhiều sạp hàng đã thu dọn, đóng quầy. Có lẽ do chợ là đầu mối bán buôn, khách buôn các tỉnh về cất hàng thì chỉ từ sáng đến trưa, chiều họ về nên chợ không họp chiều muộn…
Chợ Đồng Xuân sau năm 1945
Tháng 12 năm 1946, khi toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, chợ Đồng Xuân đã diễn ra những trận giáp lá cà giữa bộ đội ta của trung đoàn Thủ dô và quân địch diễn ra quanh các quầy hàng, phản thịt… Ngày nay ở góc cửa chính vào chợ có Đài kỷ niệm và bức phù điêu để tưởng nhớ đến trận chiến mùa đông năm 1946 ấy.
Sau năm 1954, hòa bình lập lại, chính quyền cách mạng tiếp quản Thủ đô, chợ Đồng Xuân vẫn là chợ lớn nhất của Hà Nội. Mặt tiền chợ là phố Đồng Xuân, con phố cùng tên với tên chợ, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là phố Nguyễn Thiện Thuật. Ngay sát sau chợ Đồng Xuân là chợ Bắc Qua. Vì vậy nhiều người gọi cả hai là "chợ Đồng Xuân - Bắc Qua".
Sau một trăm năm tồn tại, chợ Đồng Xuân xuống cấp và dột nát rất nhiều, đến thập niên 80 của thế kỷ XX mỗi khi có trận mưa lớn thì trong chợ không khác gì ngoài trời. Do đó vào năm 1990, chợ được xây dựng lại, phá bỏ hai dãy hai bên, ba dãy giữa xây lên ba tầng. Hai tấm cửa hai bên cũng bị dỡ, nhưng vẫn còn giữ hai cột ngoài cùng.
Thế nhưng chợ Đồng Xuân mới xây lại hoạt động chưa được bao lâu thì tối ngày 14 tháng 7 năm 1994, chợ Đồng Xuân đã bị hỏa hoạn, lửa thiêu rụi gần như toàn bộ các gian hàng trong chợ. Phải đến ngày 19 tháng 7 thì ngọn lửa mới được dập tắt hoàn toàn. Đây là vụ cháy chợ lớn nhất tại Hà Nội cho từ xưa đến nay.
Tôi còn nhớ những ngày chợ Đồng Xuân ấy bị cháy. bởi chợ mới xây xong đưa vào hoạt động chưa được bao lâu, kết cấu toàn bê tông cốt thép. Thậm chí sáng hôm sau khi thông tin cháy chợ loan ra, nhiều người còn không tin cho rằng ai đó "bịa". Bê tông cốt thép như thế làm sao cháy được, chỉ đến khi mấy ngày liền nhìn thấy xe cứu hỏa cắn đuôi nhau lấy nước từ Hồ Gươm về để phun dập lửa cháy thì mọi người mới tin là thật!
Năm 1995, chợ Đồng Xuân dược xây dựng lại với ba tầng, tổng diện rich mặt bằng các tầng lên tới gần 14.000 m2 với khoảng 2000 gian hàng. Trong chợ có khu giao dịch, khu bán hàng, nhiều cầu thang, cả thang máy cuốn và thang bộ. Có ba lối vào phía trước, ba lối vào phía sau, hai lối vào bên hông… như ta thấy bây giờ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.