Sợ Covid-19, trì hoãn điều trị dẫn đến ung thư vú giai đoạn cuối

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 25/02/2022 03:13 AM (GMT+7)
Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân nữ bị ung thư vú di căn giai đoạn cuối. Đáng nói, bệnh nhân này đã được chẩn đoán ung thư nhưng e ngại dịch Covid-19 nên trì hoãn điều trị.
Bình luận 0

Biết ung thư vú vẫn trì hoãn điều trị

Theo tin từ Trung tâm Y học hạt nhân - Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân là chị V. T. O (45 tuổi, quê ở Hải Dương) với chẩn đoán ung thư vú.

Qua khai thác tiền sử bệnh, bệnh nhân cho biết, chị tự sờ thấy có u ở vú phải từ trước đó nhưng đến tháng 6 năm 2021 chị mới đi khám tại bệnh viện K.

Tại đây bệnh nhân được khám và chẩn đoán xác định là ung thư vú phải di căn hạch nách phải. Nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 và điều kiện gia đình thời điểm đó nên bệnh nhân đã trì hoãn không điều trị bệnh ung thư vú.

Sợ Covid-19, trì hoãn điều trị dẫn đến ung thư vú giai đoạn cuối - Ảnh 1.

Khám sàng lọc ung thư vú tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh BVCC)

Đến tháng 1/2022, bệnh nhân thấy u vú phải, vùng nách phải sưng to nhiều, đau vùng vú, nách phải, cột sống chị đến khám tại Trung tâm Y học hạt nhân - Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai).

Tại đây bệnh nhân được thăm khám lâm sàng và phát hiện thấy có tổn thương khối u lớn 1/2 trên vú phải, thâm nhiễm da vùng u, kém di động kèm theo có nhiều hạch hố nách phải, chắc, kém di động.

PGS.TS. Phạm Cẩm Phương - Trung tâm Y học hạt nhân - Ung bướu cho biết, các kết quả chiếu chụp cho thấy, sau 1 thời gian trì hoãn không đến khám và điều trị, bệnh ung thư vú của bệnh nhân O đã tiến triển, khối u vú to lên về kích thước, hạch nách lớn nhanh và có tổn thương di căn xương (di căn xa). Bệnh chuyển sang giai đoạn 4 (giai đoạn cuối).

Ở giai đoạn bệnh này, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng hóa trị toàn thân trước và đánh giá sau các liệu trình để quyết định phương pháp điều trị tiếp theo.

Ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn 1 và 2, khả năng điều trị khỏi lên đến đến 90%. Tuy nhiên, bệnh nhân O đã trì hoãn đến viện dù đã phát hiện khối u từ sớm. Điều này dẫn đến việc bệnh tiến triển nặng đến giai đoạn 4. Đây là giai đoạn điều trị khó khăn, tỷ lệ khỏi bệnh rất hạn chế, chi phí tốn kém.

Ung thư vú ngày càng trẻ hóa

Bác sĩ Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Phẫu thuât Lồng ngực (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, ung thư vú là bệnh lý ác tính của tế bào tuyến vú. Ung thư vú nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ cải thiện đáng kể chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và có những giải pháp điều trị phù hợp thì sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Theo bác sĩ Tuấn, ung thư vú có xu hướng trẻ hóa, cả ở những phụ nữ trẻ chưa có gia đình. Mới đây, khoa Phẫu thuât Lồng ngực đã phối hợp với Trung tâm Y học hạt nhân - Ung bướu để điều trị cho 1 bệnh nhân bị ung thư vú mới 33 tuổi, chưa lập gia đình.

Bệnh nhân là chị Trần Phương D, đã nhập viện vào khoa từ giữa tháng 1/2022 với chẩn đoán phát hiện vú phải. Khối u khoảng 1,5cm, không đau, không chảy dịch bất thường núm vú. Chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị ung thư biểu mô xâm nhập, típ NST độ II ở vú phải.

Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật ung thư: cắt tuyến vú bảo tồn quầng núm vú, có sinh thiết tức thì tổ chức sau núm vú để đảm bảo không có tế bào ung thư ở diện cắt núm vú.

Đồng thời, để đảm bảo thẩm mỹ cho bệnh nhân, các bác sĩ đã tái tạo, tạo hình vú cùng thì bên phải bằng vạt da cơ lưng rộng bên phải. Sau khi ổn định về nội khoa, bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị nội ung bướu bằng hóa chất, nội tiết...

Như vậy, đối với các bệnh nhân nữ ung thư vú còn trẻ, chưa lập gia đình, ngoài điều trị bệnh, các bác sĩ sẽ chú trọng đảm bảo thẩm mỹ cho bệnh nhân để chị em trở lại với cuộc sống một cách chất lượng nhất.

Yếu tố tăng nguy cơ mắc ung thư vú

"Những người có yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú bao gồm: Tiền sử gia đình: phụ nữ có mẹ, con gái, chị/em gái bị ung thư vú, có đột biến gen BRCA1 và BRCA2; Tuổi cao: phụ nữ ≥ 40 tuổi;

Phụ nữ có tiền sử chiếu xạ vào vùng ngực; Phụ nữ có tiền sử bị ung thư trước đó: đã bị ung thư một bên vú, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư đại tràng…

Phụ nữ có hành kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi); Phụ nữ mang thai muộn (> 30 tuổi), không mang thai, không cho con bú; Phụ nữ béo phì, hút thuốc lá;"

Bác sĩ Vũ Anh Tuấn


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem