Số hóa xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn

Trần Quang Thứ sáu, ngày 25/11/2022 08:37 AM (GMT+7)
Đó là ý kiến và đề xuất mà nhiều đại biểu, chuyên gia nêu ra tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu” tổ chức tại Hà Nội, ngày 24/11.
Bình luận 0

Buổi tọa đàm "Xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu" do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức. 

2.467 tỷ đồng xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Định – Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NNPTNT) cho biết, ngày 25/3/2022, Bộ trưởng Bộ NNPTNT ký Quyết định số 1088 về phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. 

Đề án được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh gồm Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang.

Số hóa xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn - Ảnh 1.

Nông dân tại HTX ở Yên Châu (Sơn La) dùng điện thoại chăm sóc cây ăn quả xuất khẩu. Ảnh: Minh Ngọc

Đề án chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2022-2023) sẽ hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích 166.800ha gồm cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc 14.000ha; gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, FEFC, VFCS) vùng duyên hải miền Trung 22.900ha; cây cà phê Tây Nguyên 19.700ha; lúa gạo vùng tứ giác Long Xuyên 50.000ha; cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười 60.200ha.

Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, HTX, nông dân liên kết trong vùng nguyên liệu. Thí điểm hình thành 136 tổ khuyến nông cộng đồng, tổ chức 770 lớp tập huấn tư vấn phát triển hợp tác xã, kết nối thị trường... Tổng kinh phí thực hiện đề án 2.467 tỷ đồng.

Theo ông Định, trong đề án này, sẽ phát triển các HTX, THT nông dân liên kết với doanh nghiệp. Đề án cũng sẽ có sự vào cuộc hệ thống khuyến nông cộng đồng.

Tích cực hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, Trung tâm đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy từ tư tuy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trước mắt, sẽ hình thành 5 vùng nguyên liệu tập trung ở 13 tỉnh, thành.

"Đối với đề án tăng cường năng lực của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở ở cộng đồng - đây là động lực kết nối vùng nguyên liệu. Cùng với hỗ trợ hạ tầng, thông qua lực lượng khuyến nông chúng tôi gọi là hỗ trợ phần mềm, tăng cường năng lực cho cả chuỗi sản xuất" - ông Thanh nói và cho rằng: Nông dân có sản xuất đúng quy trình không cũng cần đến lực lượng khuyến nông. Nông dân có kết nối được thị trường cũng cần đến lực khuyến nông. Làm thế nào để cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ xuất khẩu nước ngoài mà trong nước cũng rất cần.

Số hóa xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn - Ảnh 3.

Sơn La là một trong 13 tỉnh thuộc vùng thí điểm của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Lê Quốc Thanh cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được giao xây dựng các tổ cộng đồng. Trước mắt, mỗi tỉnh xây dựng 10 tổ để tham gia vào vùng nguyên liệu này. Trong đó, 26 tổ sẽ được xây dựng thí điểm để tăng cường năng lực.

"Việc đầu tiên chúng tôi phải chuyển đổi số, tích hợp các gói công nghệ cho các vùng nguyên liệu khác nhau. Ví dụ doanh nghiệp muốn có sản phẩm đi Mỹ thì phải có quy trình sản xuất phù hợp để xác định sản phẩm sẽ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chúng ta phải xác định muốn làm sản phẩm nào cũng phải có quy trình chuẩn ở các tiểu vùng khác nhau..." - ông Thanh phân tích.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục BVTV khẳng định: Sắp tới xu thế và định hướng của ngành bảo vệ thực vật là khuyến khích và làm nào để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi bền vững và lâu dài. 

Theo ông Đạt, trước hết cần thay đổi về nhận thức của các hộ sản xuất, các doanh nghiệp; sau đó là thúc đẩy việc xây dựng quy trình sản xuất bài bản; thúc đẩy việc xúc tiến các sản phẩm nông sản chủ lực vào các thị trường tiềm năng. 

Bà Ngô Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam:

Hiện Ameii đang tham gia thu mua trên 30 mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu tới rất nhiều quốc gia trên thế giới. Trong quá trình thu mua, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn vì vùng nguyên liệu còn manh mún, nhỏ lẻ, thứ 2, công tác thu hoạch của bà con nông dân còn hạn chế... Một khó khăn nữa là về giá mua. Doanh nghiệp thu mua luôn mong muốn mua được nông sản với giá cố định và cam kết bảo đảm tiêu thụ cho bà con nông dân. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, doanh nghiệp và nông dân có những tiếng nói chung trong hợp tác xây dựng chuỗi giá trị nông sản.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật:

Để khắc phục những khó khăn trong việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, đầu tiên vẫn là nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn để các lực lượng này nắm rõ, nắm chắc tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ mã số vùng trồng.

Thứ hai, là hoàn thiện cơ sở tiêu chuẩn, nâng cao thành tiêu chuẩn của Việt Nam. Từ đó xây dựng bộ tiêu chuẩn thống nhất trong mọi quy trình có áp dụng mã số vùng trồng.

Thứ ba, tiếp tục ký kết và đồng hành với các hiệp hội, giúp các hiệp hội phổ biến tới người dân những nội dung và quy chuẩn trong xây dựng mã số vùng trồng.

Cuối cùng là đưa kế hoạch xây dựng chuyển đổi số vào giám sát chặt mã số vùng trồng, làm sao quản lý tốt các lô hàng xuất khẩu, đảm bảo công tác xuất khẩu đáp ứng đúng yêu cầu mà đối tác đưa ra.

Hải Đăng (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem