Triều Tiên đang nỗ lực từng bước đi trên con đường hoàn thành kết quả phi hạt nhân hóa sau khi thông báo sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân ở miền bắc đất nước vào cuối tháng và phóng viên quốc tế được mời đến đưa tin.
Các nhà khoa học đang làm việc trong cơ sở hạt nhân Yongbyun. Ảnh chụp màn hình từ YTN/Korea Times
Tuy nhiên, dù bước đi bất ngờ của quốc gia Đông Bắc Á này làm dấy lên hi vọng về một nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, song mục tiêu này có lẽ cần thời gian dài mới đạt được vì tương lai của các nhà khoa học Triều Tiên – não bộ đằng sau chương trình vũ khí hạt nhân – đang là dấu hỏi lớn.
Theo báo Korea Times, giới chuyên gia Hàn Quốc và quốc tế ước tính việc “xóa bỏ bộ não” chương trình hạt nhân sẽ ảnh hướng tới 10.000 nhà khoa học – trong đó có 200 lãnh đạo chủ chốt, 2.000 chuyên gia và 6.000 kỹ thuật viên.
Song câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, người coi những nhà khoa học là “quân bài chiến lược quốc gia”, có chấp thuận yêu cầu trên?
Theo báo Asahi Shimbun ra cuối tuần qua, khi tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm Triều Tiên vào tháng Năm và gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un để thảo luận về hội nghị thượng đỉnh, Washington đã yêu cầu Bình Nhưỡng đưa các nhà khoa học Triều Tiên ra nước ngoài và phá hủy dữ liệu chương trình vũ khí hạt nhân để đảm bảo Triều Tiên đạt được kết quả phi hạt nhân hóa hiệu quả nhất.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump lo ngại một khi còn trong tay các nhà khoa học, Bình Nhưỡng vẫn có thể tái khởi động chương trình hạt nhân trong tương lai.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 14/5 cho biết, Bình Nhưỡng phải “vĩnh viễn dỡ bỏ vũ khí hạt nhân và chuyển các vật liệu hạt nhân tới một nước thứ 3”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trao tặng một nhà khoa học hạt nhân chiếc đồng hồ có khắc tên cố Chủ tịch Kim Jong Il vì những đóng góp cho an ninh quốc gia. Ảnh: Korea Times
Chung Sung Jang – nghiên cứu viên cấp cao thuộc Viện Chiến lược an ninh quốc gia Sejong Hàn Quốc, nhận định: “Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, vấn đề ưu tiên hàng đầu sẽ có thể liên quan đến việc vận chuyển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa, urani và các thành phần hóa học khác cần thiết cho chương trình hạt nhân (của Triều Tiên) ra nước ngoài. Xong vấn đề đó mới giải quyết tới các nhà khoa học Triều Tiên. Tôi nghĩ hai nước phải xem xét vấn đề này cẩn thận và chậm rãi”.
Thực tế trong lịch sử có thể thấy việc kiểm soát công nghệ hạt nhân phải đảm bảo các nhà khoa học hạt nhân không sử dụng chuyên môn để tái sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Lấy ví dụ trường hợp nhà vật lý hạt nhân người Pakistan Abdul Qadeer Khan thì thấy rõ nếu không giải quyết vấn đề các chuyên gia thì có thể dẫn đến sự gia tăng vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Theo bài báo, trong suốt những năm 1980-1990, ông Khan được cho là đã giúp Triều Tiên, Iran và Libya phát triển chương trình hạt nhân bằng cách chuyển giao các bản thiết kế và các bộ phận cần thiết để thực hiện công nghệ liên quan, bao gồm làm giàu urani.
Mỹ cũng bí mật tiếp nhận hơn 1.600 nhà khoa học tên lửa, kỹ sư và kỹ thuật viên sau giai đoạn Đức quốc xã từ năm 1945 đến 1959. Chính những người này sau đó đã cung cấp tin tình báo và chuyên môn cho chương trình không gian của Mỹ trong cuộc chạy đua với Liên Xô.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.