Sở Y tế TP.HCM: Mua bán thuốc kháng virus điều trị Covid-19 là bất hợp pháp
Sở Y tế TP.HCM: Mua bán thuốc kháng virus điều trị Covid-19 là bất hợp pháp
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 09/12/2021 18:34 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp chiều 9/12, đại diện Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh việc mua bán bất cứ loại thuốc điều trị Covid-19 nào chưa được Bộ Y tế cấp phép đều là bất hợp pháp.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Bộ Y tế đã cấp phát cho TP.HCM hơn 25.000 liều Molnupiravir. Địa phương đang điều chuyển hơn 12.000 gói thuốc C (Molnupiravir) từ các cơ sở y tế chưa sử dụng đến những nơi cần hơn.
Ngoài thuốc kháng virus này, ngành y tế thành phố cũng được Bộ cung ứng 2.300 liều Favipiravir cùng nhóm. Bên cạnh đó, TP.HCM còn một số loại thuốc đông y hoặc thuốc y học dân tộc, hơn 30.000 liều thực phẩm chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe người dân khi mắc Covid-19.
"Như vậy, thành phố có lượng thuốc được quản lý kiểm soát chặt chẽ trước tình hình F0 tăng thời gian qua. Gói thuốc C, kháng virus sẽ được cấp phát cho F0 cần sử dụng", bà Mai cho biết.
Tuy nhiên, những F0 là người trẻ, không có bệnh nền, không có dấu hiệu của bệnh thì không nên sử dụng thuốc kháng virus. Sở Y tế TP.HCM đã tham mưu Ban Chỉ đạo Covid-19 thành phố và được chấp thuận triển khai chiến dịch chăm sóc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi, có bệnh nền…
Ngay khi nhóm đối tượng này được phát hiện dương tính, phường sẽ cấp phát các gói thuốc đến tận nhà. Các loại thuốc kháng virus chỉ sử dụng đúng đối tượng. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định hoặc không đúng sẽ dẫn đến hệ quả là kháng thuốc, gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Bà Mai nhấn mạnh, thuốc kháng virus Molnupiravir là thuốc đang được sử dụng thử nghiệm, chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành nên việc rao bán trên không gian mạng hoặc mua bán trên thị trường đều bất hợp pháp.
"Không chỉ thuốc Molnupiravir mà các loại thuốc kháng virus chưa được Bộ Y tế cấp phép khi rao bán đều là bất hợp pháp. Sở đang phối hợp công an thành phố điều tra truy vết các trường hợp có ghi nhận mua bán và sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố. Quan điểm của Sở là xử lý nghiêm tất cả trường hợp vi phạm", bà Mai nói.
Đề cập chiến dịch tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại (mũi 3) vaccine Covid-19, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, nhiều người dân còn hiểu lầm giữa khái niệm tiêm bổ sung với tiêm nhắc lại.
Ông Tâm lý giải liều tiêm nhắc lại (mũi 3) được áp dụng cho người đã tiêm đủ 2 mũi, thời gian tiêm là sau 6 tháng tính từ mũi tiêm cuối cùng. Mũi bổ sung áp dụng cho đối tượng suy giảm miễn dịch trên 50 tuổi, có bệnh nền, nhóm đối tượng dễ tổn thương. Thời gian tiêm mũi này sau 28 ngày, sau mũi tiêm cuối cùng.
Về kế hoạch thực hiện, cơ sở y tế sẽ lên danh sách đối tượng cần tiêm liều bổ sung hoặc nhắc lại. Ngành y tế sẽ phối hợp chính quyền, công an để xác minh thông tin.
Quy trình xác minh thông tin được làm chặt chẽ. Đơn vị tổ chức tiêm chủng phối hợp người dân cung cấp thông tin, còn công an phường xã sẽ là đơn vị xác minh. Sau khi xác minh, danh sách được gửi đến điểm tiêm. Từ đó, nhân viên y tế sẽ tiêm cho người dân theo chỉ định mũi tiêm nhắc lại hoặc bổ sung.
Tính đến 18h ngày 8/12/2021, có 482.544 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 481.964 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 580 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 13.177 bệnh nhân, trong đó có 473 trẻ em dưới 16 tuổi, 472 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 8/12 có 1.217 bệnh nhân nhập viện, 1.167 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 288.174), 76 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 18.706).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.