Sốc phản vệ do ong đốt, các bác sĩ khuyên cách phòng tránh và sơ cứu
Sốc phản vệ do ong đốt, các bác sĩ khuyên cách phòng tránh và sơ cứu
Diệu Linh
Thứ năm, ngày 25/08/2022 06:06 AM (GMT+7)
Một tuần trở lại đây, Bệnh viện đa khoa Mộc Châu (Sơn La) tiếp nhận nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu do bị ong đốt, điều đáng nói có bệnh nhân đã tử vong ngay tại nhà.
Tin từ Bệnh viện đa khoa Mộc Châu cho biết, từ ngày 17-23/8, bệnh viện tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ong đốt, có bệnh nhân bị sốc phản vệ độ II.
Một bệnh nhân là cụ ông 70 tuổi, vào viện với dấu hiệu khó thở, buồn nôn, mẩn ngứa toàn thân, sốc phản vệ độ II, do bị cả một tổ ong mật đốt vào vùng đầu, vùng mặt.
Trường hợp thứ 2 là nam thanh niên 32 tuổi, nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, mẩn ngứa sau khi bị 20 con ong vò vẽ đốt nhiều vào vùng đầu.
Trường hợp thứ 3 là nam thanh niên 31 tuổi, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, mẩn ngứa nhiều. Qua thăm khám các bác sĩ phát hiện 20 vết ong vò vẽ đốt ở nhiều vị trí. Gia đình cho biết, mẹ anh này cũng bị ong đốt, tuy nhiên bà đã tử vong tại nhà.
Bác sĩ Vũ Đức Quang – Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Mộc Châu) cho biết, các bệnh nhân bị ong đốt nhập viện đều có tình trạng mệt mỏi nhiều và buồn nôn. Một số người có thể dẫn đến tiêu cơ vân và thường xuân hiện sau 24-48 giờ bị ong đốt.
Hiện sức khỏe của các bệnh đều đã ổn định, và luôn được theo dõi sát.
Xử lý khi bị ong đốt thế nào?
Bác sĩ Vi Hoàng Thuyên, Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện đa khoa Mộc Châu) khuyến cáo: Khi bị ong đốt ngoài các triệu chứng như mệt mỏi nhiều, buồn nôn, người bệnh có thể bị tiêu cơ vân, thường xuất hiện sau 24-48 giờ, thậm chí có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ong vò vẽ thường làm tổ nơi lộ thiên, trên cành cây, bụi cây hoặc trong mái nhà. Tổ ong gồm nhiều lớp, hình dáng như trái banh hay bắp cải, bề mặt nhăn nên dân gian thường gọi là ong mặt quỷ.
Thông thường, chỉ ong thợ mới đốt người và động vật để tự vệ khi tổ của chúng bị phá hoặc đe dọa. Ong vò vẽ bị thu hút bởi màu sặc sỡ, nước hoa. Đặc biệt, chúng sẽ đuổi theo những người, động vật bỏ chạy sau khi chọc phá tổ ong.
Do vậy, tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng bu lại tấn công.
Khi bị ong đốt, trước khi đến cơ sở y tế để xử lý, người bị ong đốt cần nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng cách:
- Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.
- Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần.
- Uống nhiều nước để loại thải độc tố.
- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
- Sau khi xử trí như trên người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.
Cần đưa ngay nạn nhân bị ong đốt đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Có nhiều vết đốt;
- Bị đốt vào các vùng đầu mặt, cổ kèm theo dấu hiệu phù nề lan nhanh;
- Có các dấu hiệu toàn thân sốt, mệt mỏi, khó thở, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu, có dấu hiệu dị ứng hoặc trước đây từng bị dị ứng với ong đốt, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.