Sóc Sơn: Chuyển đổi 528ha đất trồng lúa, nhiều diện tích cho tiền tỷ

Minh Huệ Thứ tư, ngày 20/05/2020 19:00 PM (GMT+7)
Huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa rà soát kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2017-2020 và đăng ký kế hoạch chuyển đổi cơ cấu trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Bình luận 0


Sóc Sơn: Chuyển đổi 528ha đất trồng lúa, nhiều diện tích cho tiền tỷ - Ảnh 1.

Mô hình trồng cây thìa canh trên đất lúa tại xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn.

Thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, huyện Sóc Sơn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được hơn 528ha sang trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả, cây cảnh, thảo dược (dược liệu).

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, diện tích đất thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của huyện hầu hết là các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, gặp khó khăn về hệ thống tưới, tiêu, hiệu quả kinh tế thấp...

Việc chuyển sang trồng các loại cây hoa màu, cây ăn quả, cây thảo dược (dược liệu)... là biện pháp quan trọng giúp tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao giá trị trên đơn vị canh tác, tăng thu nhập cho người dân huyện Sóc Sơn.

Không chỉ có vậy, còn tạo động lực, khuyến khích nhân dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông sản thế mạnh trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Sóc Sơn.

Sóc Sơn: Chuyển đổi 528ha đất trồng lúa, nhiều diện tích cho tiền tỷ - Ảnh 2.

Sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xuất hiện nhiều mô hình trồng cây ăn trái, rau màu, thảo dược cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Huân

Trên cơ sở công tác chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2017-2020, huyện Sóc Sơn đã dần hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung: Vùng trồng rau hữu cơ, rau an toàn, VietGAP, rau công nghệ cao với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Thanh Xuân, Tân Dân, Hiền Ninh, Đông Xuân, Minh Phú, Phú Cường, Phù Linh...; vùng trồng cây ăn quả với quy mô từ 5ha trở lên tại các xã Phú Cường, Phú Minh, Thanh Xuân, Tân Dân, Xuân Giang, Nam Sơn, Đông Xuân, Quang Tiến...; vùng trồng cây dược liệu, thảo dược với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã Bắc Sơn, Hiền Ninh, Minh Trí, Nam Sơn, Xuân Giang...

Trong quá trình chuyển đổi, người dân địa phương đã đầu tư khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho nông dân với giá trị trung bình các loại hình chuyển đổi/ha canh tác đạt từ 330 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha trở lên.

Về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết: Hiện trạng đất trồng lúa đến năm 2020 của huyện Sóc Sơn là hơn 9.512ha. Trong giai đoạn tới, huyện sẽ tập trung chuyển đổi hơn 1.614ha đất lúa sang trồng rau, hoa, cây ăn quả, cây cảnh, thảo dược và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem