Sốc: Thứ hàng triệu người ngậm vào miệng mỗi ngày lại toàn hóa chất

Chủ nhật, ngày 20/05/2018 14:00 PM (GMT+7)
Những chiếc tăm xỉa răng hàng ngày được người dân làng nghề ngày đêm sản xuất để cung cấp ra thị trường. Từ những công đoạn chẻ nan, chuốt nan, cắt… đến công nghệ tẩy trắng tăm bằng hóa chất lưu huỳnh được các cơ sở sản xuất tăm ở đây “vô tư” sử dụng.
Bình luận 0

img

Nghề làm tăm trẻ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân ở làng Quảng Phú Cầu. Ảnh: IT

Phóng viên Thương hiệu và Pháp luật tìm về làng nghề Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa – Hà Nội) chứng kiến cảnh người dân tấp nập làm tăm, nghề thu hút đủ mọi đối tượng tham gia từ trẻ em 5 – 10 tuổi đến các cụ già 70 – 80 tuổi chẻ nan. Sau công đoạn này, những chiếc nan được người dân phơi ven đường sau 1 -2 nắng rồi đưa vào cơ sở sản xuất.

Tìm vào cơ sở sản xuất của anh T, một trong những cơ sở làm tăm khá lớn trong làng nghề, chúng tôi được anh T giới thiệu các công đoạn làm tăm. Sau khi cho vào máy chà, sát hình thành những que tăm, cho đi phơi một vài nắng, sau đó đưa vào bể để ngâm tẩy trắng bằng hóa chất. Theo anh T, hóa chất của người làm nghề chủ yếu là lưu huỳnh. Sau 1 -2 ngày tăm được tẩy trắng bằng hóa chất, người làm nghề đưa ra để làm thành phẩm.

img

Tuy nhiên, chính việc phát triển không an toàn đang gây ra nhiều hệ lụy... Ảnh minh họa.

Bước chân vào cơ sở của anh T, chúng tôi chứng kiến hàng chục công nhân làm nghề, tiếng máy cắt, máy chà, sát… tiếng ồn inh tai, nhức óc. Không chỉ vậy, PV đứng chừng 10 phút, bụi bẩn bay mù mịt, bám đầy quần áo, không khí ngột ngạt, người mới tiếp xúc phải chạy ra ngoài. Vậy mà những người dân làm nghề quanh năm phải chấp nhận tiếp xúc với bụi bẩn, tiếng ồn ô nhiễm...

Anh T thừa nhận, tiếng ồn, ô nhiễm bụi, nước thải hóa chất…tại các cơ sở sản xuất ở làng nghề là khó tránh khỏi. Số người bị ảnh hưởng từ nghề liên quan đến viêm phế quản, viêm phổi, lao của người làm nghề ngày càng gia tăng.

img

Người làng Quảng Phú Cầu thường dùng hóa chất để ngâm và tẩy trắng vật liệu làm tăm. 

Những năm trước, tre, vầu được người dân làm nghề đưa về ngâm dưới nước khoảng một thời gian, khi vớt lên để làm tăm thì bốc mùi khó chịu. Nhưng hiện nay, nhận thấy sự ô nhiễm của nguồn nước, của nguyên liệu làm tăm, nên người làm nghề chuyển sang làm tăm bằng cật giang. Tuy nhiên, công đoạn xử lý hóa chất thủ công của các cơ sở sản xuất được người làm nghề “vô tư” sử dụng.

Chúng tôi tìm đến cơ sở của anh H ở ven làng. Trao đổi với chúng tôi, anh H cho biết, trước đây người làm nghề dùng công đoạn xử lý tăm xỉa răng bằng cách cho lưu huỳnh vào đốt để tăm trở lên trắng hơn. Người ta đưa tăm ra khu vực sân rộng, quây tròn rồi đưa lưu huỳnh đốt mục đích cho khói lưu huỳnh vào những bó tăm để lấy mầu trắng…

img

Không chỉ thế, nước thải chứa hóa chất còn xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. 

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, một số cơ sở đã bỏ công nghệ tẩy bằng lưu huỳnh mà thay vào đó là tẩy tăm xỉa răng bằng xút (NaOH) được mua từng tải từ Trung Quốc. Khi công đoạn cuối cùng, người làm nghề đưa loại xút NaOH vào ngâm cùng với tăm trong bể, rồi để khoảng 1 ngày hôm sau vớt ra, tăm trắng tinh.

Theo phản ánh của nhiều người dân làm nghề thì sau khi xử lý tăm xỉa răng bằng chất NaOH, hầu hết các cơ sở sản xuất đổ nước thải hóa chất ra ngoài cống rãnh, sông ngòi xung quanh làng, gây ô nhiễm trầm trọng.

Ông Lê Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết: “Hiện nay, trong xã chưa có hộ nào đăng ký kinh doanh về việc sản xuất tăm tre nên việc quản lý sản xuất của chính quyền địa phương tới các hộ dân vẫn khó khăn. Việc cấp bách bây giờ là vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ việc các hộ gia đình dùng hóa chất tẩy tăm thải thẳng ra môi trường”.

Theo ông Dịu, chính quyền địa phương đã đề nghị cấp trên thành lập điểm công nghiệp làng nghề sản xuất tăm tre, nhưng điểm công nghiệp còn quá nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất của các hộ dân. Năm 2012, chính quyền huyện Ứng Hòa cũng có quyết định mở rộng điểm công nghiệp làng nghề, nhưng vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, vì thế thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Quỳnh Hương (TH&PL)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem