Sóc Trăng: Chán tôm thẻ, nuôi giống tôm có 2 càng xanh, cần tiền lại quăng chài bắt con to đem bán

Thứ sáu, ngày 14/07/2023 05:02 AM (GMT+7)
Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ, ông Nguyễn Văn Điếu, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã quyết định chuyển sang nuôi tôm càng xanh chuyên canh trong ao tôm sú, tôm thẻ để nâng cao thu nhập. Sự chuyển đổi mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông.
Bình luận 0

Quăng chài bắt những con tôm càng xanh trong ao để xem độ lớn của chúng, ông Điếu thổ lộ: “Việc thu hoạch tôm càng xanh khác hơn tôm thẻ. Với con thẻ khi thu hoạch cần phải đồng loạt cùng một thời điểm, còn tôm càng xanh trong cùng một ao nuôi, có thể chài mỗi ngày để bắt tôm lớn bán. Số lượng tôm còn lại trong ao vẫn sinh trưởng tốt. Chứng tỏ con tôm càng xanh có sức sống tốt, đặc biệt tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, bởi tôm sống được ở môi trường nước ngọt, lợ, mặn và chịu độ mặn lên đến 10‰”.

Được biết, ông Điếu bắt đầu nuôi tôm từ năm 1998, thời điểm bấy giờ con tôm được nuôi trên nền đất lúa, phần lớn là tôm sú và mô hình nuôi vụ lúa - vụ tôm được ông duy trì nhiều năm. Khoảng 10 năm trở lại đây, ông Điếu đã cải tạo ruộng nuôi tôm, trồng lúa sang đào ao thả nuôi tôm thẻ. Tôm thẻ trong 1 năm, thả nuôi từ 2 - 4 đợt nên lợi nhuận đem lại tại hộ rất tốt. 

Nhưng khoảng 5 năm gần đây, việc nuôi thẻ gặp nhiều khó khăn, bất lợi đối với hộ nuôi mà nguyên nhân là do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh trên tôm khó kiểm soát, yếu tố môi trường tác động và gần đây là giá tôm nguyên liệu sụt giảm, giá chi phí vật tư nuôi tôm tăng cao, dẫn đến việc hộ nuôi tôm không có lời, thậm chí còn bị thua lỗ. 

Với thực trạng nêu trên, năm 2020, ông Điếu nuôi tôm thẻ bị thua lỗ số tiền lên đến hàng chục triệu đồng trên diện tích nuôi tôm 6.500m2, do đó, ông đã quyết định chuyển nuôi thẻ sang nuôi tôm càng xanh.

Sóc Trăng: Chán tôm thẻ, nuôi giống tôm có 2 càng xanh, cần tiền lại quăng chài bắt con to đem bán - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Điếu, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thu hoạch tôm càng xanh mỗi ngày bán theo đơn đặt hàng. Ảnh: THÚY LIỄU

Mùa vụ đầu tiên nuôi tôm càng xanh (năm 2022) đã đem về lợi nhuận cho ông Điếu gần 100 triệu đồng/5 ao nuôi (6.500m2). Vụ nuôi năm 2023 đang bước vào thời điểm thu hoạch, giá bán tôm ổn định từ 135.000 - 140.000 đồng/kg (tôm 20 con/kg). 

Ông Điếu chia sẻ: “Tôi thả nuôi 28.000 con giống tôm càng xanh, trong 5 ao. Trừ số tôm bị hao hụt trong quá trình nuôi đến thu hoạch còn lại khoảng 15.000 con, xem như mùa vụ nuôi thành công". 

Hiện tại, số tôm càng xanh đang được ông Điếu thu hoạch mỗi ngày, cung cấp theo đơn đặt hàng của khách hàng. Tính đến nay, đã thu hoạch khoảng 200kg tôm. Dự kiến số lượng tôm đến cuối năm 2023 mới thu hoạch dứt điểm ước tính sản lượng hơn 1 tấn. 

Nhìn từ thực tế, tôm càng xanh nuôi lợi nhuận không nhiều so với tôm thẻ, nhưng tôm càng xanh có lợi thế hơn là không gặp rủi ro về dịch bệnh, thị trường ưa chuộng. Thời gian nuôi tôm càng xanh vụ thuận khoảng 4,5 - 6 tháng, cho thu hoạch thành 1, 2 đợt là dứt điểm hay suốt các tháng còn lại trong năm, theo ý muốn của hộ nuôi.

“Diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện gần 19.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm càng xanh khoảng 50ha. Tôm càng xanh ít dịch bệnh, thích nghi tốt với vùng nuôi. Mô hình nuôi tôm càng xanh được xem là mô hình nuôi thủy sản bền vững. Để mùa vụ nuôi tôm thành công, khuyến cáo người dân chọn nguồn giống ở các cơ sở sản xuất uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trước khi thả nuôi cần cải tạo ao nuôi thật kỹ. Thời điểm thả nuôi tôm, phải dựa theo tình hình thời tiết thực tế, nhằm giúp tôm sinh trưởng tốt, giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi” - đồng chí Tăng Thanh Chí - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên chia sẻ.

Thúy Liễu (www.baosoctrang.org.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem