Sóc Trăng: Loài sâu mới tấn công hàng chục ha dừa, sâu gì mà đẻ nhanh, làm chết khô dừa hàng loạt?

Thứ tư, ngày 06/04/2022 18:40 PM (GMT+7)
Năm 2021, tại tỉnh Sóc Trăng xuất hiện sâu đầu đen (Opisina arenosella Walker). Ðây là loài sâu hại mới, có khả năng lây lan nhanh và khó phòng trừ, khi sâu gây hại nặng sẽ làm chết cây dừa.
Bình luận 0

Ðến đầu tháng 4/2022, sâu đầu đen tiếp tục xuất hiện và diện tích dừa bị sâu đầu đen gây hại tại các địa phương của Sóc Trăng khoảng 50ha...

Sóc Trăng: Loài sâu mới tấn công hàng chục ha dừa, sâu gì mà đẻ nhanh, làm chết khô dừa hàng loạt? - Ảnh 1.

Ông Trần Minh Phụng, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có vườn dừa bị sâu đầu đen “tấn công” thiệt hại 100%.

Sâu đầu đen được ghi nhận đầu tiên tại vườn dừa của hộ dân xã Long Ðức, huyện Long Phú. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều diện tích dừa của hộ dân tại xã bị sâu tấn công mạnh, dẫn đến dừa bị chết khô cả cây hàng loạt.

Theo ước tính của ngành chuyên môn tại một số địa phương thuộc huyện Long Phú, diện tích vườn dừa do sâu đầu đen gây hại hơn 30ha trong năm 2021. Ngoài huyện Long Phú có diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công, thì một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh, đã ghi nhận sự xuất hiện gây hại của sâu đầu đen trên dừa.

Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, diện tích dừa toàn tỉnh Sóc Trăng hơn 9.300ha, được trồng nhiều nhất tại các huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Kế Sách, Mỹ Tú, Châu Thành, Trần Ðề… các giống dừa được trồng như dừa ta, dừa xiêm... 

Tính đến nay, diện tích dừa trên địa bàn tỉnh bị nhiễm sâu đầu đen là 50ha, trong đó diện tích nhiễm nhẹ hơn 26ha, nhiễm trung bình hơn 12ha và nhiễm nặng trên 10ha.

Gương mặt đượm buồn, khi vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại, ông Nguyễn Thanh Minh, ấp Lợi Ðức, xã Long Ðức, huyện Long Phú, bộc bạch: “Vườn dừa của gia đình tôi đã 16 năm tuổi, cho thu nhập bình quân 3-4 triệu/tháng. Tuy nhiên, vào tháng 6-2021 phát hiện vườn dừa bị héo khô lá, nghĩ do bọ cánh cứng nên tôi tập trung bỏ thuốc trên đọt dừa trừ bọ nhưng không hiệu quả, bởi dừa bị sâu đầu đen tấn công". 

"Khi biết vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công, tôi đã chặt bỏ tàu lá bị sâu, phun thuốc diệt sâu, giờ vườn đã dần hồi phục tốt, đợi mùa mưa tới sẽ tiếp tục phun thuốc, bón thêm phân dưỡng cây. Theo tôi, sâu đầu đen có sự lây lan nhanh, nên tất cả hộ dân có dừa bị sâu gây hại cùng đồng lòng diệt sâu mới hiệu quả…” - ông Minh nói.

Theo đó, sâu đầu đen trưởng thành sẽ đẻ trứng thành từng ổ nhỏ, trứng mới đẻ hình bầu dục màu vàng nhạt và chuyển sang màu đỏ khi gần nở. Khi nở (ấu trùng) sâu sẽ tập trung thành đàn và từ từ di chuyển để ăn lá dừa, ấu trùng trải qua thời gian dài từ 32-48 ngày nên khả năng gây hại rất nhanh. 

Ðồng thời, ấu trùng cạp phần biểu bì ở mặt dưới của lá. Nhả tơ bao phủ xung quanh cơ thể kết dính phân và các mảnh vụn tạo thành nơi trú ẩn giống như đường hầm, sâu sẽ ẩn mình trong những đường hầm này để gây hại, lá bị gây hại bị khô, héo và có màu trắng xám. 

Khi ăn hết lá già sâu tấn công dần lên các tàu lá bên trên, thậm chí tấn công luôn cả vỏ trái nếu mật số cao. Trong trường hợp sâu bùng phát ở diện rộng, hàng nghìn cây dừa có thể bị tàn phá; hoa và trái non bị rụng hàng loạt, năng suất bị giảm một nửa, cây chậm phát triển. 

Cây non thường chết, khi bị sâu tấn công mạnh, thường sâu đầu đen thích tấn công những cây dừa lâu năm hơn dừa non, bởi sâu thích ăn lá trưởng thành và ăn từ phần dưới lên trên.

Ông Trần Vĩnh Nghi, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thông tin: Ðây là loài sâu gây hại nhanh trên dừa, để phòng trừ sâu hiệu quả, người trồng dừa cùng đồng lòng phòng trừ sâu, tránh lây lan diện rộng. 

Theo đó, người dân nên áp dụng một số biện pháp phòng trừ sâu đầu đen là cắt tỉa những tàu lá, lá chét, trái dừa bị sâu gây hại và cây ký chủ (chuối, cau…), tiêu hủy chúng bằng cách đem ngâm chúng trong nước hoặc đốt ngay lập tức trong ngày. 

Ðây là một trong những khâu quan trọng nhất và cần phải được thực hiện tập trung, đồng loạt và đồng thời cần có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương để vận động nông dân thực hiện hiệu quả biện pháp này khi phát hiện sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa. 

Ðồng thời, áp dụng biện pháp sinh học để kiểm soát sâu đầu đen gây hại trong vườn dừa để bảo đảm an toàn cho con người và môi trường. Cùng với đó, tùy theo điều kiện thực tế khu vườn và hộ sản xuất lân cận mà người dân, áp dụng biện pháp hóa học, đây là biện pháp sau cùng và cần được cân nhắc trước khi sử dụng. 

Chú ý khi phun thuốc, phải đảm bảo theo đúng khuyến cáo về an toàn cho người và môi trường xung quanh. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gốc sinh học để diệt sâu ở vườn có mật số cao. Phun thuốc bằng máy có áp lực cao, ít nhất 5 lít nước/cây và phun ướt thấm đều 2 mặt lá. Phun lặp lại lần 2 cách lần 1 từ 7-10 ngày, luân phiên các hoạt chất thuốc. Khi phun thuốc, phải đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng"...


Nguyễn Thành (baocantho.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem