Sóc Trăng: Nông dân bỏ túi hàng trăm triệu nhờ trồng sầu riêng chung vườn với mít Thái
Sóc Trăng: Nông dân bỏ túi hàng trăm triệu nhờ trồng sầu riêng chung vườn với mít Thái
Chủ nhật, ngày 14/06/2020 13:06 PM (GMT+7)
Kế Sách là “thủ phủ” của các loại cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng, trong đó có nhiều loại đặc sản như: chôm chôm, măng cụt, vú sữa, bưởi, cam… trong đó sầu riêng và mít Thái là loại cây trồng được nhiều nhà vườn lựa chọn, bởi năng suất trái cao, giá bán tốt tùy vào thời điểm thị trường tiêu thụ trong năm...
Theo tính toán của nhà vườn, sầu riêng và mít Thái là 2 loại trái cây đã và đang đem về lợi nhuận cao cho nhà vườn. Nhận thấy được lợi nhuận tốt từ trái sầu riêng và trái mít nên anh Trần Ngân Thảo, ở ấp Ba Lăng, xã Kế Thành (Kế Sách) đã chuyển đổi diện tích trồng lúa của gia đình sang trồng 2 loại cây ăn trái trên, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Đến tham quan vườn mít Thái của anh Thảo đang trong giai đoạn thu hoạch, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú bởi trong mùa hạn, mặn nhưng vườn mít Thái của anh rất xanh tốt, mỗi cây mít cho 3 - 4 trái với độ lớn đồng đều nhau.
Đưa tay nâng quả mít tầm 15kg cho chúng tôi xem, anh Thảo bộc bạch: “Khu vườn mít có diện tích 5.000m2. Đây là phần đất sản xuất lúa 3 vụ/năm nhưng do năng suất lúa không ổn định, giá cả bấp bênh, lợi nhuận thấp nên tôi quyết định chuyển sang trồng mít Thái. Trước đó hàng chục năm, tôi đã trồng cây sầu riêng khá thành công, còn cây mít Thái chỉ mới trồng gần 3 năm nay nhưng đã bán trái được 1 đợt và đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch tiếp theo".
Theo anh Thảo, đây là giống mít Thái siêu sớm, thời gian xuống giống đến thu hoạch tầm 12 tháng, nhưng để cây cứng cáp hơn anh Thảo đã dưỡng cây đến 18 tháng mới lấy trái bán, trong đợt trái chiến (vụ đầu thu hoạch - PV) với 5.000m2 mít, sản lượng mít thu về hơn 3 tấn trái.
"Sở dĩ năng suất chưa cao do tôi bỏ bớt trái trên cây, mỗi cây chỉ chừa lại tầm 2 - 4 trái, chứ mít Thái ra hoa trái rất nhiều, 1 cây có thể cho đến 50 trái/năm (mít 6 năm tuổi). Nếu để trái nhiều mà cây nhỏ sẽ mất sức, trái không lớn, khó bán và chỉ được vài vụ cây sẽ chết...", anh Thảo chia sẻ bí quyết.
Chính vì vậy, theo kinh nghiệm trồng mít Thái của anh Thảo, để dưỡng cây và thu trái đạt kích cỡ theo thị trường nên để mỗi cây vài trái. Nhằm đảm bảo lượng nước tưới cho cây mít trong mùa hạn, mặn, anh đã làm hệ thống tưới phun tự động cho khu vườn.
Anh làm bằng cách đào ao lót bạt bơm nước ngầm tưới vườn hay tranh thủ nước ngọt về tích trữ nước ngọt trong ao bạt tưới cho vườn mít, vừa tiết kiệm nước vừa bảo vệ được cây.
Ngoài vườn mít Thái đang phát triển tốt thì vườn sầu riêng 2,6ha của anh Thảo cũng đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch rộ.
Anh Thảo chia sẻ: “Hàng chục năm gắn bó cùng cây lúa, đời sống không mấy đổi thay nên tôi quyết định chuyển đổi đất lúa sang trồng cây sầu riêng, tính đến nay đã hơn 8 năm. Tôi trồng sầu riêng bởi sau nhiều lần về quê nội ở Tiền Giang thấy người thân trồng loại trái cây này cho sản lượng lớn và năng suất cao, giá bán không dưới 50.000 đồng/kg, thời điểm hút hàng lên đến 80.000 đồng - 90.000 đồng/kg...".
Theo anh Thảo, mỗi trái sầu riêng trọng lượng tầm 2kg trở lên, trừ chi phí lợi nhuận hơn 100.000 đồng, thấy thích quá nên anh sang tận Bến Tre mua giống sầu riêng Ri6 về trồng. So với các loại cây trồng khác thì cây sầu riêng trồng 4 năm mới cho thu hoạch trái, mỗi năm sản lượng trái thu về ước 17 tấn.
Để vườn sầu riêng luôn đạt năng suất cao, biện pháp tốt nhất là quản lý vườn không bị mặn xâm nhập (đây là loại cây trồng rất mẫn cảm nước mặn), kèm với đó là bổ sung các loại phân bón sinh học cho cây…
Anh Thảo đã đầu tư luôn hệ thống tưới phun tự động liên hoàn giữa vườn trồng mít Thái siêu sớm và vườn sầu riêng, giúp tiết kiệm được chi phí về nhân công lao động, nhiên liệu dùng cho máy tưới.
Nếu như trước đây phải mất cả ngày tưới cho 2 khu vườn thì giờ đây trong vòng 30 phút bật hệ thống tưới phun tự động đã cung cấp đủ lượng nước cho cả vườn. Theo tính toán của anh Thảo, mỗi năm vườn sầu riêng cho thu nhập hơn 750 triệu đồng, còn vườn mít Thái chỉ mới bán, thu nhập chưa nhiều, trừ chi phí lợi nhuận tầm 25 triệu đồng/vụ đầu tiên.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Phước chia sẻ: “Mô hình trồng mít và sầu riêng của hộ anh Thảo thấy hiệu quả, bằng chứng là sầu riêng cho trái rất nhiều, đem về nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Tuy nhiên, sầu riêng chỉ thích hợp vùng đất có nước ngọt quanh năm, do nó mẫn cảm mặn mà những năm gần đây, vùng Kế Sách không còn nước ngọt như trước vì mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng.
Để vườn sầu riêng phát triển tốt trong thời gian tới, cần phải chú ý đến nguồn nước tưới trong mùa hạn, mặn, bổ sung các dưỡng chất cần thiết trên cây sầu riêng, phòng trị tốt các loại sâu hại tấn công. Qua đó, khuyến cáo bà con nông dân khi trồng cây ăn trái cần lựa chọn loại cây trồng phù hợp theo quy hoạch của địa phương để tránh thiệt hại do thời tiết gây ra…”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.