Soi smartphone "kiểm tra" top 50 đặc sản Việt Nam

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 30/08/2018 06:00 AM (GMT+7)
Nhờ áp dụng mã QR code, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Theo đó, bạn chỉ cần giơ điện thoại, đợi trong vài giây sẽ biết trái na đó được sản xuất ở đâu, theo tiêu chuẩn nào và giá cả ra sao.
Bình luận 0

Người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc, giá cả của na Chi Lăng.

Với phần lớn diện tích đất tự nhiên là núi đá vôi, tưởng chừng như nơi đây sẽ chỉ để cho cây dại mọc, vậy mà người dân Chi Lăng (Lạng Sơn) đã không ngừng học hỏi, bắt những vách đá vôi khô cằn nở hoa và… nhả vàng. Thời điểm này, những đường tời đang hối hả vận chuyển từng “khối vàng” xuống núi, tỏa đi muôn nẻo.

Không ngờ cây na lại phù hợp với điều kiện của núi đá vôi đến vậy. Ở Chi Lăng, na cho năng suất và chất lượng hoàn hảo không nơi nào có được. Cùng với thương hiệu đã có từ lâu, những năm gần đây, người dân chuyển hướng canh tác na an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, giúp sản phẩm này từng bước chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.

img

Na dai Chi Lăng là 1 trong 50 đặc sản Việt Nam.

Na Chi Lăng đã lọt Top 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, Top 50 đặc sản Việt Nam. Đây được xem là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của Lạng Sơn.

Nhờ đi đúng hướng nên đến nay trên 25% hộ dân ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng có cuộc sống khá giả nhờ trồng na. Từ năm 2014, huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng đã vận động người dân sản xuất na an toàn. Đến nay, diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã đạt gần 200ha và 5ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP, những diện tích còn lại đều được cam kết sản xuất an toàn. Nhờ na, cơ sở hạ tầng nông thôn nhiều địa phương được cải thiện khang trang sạch đẹp, riêng xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) đã về đích nông thôn mới từ năm 2014.

Việc sản xuất, tiêu thụ na của người Chi Lăng đang được nâng lên một bước, thể hiện sự chuyên nghiệp khi lần đầu tiên trong vụ này, na được dán tem truy xuất nguồn gốc. Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã nông sản huyện Chi Lăng cho biết, năm nay na Chi Lăng đã có truy xuất nguồn gốc, có hệ thống bao bì đóng gói chuẩn. Sau khi có truy xuất nguồn gốc, giá na có thể đạt 50.000 - 60.000 đồng/kg.

img

Na Chi Lăng đã có tem truy xuất nguồn gốc.

Sau khi đi thăm “mỏ vàng” trên núi, ông Vị Hiện Cường, Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) đánh giá, na xuất sang Trung Quốc khá nhiều, na được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có quả to, chất lượng cao, hương vị ngon được nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

“Hai bên cần tiếp tục cải thiện vật chất tại khu vực cửa khẩu, trao đổi tin tức về số lượng hoa quả theo mùa, số lượng xe vận chuyển, tình trạng thông quan để cùng kịp thời điều chỉnh, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên xuất nhập khẩu được tốt hơn” - ông Vị Hiện Cường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) đánh giá, na Lạng Sơn, đặc biệt là na Chi Lăng có chất lượng hoàn hảo bởi nó được trồng ở một vùng đất có đặc thù riêng biệt. “Các cơ quan chuyên ngành của Bộ sẽ tiến hành đàm phán chính thức với cơ quan kiểm dịch của nước bạn để làm sao đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của bạn đối với sản phẩm na Chi Lăng. Việc này sẽ được duy trì và cố gắng làm trong thời gian nhanh nhất có thể. Cùng với đó là quan tâm khâu chăm sóc sao cho đúng tiêu chuẩn; khâu sơ chế bảo quản; tổ chức phân phối sao cho bài bản để có thể chinh phục người tiêu dùng Trung Quốc” - ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ cho cây na đã được các cơ quan chức năng huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng thực hiện rất quyết liệt. Theo đó, ngành chức năng định hướng cho nông dân địa phương chuẩn hóa quy trình canh tác, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo tán đốn cành cho cây na, thụ phấn nhân tạo đã đem lại tỷ lệ đậu quả đạt trên 98%.

“Từ năm 2017, toàn huyện thống nhất áp dụng một loại bao bì in nhãn hiệu na Chi Lăng khẳng định và nâng tầng thương hiệu sản phẩm. Na Chi Lăng đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn trên toàn quốc, đang hướng đến xuất khẩu tới nhiều nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Cùng với na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn, hồi… đang góp phần quảng bá hình ảnh một Lạng Sơn tươi đẹp đến bạn bè trong nước và quốc tế”, ông Quang nói.

Đặc biệt, việc sử dụng mã QR code để truy xuất nguồn gốc na Chi Lăng đã giúp "lên đời" sản phẩm, giúp bán được giá cao. Được biết, na được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAp, có dán tem truy xuất giá lên tới 70.000 đồng/kg.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem